Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Làm rõ nguyên nhân những yếu kém trong thực hiện Quy hoạch sử dụng đất

Đánh giá lại thực trạng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, làm rõ nguyên nhân những yếu kém và đề ra các giải pháp khắc phục là những nội dung nổi bật của buổi thảo luận chiều 29/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Theo Tờ trình về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia của Chính phủ, tính đến cuối năm 2010 kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà QH đã quyết định, trong đó có 33 chỉ tiêu đạt trên 90%; 5 chỉ tiêu đạt từ 70-90%; 4 chỉ tiêu từ 60-70% và 2 chỉ tiêu dưới 60%. Đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ cho thấy, vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước; sử dụng quy hoạch đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên trồng lúa nước, trong khi ở địa phương vẫn còn các loại đất khác. Bên cạnh đó, cơ cấu sử dụng đất trong đô thị chưa hợp lý, đất dành cho giao thông đô thị còn thiếu, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đến 13%, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh thấp dưới 1% và đất dành cho các công trình công cộng đặc biệt thiếu.

Theo Quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ, đến năm 2020, đất nông nghiệp là 26.732 nghìn ha, chiếm 80,77% diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp 4.880 nghìn ha, chiếm 14,75% diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng 1.483 nghìn ha, chiếm 4,48% diện tích tự nhiên. Đến năm 2020, quy hoạch đất trồng lúa được xác định là 3.812 nghìn ha, diện tích gieo trồng khoảng 7.200 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 63,2 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 46 triệu tấn sẽ đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. So với năm 2010, diện tích đất trồng lúa giảm 308 nghìn ha.

Tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo Quy hoạch trình bày rõ biện pháp, cách thức để kiên định giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2020 vì đây là việc làm rất khó khăn… Đồng tình cơ bản về những chỉ tiêu mới trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015), tuy nhiên Chủ tịch QH yêu cầu Ban soạn thảo đánh giá lại chi tiết những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, yếu kém thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan băn khoăn: Báo cáo phải nêu được nguyên nhân dẫn đến quỹ đất cho giáo dục, an sinh xã hội, môi trường không đạt so với chỉ tiêu. Phó Chủ tịch nước cũng kiến nghị, kèm theo Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất thời gian tới, Ban soạn thảo cũng cần phải đề xuất khung chính sách để đảm bảo tính khả thi của Đề án.

Giám sát tình hình môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề

Trong phiên họp buổi sáng 29/9, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế (KKT), làng nghề.

Trình bày Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: Qua giám sát cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường có liên quan đến KKT đã được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc quản lý và bảo vệ môi trường tại các KKT. Tuy nhiên, tiến độ ban hành còn chậm; thiếu các quy định phù hợp với quản lý môi trường đặc thù của các KKT; một số quy định còn chồng chéo về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành ở KKT. Việc chỉ đạo, điều hành công tác bảo vệ môi trường ở các KKT chưa thực sự thường xuyên; thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ở các KKT tuy đã được quan tâm và có những kết quả nhất định nhưng vẫn còn không ít cơ sở chưa tuân thủ nghiêm, thực hiện không đầy đủ các nội dung cam kết.

Góp ý vào báo cáo giám sát, các đại biểu đánh giá cao việc lựa chọn nội dung giám sát bởi môi trường tại các KKT, làng nghề hiện là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, được dư luận và cử tri rất quan tâm. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu vực này hiện còn những hạn chế, bất cập, chưa đạt yêu cầu. Nếu không sớm khắc phục, nguy cơ ô nhiễm môi trường là tất yếu. Đoàn giám sát đã phản ánh được cơ bản những vấn đề tồn tại, phân tích nguyên nhân và đề xuất những kiến nghị xác đáng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Báo cáo giám sát cần phân tích thấu đáo hơn, nêu bật được hiện trạng với những minh chứng cụ thể, rõ ràng, đồng thời đưa ra được những giải pháp thực sự phù hợp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, không thể phủ nhận sự phát triển của các KKT, làng nghề đã góp phần rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, rõ ràng bên cạnh số làm tốt, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề hiện nay giống như “trăm hoa đua nở”, mạnh nơi nào nơi ấy làm. Như thế, ô nhiễm môi trường là tất yếu.
Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Nghiêm Vũ Khải, sản xuất làng nghề là sản xuất nhỏ, chịu nhiều rủi ro do nguồn nguyên liệu bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên, vốn nhỏ, công nghệ thấp, lao động thiếu đào tạo, năng suất thấp, thu nhập thấp, thị trường thiếu ổn định. Đây là những nguyên nhân cơ bản lý giải tại sao môi trường ở các làng nghề lại dễ ô nhiễm. Cốt lõi của vấn đề là phải chuyển đổi được cơ cấu sản xuất ở các làng nghề, chọn được những mô hình nâng cao sản xuất, vừa bảo đảm đời sống vừa bảo vệ môi trường. Một nguyên nhân khác là việc quy hoạch các KKT phát triển nhanh, nóng, một số địa phương có tâm lý trông chờ ở cơ chế đặc biệt; Ban quản lý một số KKT được giao quyền nhưng năng lực chưa đáp ứng trong khi lẽ ra là nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Đề cập các giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần tập trung giải quyết bằng những giải pháp cụ thể mà trước tiên là định hướng lại phát triển, đi vào phát triển sâu, bền vững; quy hoạch, sắp xếp lại các làng nghề, tùy tình hình mà tập trung hay phân tán cho hợp lý. Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai cũng là dịp để củng cố lại các làng nghề. Việc sử dụng nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường cũng cần được bố trí lại hợp lý, nhưng phải chú ý vấn đề xã hội hóa, nếu chỉ trông chờ ngân sách thì thu bao nhiêu cũng không đủ chi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, không nên áp đặt mà cần tôn trọng tư duy sáng tạo, lối sống, nếp sinh hoạt của các cộng đồng dân cư. Nên chăng xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường; có chính sách ưu đãi đặc thù về công nghệ, con người đối với làng nghề, thực hiện theo lộ trình. Giám sát phải chỉ rõ làng nghề nào cần ngừng hoạt động, làng nào cần di dời, làng nào nên quy hoạch tại chỗ để giữ gìn bản sắc văn hóa đồng thời bảo đảm môi trường; đề cao vai trò của các hiệp hội làng nghề, phát huy vai trò của nhân dân.

Quang Vũ - Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN