Phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí

Để làm rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc sau 12 năm thực hiện Pháp lệnh phí và lệ phí, chiều 11/4, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên giải trình.         

Lạm thu, phí chồng lên phí         

Lạm thu, phí chồng lên phí là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên giải trình. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), trong khi nền kinh tế nhiều khó khăn thì lạm thu đang diễn ra phổ biến trong nhiều lĩnh vực, từ thành thị đến nông thôn, người dân phải cõng trên vai phí chồng phí. 

Đây cũng là nhận định của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khi cho rằng phí và lệ phí đang là gánh nặng đối với người dân và doanh nghiệp. Mặc dù các khoản phí và lệ phí là không lớn và có những khoản phí chỉ đóng một lần nhưng vấn đề khiến dư luận bức xúc là có đến hàng trăm loại phí và điều đáng nói là chất lượng dịch vụ người dân được hưởng cũng không tương xứng với mức phí họ phải bỏ ra. 

Quang cảnh một buổi giải trình của Quốc hội. Ảnh: TTXVN


Chỉ rõ việc bên cạnh phí và lệ phí được pháp luật quy định, người dân còn phải chịu thêm áp lực do một số bộ, ngành, địa phương tự đặt ra nhiều khoản phí, lệ phí, chưa kể hàng chục khoản đóng góp tự nguyện mà chính quyền địa phương vẫn huy động và người dân nhầm tưởng là phí, lệ phí, các đại biểu chất vấn về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý thu, sử dụng phí và lệ phí cũng như các biện pháp để kiểm soát phí và lệ phí.         

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận trong quá trình triển khai Chỉ thị 24/2007/CT-TTg, một số địa phương có khoản thu không có trong danh mục nhưng vẫn mang tên phí và lệ phí, khi thu các khoản thu khác đóng góp cho quốc phòng an ninh, thiên tai, địa phương vẫn gọi là phí nên gây hiểu nhầm trong dư luận. Thực chất, đây là các khoản đóng góp tự nguyện, không phải là phí và lệ phí theo quy định. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và người thực hiện hiểu thế nào phí, lệ phí, khoản nào là đóng góp tự nguyện, đồng thời thường xuyên theo dõi chặt chẽ việc ban hành các loại phí, lệ phí.         

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về việc phân cấp quản lý và quyền quyết định các loại phí, có hay không lợi ích ngành, lợi ích cục bộ địa phương trong việc thu phí và lệ phí, cũng như những định hướng sửa đổi danh mục phí và lệ phí trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Loại phí, lệ phí nào không có tên trong danh mục không được phép thu, Chính phủ nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự đặt ra các loại phí và lệ phí. 

Chính phủ quy định chi tiết, xác định mức thu nộp, quản lý sử dụng các loại phí, lệ phí. Việc trao thẩm quyền quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý sử dụng phí và lệ phí là tương đối chặt chẽ, rõ ràng, không thể có việc bộ này, địa phương kia tự đặt ra để thu lợi cho bộ, ngành, địa phương. 

Để khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, cần bổ sung vào danh mục một số loại phí, lệ phí đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm đảm bảo tính thống nhất như phí công chứng, phí nhượng quyền khai thác hàng không đang được quy định ở các Luật chuyên ngành. 

Cùng với đó, rà soát các khoản phí, lệ phí, đưa ra khỏi danh mục một số khoản phí trong thực tế theo các văn bản khác là giá dịch vụ hoặc quy định không thu như phí kiểm định, thử nghiệm chất lượng hàng hóa phí kiểm định phương tiện đo lường phí đấu thầu phí giám định tư pháp viện phí phí xây dựng.         

Về số thu phí, lệ phí bị giảm đi, năm 2011 là 42 nghìn tỷ đồng, năm 2012 giảm còn trên 29 nghìn tỷ đồng và năm 2013 là 31,2 nghìn tỷ đồng, trong khi người dân nhận thấy mỗi năm, khoản phí phải đóng lại tăng thêm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết từ ngày 1/1/2012, Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, theo đó phí xăng dầu chuyển thành thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, do đó số thu phí của các địa phương giảm mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng. Số thu ngân sách Trung ương có xu hướng giảm do một số loại phí như phí kiểm định, phí đấu thầu… chuyển sang cơ chế giá.         

Người đứng đầu ngành tài chính cũng khẳng định việc triển khai thi hành pháp luật về phí và lệ phí cơ bản đảm bảo thực hiện đúng quy trình, đúng thẩm quyền. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đúng quy định về thu, nộp, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả số thu phí, lệ phí được để lại. Việc thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí được thực hiện công khai, minh bạch. 

Cơ chế quản lý phí, lệ phí được đổi mới theo hướng gắn liền với thực hiện xã hội hóa, tạo cơ chế chủ động, tự chủ cho các đơn vị quản lý thu, nộp và sử dụng phí, lệ phí. Để đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phí và lệ phí, Bộ thường xuyên phối hợp rà soát để phân loại, xử lý và ban hành danh mục các loại phí, lệ phí đã có văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, kịp thời phát hiện các loại phí, lệ phí thu không đúng quy định để bãi bỏ.         

Minh bạch trong thu, chi, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ        

 Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường nhận được khá nhiều câu hỏi từ các đại biểu về vấn đề phí giao thông đường bộ, phí trông giữ ô tô, xe máy, vốn là những vấn đề nóng gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian qua. 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Đinh Văn Nhã (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách) về việc người dân đã phải nộp tiền quỹ sử dụng đường bộ, nhưng khi đi qua các vùng có đầu tư trạm BOT vẫn phải mất phí và việc giá cước tăng, xe vận chuyển quá tải có phải do phí bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng khi ngân sách Nhà nước khó khăn thì người dân cũng phải đóng góp vào xây dựng cơ sở hạ tầng, chia sẻ khó khăn với Chính phủ. 

Nhờ đầu tư bằng BOT, ngân sách Nhà nước đã giảm được 50% số tiền đầu tư vào Quốc lộ 1. Bộ đã tính toán cụ thể, với phương tiện chịu mức phí đường bộ cao nhất là xe container, đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội chỉ mất khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng phí đường bộ, như vậy không lớn. Hoạt động vận tải do trước đây không quản lý được nên hầu hết đều chở quá tải, nay Bộ thực hiện giải pháp cân tải trọng xe, các xe quá tải đều phải hạ tải, vì thế cước vận tải tăng lên.         

Quỹ bảo trì đường bộ hoạt động, quản lý như ngân sách, vì tiền của dân đóng góp chính là ngân sách. Việc thu, chi  bao nhiêu, vào khoản nào đều được Hội đồng quản lý Quỹ công khai trên mạng để người dân biết. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước thường xuyên làm việc, kiểm tra sự chính xác, minh bạch của Quỹ, đảm bảo không có sai phạm – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định.        


 Chu Thanh Vân
Yêu cầu 10 cá nhân giải trình trách nhiệm trong dự án đường sắt
Yêu cầu 10 cá nhân giải trình trách nhiệm trong dự án đường sắt

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu 10 cá nhân báo cáo về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN