Phát triển chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trong tình hình mới

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Tranh thủ thời cơ "dân số vàng"

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước quan tâm; có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Cụ thể, hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo; chất lượng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cùng với xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Để tranh thủ thời cơ "dân số vàng", đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Thủ tướng nêu rõ việc tăng cường chuyển đổi số, đào tạo trực tuyến; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.

Qua đó, phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, đặc biệt ngành nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ.Thủ tướng đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, bao gồm cả lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề; qua đó huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển đất nước.

Thủ tướng chỉ đạo việc rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ; nhanh chóng ổn định tổ chức, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi được tổ chức, sắp xếp lại; thúc đẩy phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả.

Gắn kết "3 nhà"

Nhấn mạnh tăng cường gắn kết chặt chẽ “3 nhà: nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp” trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường gắn kết trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng, năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong giáo dục nghề nghiệp như liên kết đào tạo; nghiên cứu khoa học; trao đổi học thuật; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; quản trị nhà trường. Qua đó, việc chủ động tạo môi trường góp phần tạo thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động thu hút và ưu tiên sử dụng vốn ODA theo quy định của pháp luật để đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường chất lượng cao theo quy hoạch và các ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị rà soát, đẩy mạnh triển khai, quản lý hiệu quả các chương trình, dự án, liên quan đến giáo dục nghề nghiệp; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hội Khuyến học Việt Nam; Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

TTXVN/Báo Tin tức
Hợp tác nâng cao kỹ năng nghề trong lĩnh vực xây dựng
Hợp tác nâng cao kỹ năng nghề trong lĩnh vực xây dựng

Ngày 27/2, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ký thỏa thuận hợp tác nâng cao kỹ năng nghề trong lĩnh vực xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN