Qua những ý kiến từ cơ sở cho thấy, cử tri vui mừng trước những thành tựu kinh tế - xã hội đã đạt được, tin tưởng Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, có các giải pháp, chính sách hiệu quả, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, đưa đất nước ngày càng phát triển.
Tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện pháp luật
Việc đổi mới trong tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri giúp hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất. Qua đó, cử tri phát huy quyền làm chủ, tích cực đóng góp xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.
Cử tri các địa phương bày tỏ niềm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; ghi nhận và đánh giá cao Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong tổ chức các kỳ họp; nghiên cứu, ban hành nhiều luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đồng tình, thống nhất cao với dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7 xem xét nhiều nội dung quan trọng với 60 vấn đề trong đó có 24 văn bản quy phạm pháp luật; xem xét, thông qua 13 luật và nghị quyết của Quốc hội. Các vấn đề được đưa ra trước Quốc hội đều được chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng kỳ vọng của cử tri, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội.
Tích cực tham gia vào quá trình lập pháp bằng việc chủ động nghiên cứu kỹ các dự án Luật, cử tri tại cơ sở đã có những ý kiến đóng góp xác đáng, phản ánh từ thực tế. Trong số các dự án Luật dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, các Dự thảo Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân cả nước.
Với Dự thảo Luật Đường bộ, cử tri đóng góp nhiều ý kiến vào các điều khoản liên quan vận tải hành khách bằng xe ô tô; quyền và nghĩa vụ của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách; kinh doanh vận tải bằng xe buýt… Các quy định về "Các hành vi bị nghiêm cấm", "Giao thông trên đường cao tốc", "Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng", "Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ"… trong Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nhận được nhiều góp ý.
Quy hoạch giao thông cũng là vấn đề được cử tri quan tâm. Theo đó, giao thông đô thị ở các địa phương đang phát sinh nhiều bất cập về đường dành cho phương tiện lưu thông, bến bãi đỗ xe tập trung, nơi dừng đỗ xe trên các đường phố, đường dành riêng cho người đi xe đạp… Cử tri đề nghị cần bổ sung quy định tỷ lệ quỹ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị, bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè, bến xe khách, bãi đậu xe ô tô tải, các trung tâm logistics.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp lần này được đánh giá là dự án luật lớn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, tác động đến đông đảo người dân. Góp ý về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), anh Trần Công Vy (Công ty Cổ phần MP Pack, Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng) kiến nghị, Quốc hội bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Cử tri cũng đề xuất Quốc hội cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thu bảo hiểm xã hội để xảy ra nợ đọng bảo hiểm; bổ sung chế tài khởi tố hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên 6 tháng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ngoài ra, cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động đề nghị, Quốc hội có giải pháp tổng thể bảo vệ quyền lợi người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần; quan tâm đến quyền lợi của lao động nữ…
Góp ý về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Nguyễn Tấn Trung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật (thành phố Đà Nẵng) đề xuất, Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, quy định rõ quyền của Công đoàn trong việc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tập thể người lao động.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị, Đảng, Nhà nước có giải pháp bảo vệ quyền lợi, chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn yên tâm công tác; quy định rõ hơn về quyền chủ động thực hiện giám sát của Công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi) để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, sớm phát hiện các bất cập, tranh chấp, không để xảy ra nghỉ việc tập thể. Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí Công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời quy định chế tài xử lý các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí Công đoàn…
Cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) nêu ý kiến, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) - bộ luật rất quan trọng, đáp ứng sự kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân, tác động trực tiếp đến đa số người dân. Cử tri mong Quốc hội và HĐND thành phố quan tâm nâng cao hiệu quả việc hướng dẫn tổ chức thực hiện có chất lượng để luật đi vào cuộc sống.
Cùng mong mỏi Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào thực tiễn, cử tri Lê Đình Nghĩa (phường Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, Luật đã được thông qua, người dân mong muốn Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành các Nghị định hướng dẫn cụ thể, chi tiết thi hành luật; qua đó sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập tồn tại.
Công nhân, lao động phản ánh nhiều vấn đề thực tiễn
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, để việc tiếp xúc cử tri hiệu quả, chuyên sâu hơn, các Đoàn Đại biểu Quốc hội đã linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức tổ chức tiếp xúc theo chuyên đề, đối tượng đặc thù hoặc theo khu vực. Trong đó, nhân Tháng Công nhân, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức các buổi tiếp xúc chuyên đề với công nhân, người lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống… Từ đó, tổng hợp và phản ánh ý kiến đến Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, góp phần xây dựng chính sách đảm bảo khả thi, sát thực tế.
Với tinh thần dân chủ, các công nhân, lao động tỉnh Thanh Hóa tập trung phản ánh những vấn đề thực tiễn như: duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống người lao động…; phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con công nhân lao động; vấn đề rút bảo hiểm một lần và tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân lao động…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) Hoàng Thị Hằng chia sẻ, nguyên nhân cơ bản của việc giảm lao động trong các doanh nghiệp là do công ty trả lương cho công nhân, người lao động còn thấp, chưa tương xứng năng suất, hiệu quả lao động… Bà Hoàng Thị Hằng đề nghị, các doanh nghiệp chi trả tiền lương cho người lao động cần căn cứ tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động mà họ tạo ra cho doanh nghiệp.
Cử tri Trần Thị Hoa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn may Minh Hoàng 2, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) đề xuất, Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động. Quốc hội, chính quyền các cấp có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho công nhân được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, quy hoạch khu công nghiệp phải gắn với quy hoạch khu nhà ở cho công nhân, có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, hỗ trợ để công nhân, lao động được mua nhà ở.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri là công nhân, người lao động Bến Tre quan tâm đến các vấn đề nâng cao đời sống vật chất tinh thần, triển khai đồng bộ các thiết chế văn hóa cho công nhân, chính sách bảo hiểm xã hội, chế độ tiền lương, tuổi nghỉ hưu của người lao động, chế độ thai sản đối với lao động nữ…
Những ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội đều rất tâm huyết, thiết thực, không chỉ nêu kiến nghị mà còn có những đề xuất khả thi, phù hợp với tình hình địa phương, đất nước. Lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã giải đáp ngay những nội dung thuộc thẩm quyền; đồng thời, tiếp thu các ý kiến khác để tổng hợp, báo cáo Quốc hội, cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.