Xin ông đánh giá một số kết quả nổi bật của Hội nghị AMM 53?
AMM 53 là hội nghị đầu tiên các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp thường niên theo hình thức trực tuyến. Tôi cho rằng, hình thức họp trực tuyến là một trong những nét nổi bật của năm 2020, đánh dấu sự chuyển đổi của ASEAN về phương thức làm việc, từ phương thức làm việc trực tiếp sang trực tuyến, trong khi vẫn duy trì tất cả các hợp tác, đối thoại, những quy trình, quy chuẩn của ASEAN.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã tập trung trao đổi một số nội dung chính về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Các Bộ trưởng khẳng định, ASEAN luôn đoàn kết và sẵn sàng cùng nhau hợp tác vượt qua khó khăn do dịch bệnh, tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế, đời sống, an sinh xã hội của các nước thành viên.
Các sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 hiện đã chính thức trở thành các sáng kiến của ASEAN. Các sáng kiến này có tinh thần chung là thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hình thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. Các Bộ trưởng thống nhất, để hình thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, các nước thành viên cần điểm lại tất cả những hoạt động về xây dựng Cộng đồng mà ASEAN đã và đang thực hiện từ năm 2015 đến nay, từ đó vạch ra con đường tiến lên từ nay đến sau 2025.
Liên quan tới cung cách, phương thức làm việc của ASEAN, như chúng ta đã biết, ASEAN có một số văn kiện cơ bản. Đối với các văn kiện về Hiến chương ASEAN, lần này, các Bộ trưởng khẳng định sẽ cùng nhau đánh giá lại tất cả những văn kiện có liên quan tới Hiến chương ASEAN. Từ đó làm cho bộ máy ASEAN trở nên hiệu quả hơn, thích ứng hơn với tình hình mới, tạo nền tảng để ASEAN tiếp tục phát triển sau năm 2025.
Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trong và ngoài khu vực, đòi hỏi không chỉ mình ASEAN có hành động mà cần phải có hợp tác chung với các đối tác lớn ở các khu vực khác trên thế giới. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cần được tiếp tục thúc đẩy, mở rộng, có chất lượng hơn, đặc biệt là chất lượng hoạt động của các diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN, Diễn đàn Cao cấp Đông Á, Diễn đàn ASEAN+3, Diễn đàn ASEAN+1.
Vị trí của Việt Nam trong thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN đối với tình hình hiện nay thế nào, thưa ông?
Vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện trên nhiều phương diện, không phải chỉ gói gọn trong quan hệ đối ngoại của ASEAN. Theo đó, vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện trên phương diện xây dựng, bảo đảm một khu vực hòa bình, ổn định, tinh thần đối thoại và hợp tác giúp các nước thành viên, sau đó được mở rộng ra thông qua hoạt động của các cơ chế do ASEAN thành lập, dẫn dắt.
Chúng ta cũng có thể thấy vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện ở việc duy trì được tinh thần độc lập, tự chủ, không bị và không để lôi kéo vào những diễn biến phức tạp trên thế giới; duy trì được tinh thần của ASEAN từ ngày thành lập (1967) đến nay để có sự bảo đảm cho các đối tác tham gia hỗ trợ và ủng hộ ASEAN trong quá trình xây dựng hòa bình và duy trì ổn định trong khu vực. Quan trọng nhất hiện nay, theo tôi, đó là tinh thần sẵn sàng đối thoại, sẵn sàng hợp tác, cùng nhau hướng tới tương lai, đặc biệt là trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Thưa ông, trong khi từng quốc gia ASEAN đang phải căng mình giải quyết những vấn đề của dịch COVID-19, Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, đã làm gì để kêu gọi các nước thành viên tham gia đầy đủ các hoạt động chung của ASEAN?
Dịch COVID-19 đã và đang diễn ra rất phức tạp ở tất cả các nước trong khu vực, tác động trực tiếp tới kinh tế - xã hội, đời sống của người dân khu vực. Hơn bao giờ hết, vai trò trung tâm của ASEAN cần được phát huy để bảo đảm rằng một quốc gia không thể kiểm soát được dịch bệnh mà điều này đòi hỏi phải có nỗ lực chung của tất cả các quốc gia, cùng với đó là các đối tác bên ngoài khu vực.
