Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện nghị định này đã tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận nguồn thông tin chính thống, chính xác, nhất là đối với các sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm góp phần tuyên truyền, hướng dẫn giải thích người dân chấp hành pháp luật, làm “hạ nhiệt” những vụ việc nóng mà người dân và dư luận chưa hiểu rõ.
Cũng qua phản ánh của báo chí, các cơ quan hành chính Nhà nước rà soát, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, tạo thêm niềm tin của người dân, đồng thời góp phần hạn chế thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng.
Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã cung cấp thông tin cho báo chí, công khai trên trang website của cơ quan về người phát ngôn hoặc văn bản ủy quyền (theo vụ việc) cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều đơn vị đã chủ động cập nhật, đăng tải thông tin lên trang website của cơ quan, giúp cơ quan báo chí dễ dàng tiếp cận thông tin nhanh, chính xác.
Nhiều sở ngành, địa phương có cách làm hay, sáng tạo, giúp đơn vị truyền tải, định hướng được thông tin; hỗ trợ cơ quan báo chí phản ánh đúng sự việc, qua đó giúp người dân hiểu đúng, hiểu rõ hơn. Cụ thể như chương trình cà phê với báo chí (sáng thứ 3 tuần thứ 3) của Sở Giao thông Vận tải thành phố; chương trình họp báo thông tin định kỳ hàng quý của Ủy ban nhân dân quận 3, quận 12, quận Bình Tân, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhiều đơn vị tổ chức phát ngôn và cung cấp thông tin đột xuất, bất thường.
Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp của người phát ngôn khi cung cấp thông tin còn nhiều hạn chế, trong đó có nhiều trường hợp người phát ngôn được luân chuyển sang công tác khác, việc ủy quyền phát ngôn, cung cấp thông tin đôi lúc còn mang tính hình thức. Một số người phát ngôn không am hiểu về báo chí, ngại tiếp xúc với báo chí, còn lúng túng, thậm chí né tránh việc cung cấp thông tin cho báo chí…
Ngược lại, một số cơ quan báo chí tiếp nhận thông tin nhưng sau đó thông tin không chính xác, cắt xén lời người cung cấp thông tin, gây hiểu sai lệch vấn đề; kỹ năng tác nghiệp, giao tiếp của một số phóng viên còn hạn chế, thái độ chưa phù hợp, chưa thật sự tôn trọng người phát ngôn...
Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí - Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, một số cơ quan báo chí, nhất là các văn phòng đại diện báo đóng trên địa bàn thành phố có dấu hiệu buông lỏng quản lý; có hiện tượng tự cấp giấy giới thiệu, thẻ tác nghiệp (ngoài thẻ nhà báo) để phóng viên viên, cộng tác viên làm khó cơ quan, doanh nghiệp; lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí đưa thông tin chưa chính xác, gây căng thẳng không cần thiết.
Về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Ngọc Bích, Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân quận 9, người có nhiều năm làm việc với báo chí cho biết: Hầu hết các cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước, các cơ quan báo chí chính thống đều làm việc rất nghiêm túc, thái độ cầu thị, phản ánh hoặc góp ý rất khách quan. Ngược lại, một số cơ quan báo chí hội, đoàn, ngành Trung ương cách tiếp xúc, đặt vấn đề còn nhiều khó khăn; thậm chí có đơn vị gửi văn bản đến 19 câu hỏi; nhiều câu hỏi, cách phỏng vấn như điều tra, gây áp lực cho người phát ngôn.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Bích đề xuất, việc ủy quyền phát ngôn nên phân theo từng lĩnh vực để đảm bảo tính chính xác, thông tin có chiều sâu. Cơ quan báo chí cần hoạt động theo tôn chỉ, mục đích, quy định, pháp luật; phản ánh thông tin trung thực, khách quan; có giải pháp hỗ trợ và cùng chính quyền chung tay xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
Tham dự hội nghị, nhiều đại biểu cũng thống nhất và đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác báo chí; xác định việc thường xuyên gặp gỡ cơ quan báo chí như cánh tay nối dài để hệ thống chính quyền thành phố chuyển tải thông tin đến người dân. Qua đó, chính quyền càng hiểu rõ tư, nguyện vọng, những băn khoăn vướng mắc của nhân dân để có giải pháp khắc phục, cùng hướng đến xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Tại hội nghị, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác báo chí như: Người phát ngôn chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp báo chí đúng quy định của pháp luật; những vấn đề cần lưu ý trong công tác cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý khủng hoảng truyền thông…
Qua 2 năm thực hiện Nghị định 09/2017 của Chính phủ, toàn thành phố có 35/52 cơ quan thường xuyên phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí với hàng trăm lượt; 15 cơ quan tổ chức theo định kỳ hàng quý hoặc tại các buổi họp sơ kết; 10 cơ quan cung cấp thông tin cho cổng thông tin điện tử Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh.