Chiến lược có mục tiêu tổng quát là nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng vào ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bảo đảm thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ"
Chiến lược nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, năng lực và kỹ năng ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự và các cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự, đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Kiện toàn hệ thống tổ chức phòng thủ dân sự từ trung ương đến địa phương và các cơ quan, đơn vị, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hiệu quả; xây dựng cơ chế vận hành hoạt động phòng thủ dân sự tương ứng với điều kiện, tình huống cụ thể…
Đến năm 2030 và những năm tiếp theo tiếp tục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho cộng đồng; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự các cấp.
Tổ chức triển khai thực hiện chương trình, đề án, dự án, trọng điểm về phòng thủ dân sự quốc gia, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra, nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa chiến tranh.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện trang thiết bị cho lực lượng chuyên trách đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, kết hợp với nâng cao năng lực cho các lực lượng tại chỗ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ"…
10 nhiệm vụ, giải pháp
Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện như: Kiện toàn, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành phòng thủ dân sự; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phòng thủ dân sự; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho các lực lượng và nhân dân trong thực hiện phòng thủ dân sự; xây dựng lực lượng chuyên trách đủ sức hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ và xây dựng lực lượng rộng rãi.
Triển khai Chiến lược Quốc gia phòng thủ dân sự gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược chuyên ngành liên quan; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh;
Đa dạng hóa và ưu tiên các nguồn lực để phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, giảm thiệt hại và nhanh chóng ổn định tình hình; tăng cường huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự; tăng cường hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự; tiến hành sơ kết, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận về phòng thủ dân sự.