Đối với Việt Nam, trong 8 tháng qua, vai trò của Chủ tịch ASEAN 2020 nổi lên rất rõ. Đầu tiên là nỗ lực tập hợp lực lượng của Việt Nam trong ứng phó, chung tay chống lại đại dịch. Cùng với đó là việc thu hút sự ủng hộ, hỗ trợ, hợp tác của các nước có quan hệ đối thoại, các đối tác bên ngoài sẵn sàng cùng ASEAN hợp tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong quá trình duy trì hoạt động của ASEAN, 8 tháng qua, các hoạt động của ASEAN vẫn được triển khai đều khắp trên cả ba trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; hướng tới bảo đảm khu vực hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh cho Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á nói chung. Tất cả các đối tác ngoài khu vực đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam tham gia cùng phòng, chống dịch bệnh và tiếp tục phát triển.
Điểm nổi bật là, trong bối cảnh dịch COVID-19, Việt Nam đã đưa ra 4 sáng kiến cụ thể. Đầu tiên là việc lập Quỹ Ứng phó dịch COVID-19 của ASEAN; thứ hai là việc lập ra Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN nhằm cung cấp những thiết bị y tế, dụng cụ y tế trong trường hợp khẩn cấp. Sáng kiến thứ ba là xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh. Sáng kiến thứ tư về kế hoạch tổng thể phục hồi sau dịch bệnh. Tôi cho rằng, đây là sự chuẩn bị trước của ASEAN cho việc dịch bệnh sẽ rút đi hoặc sẽ được kiểm soát một cách hiệu quả.
Ông đánh giá thế nào về nội dung phát triển tiểu vùng được bàn thảo tại Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN về Phát triển tiểu vùng?
Trong các vấn đề hợp tác nổi bật của ASEAN từ trước đến nay có vấn đề tăng cường kết nối ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng của ASEAN. Hiện nay trong ASEAN có khoảng 4-5 các tiểu vùng khác nhau. Các tiểu vùng này là những bộ phận không thể tách rời của ASEAN.
Trong các hoạt động của mình, ASEAN vẫn luôn nhất quán tinh thần: Không ai bị bỏ lại phía sau; không khu vực vào bị cắt ra khỏi sự phát triển chung của ASEAN. ASEAN đã và đang xây dựng Cộng đồng nhiều năm nay và vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển luôn được đề cập tới trong nội bộ ASEAN cũng như thu hút thêm nguồn lực từ bên ngoài cho quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển này.
Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về phát triển tiểu vùng với ba lý do. Thứ nhất, Việt Nam cho rằng đã đến lúc ASEAN phải có trao đổi về sự phát triển chung của các tiểu vùng để làm sao đưa các tiểu vùng này bắt nhịp với quá trình phát triển của ASEAN cũng như những trao đổi của khu vực.
Thứ hai, các tiểu vùng thường có trình độ phát triển chậm hơn so với những khu vực khác, thế nhưng lại có tiềm năng lớn về tài nguyên, thị trường… Việc trao đổi giữa các thị trường và sự kết nối giữa các tiểu vùng sẽ làm cho ASEAN mạnh hơn, tạo thêm sức mạnh mới cho thị trường hơn 500 triệu dân mà ASEAN đang có.
Thứ ba là phát triển bền vững, Liên hợp quốc cũng có Chương trình phát triển bền vững, được nhiều nước trên thế giới, bao gồm 10 nước ASEAN ủng hộ và coi là ưu tiên. Vì vậy, để phát triển bền vững, cần phải phát triển các tiểu vùng, kết nối tiểu vùng với nhau và đưa phát triển bền vững trở thành mục tiêu chung của cả Cộng đồng. Nội dung phát triển tiểu vùng, rất phù hợp với sự phát triển, mục tiêu chung của ASEAN, thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!