Nhiều ý kiến khác nhau về việc thành lập Quỹ Phòng thủ Dân sự

Chiều 3/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Phòng thủ dân sự để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới của Quốc hội khóa XV.

Chú thích ảnh
Ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo. 

Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với tầm quan trọng, sự cần thiết của việc xây dựng Luật Phòng thủ Dân sự và sớm đưa vào áp dụng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi có sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến chỉnh sửa, bổ sung dự thảo Luật, trong đó Điều 41 quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự nhận được quan tâm với nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu.

Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố, nên quy định theo phương án xây dựng Quỹ Phòng thủ dân sự là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ trong tình huống sự cố, thảm họa… Bởi vì, kinh phí dành xử lý hậu quả sự cố, thảm họa thường rất lớn, đột xuất và cần có để sử dụng ngay khi có sự cố, thảm họa xảy ra, rất cần một nguồn quỹ do Nhà nước quản lý sẵn sàng và chủ động cho xử lý sự cố, thảm họa. 

Bà Ung Thị Xuân Hương cho rằng, cần rà soát các loại quỹ tương tự như Quỹ Phòng, chống thiên tai, Quỹ Phòng, chống dịch... vào một loại quỹ để vừa tránh chồng chéo, vừa tránh phức tạp trong thu, vận động nguồn quỹ; đồng thời bổ sung yêu cầu “công khai, minh bạch Quỹ” vào dự thảo Luật.

Chú thích ảnh
Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự. 

Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nêu rõ, thực tế từ đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, dù địa phương có nhiều nguồn quỹ nhưng chỉ sau một thời gian, nguồn kinh phí cho công tác hỗ trợ, cứu trợ đã gặp khó khăn và phải cần đến sự hỗ trợ từ Trung ương. Vì vậy, cần nghiên cứu để xây dựng một nguồn quỹ đủ đảm bảo cho sự sẵn sàng, chủ động đối phó với các sự cố, thảm họa. 

Theo bà Lê Thị Tuyết Hồng, đại diện Sở Tài chính Thành phố, nên lựa chọn phương án “trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.
 
Nếu lựa chọn phương án thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương và cấp tỉnh… là không hợp lý. Bởi vì, dự thảo Luật chưa làm rõ khả năng tài chính độc lập của Quỹ Phòng thủ dân sự; nhiệm vụ chi của Quỹ trong một số trường hợp trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, sự ra đời của Quỹ Phòng thủ dân sự dẫn đến việc chấm dứt của Quỹ Phòng, chống thiên tai và Quỹ Phòng, chống dịch vốn đang hoạt động rất hiệu quả trên thực tiễn. 

Chú thích ảnh
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự. 

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần hạn chế việc thành lập các quỹ trong khi chưa có đánh giá kỹ về việc trùng lặp trong hoạt động giữa các loại quỹ tương tự. Trong thực tiễn, khi có sự cố, thảm họa xảy ra, nếu làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự ủng hộ của dư luận thì công tác vận động, thu hút nguồn quỹ cũng dễ dàng, nhanh chóng và sát với nhu cầu thực tế hơn. 

Các đại biểu dự Hội thảo cũng tập trung ý kiến về việc cần diễn giải cụ thể “phương châm 4 tại chỗ” trong nguyên tắc phòng thủ dân sự; quy định thêm chế định trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong cung cấp thông tin chính xác trong trường hợp sự cố, thảm họa xảy ra; điều kiện để Thủ tướng Chính phủ quyết định ban bố, bãi bỏ tình trạng thảm họa trong cả nước hoặc tại các địa phương…

Dự thảo Luật Phòng thủ Dân sự sau khi đưa ra xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV được bổ sung, chỉnh lý gồm 7 Chương, 57 điều với nội dung quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động về phòng thủ dân sự, phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp, lực lượng phòng thủ dân sự, quyền và nghĩa vụ của công dân; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN