Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ, khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương; sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.
Nguyên tắc lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết của các vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và khả năng, quỹ đất của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả.
Nội dung Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 cần điều tra, thu thập, đánh giá tổng hợp các thông tin, tài liệu, hiện trạng sử dụng đất; phân tích đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động, thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực; dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030; xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030.
Nội dung Quy hoạch cũng xác định, khoanh định diện tích các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2030: Đất trồng lúa (trong đó có đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt); đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất (trong đó có đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); đất khu công nghiệp; đất khu kinh tế; đất khu công nghệ cao; đất đô thị; đất quốc phòng; đất an ninh; đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia gồm đất giao thông, đất xây dựng cơ sở văn hóa, đất xây dựng cơ sở y tế, đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao, đất công trình năng lượng, đất công trình bưu chính, viễn thông; đất xây dựng kho dự trữ quốc gia, đất có di tích lịch sử - văn hóa; đất bãi thải, xử lý chất thải; đất chưa sử dụng, gồm đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng trong kỳ quy hoạch và đất chưa sử dụng còn lại.
Về tầm nhìn sử dụng đất đến năm 2050, Nghị quyết nêu rõ: Cần xác định quan điểm, mục tiêu sử dụng đất dựa trên cơ sở dự báo phát triển kinh tế - xã hội, dân số, đô thị; công nghiệp hóa - hiện đại hóa; xác định tầm nhìn sử dụng đất đến năm 2050 đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu: đất trồng lúa; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất; đất khu công nghiệp; đất khu kinh tế; đất khu công nghệ cao; đất đô thị; đất quốc phòng; đất an ninh; đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phê duyệt dự toán chi tiết, lựa chọn đơn vị lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định hiện hành.