Giải thưởng được tổ chức nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại. Đài Tiếng nói Việt Nam là Cơ quan Thường trực Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đầy biến động với những thách thức chưa từng có của đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là kết quả thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, và tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Việt Nam cũng đã tạo được dấu ấn đậm nét trong cộng đồng quốc tế khi đảm nhận thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA-41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Với những thành tựu quan trọng đạt được thời gian qua, lần đầu tiên kể từ năm 1975, Việt Nam được đề cập tích cực trên truyền thông quốc tế với tần suất cao và mức độ rộng.
"Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước cùng với sự quan tâm ngày càng tăng của chính giới, dư luận truyền thông đối với Việt Nam tiếp tục là tín hiệu tích cực, là nguồn chất liệu, cảm hứng cho đội ngũ những người làm công tác đối ngoại trong và ngoài nước, sáng tạo để tạo ra những tác phẩm, sản phẩm thông tin đối ngoại có ý nghĩa và giá trị hơn", ông Bùi Trường Giang nhấn mạnh.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, qua 6 năm tổ chức liên tục, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại ngày càng khẳng định thương hiệu là một giải thưởng chất lượng, uy tín; trở thành diễn đàn để các tác giả, nhóm tác giả người Việt Nam và người nước ngoài trao đổi, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; mở ra không gian sáng tạo cho đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại.
Theo Quy chế xét tặng Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII, những sản phẩm được xét trao Giải thưởng là tác phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, gồm: Báo in; Báo điện tử; Trang thông tin điện tử; Phát thanh; Truyền hình; Ảnh (gồm Ảnh báo chí và Ảnh phong cảnh); Sách; Video clip và Các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản, phát hành, công bố và áp dụng ở trong và ngoài nước, trong thời gian từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021.
Đối với những tác phẩm phát hành trước hoặc sau thời điểm nêu trên, phải có ít nhất 2/3 thời lượng, số lượng tác phẩm được công bố trong thời gian quy định.
Giải thưởng sẽ được công bố và trao vào cuối tháng 8/2021. Các tác phẩm dự thi gửi đến Cơ quan thường trực Giải thưởng trước ngày 15/7/2021, tại địa chỉ Đài Tiếng nói Việt Nam (Ban Thư ký biên tập).
Các tác phẩm, sản phẩm dự thi cần bảo đảm tính kịp thời, khách quan; có sức lan tỏa trong nước và quốc tế, phục vụ công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Các tác phẩm thông tin chính xác, kịp thời, sinh động các hoạt động đối ngoại và đối nội của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về các vấn đề quốc tế, giải quyết các vấn đề chủ quyền quốc gia; thông tin về tình hình thế giới, các vấn đề quốc tế được dư luận trong nước quan tâm và dư luận quốc tế tích cực về đất nước, con người Việt Nam.
Các tác phẩm cũng cần chú ý phản ánh trung thực, khách quan về thành tựu đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch; thành tựu công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, của các vùng miền, các địa phương trên cả nước; của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; khẳng định thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, công tác phân giới, cắm mốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các tác phẩm dự thi cần phản ánh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật về tình hình Việt Nam của các thế lực thù địch, cơ hội.
Trong năm 2020, Ban Tổ chức Giải thưởng lần thứ VI đã nhận được khoảng 1.300 tác phẩm, sản phẩm dự thi của 9 hạng mục: báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh, sách, video clip và ý tưởng, sáng kiến, sản phẩm đối ngoại, với 17 ngôn ngữ. Số lượng và chất lượng các tác phẩm tham dự được nâng lên rõ rệt.
Với việc bổ sung thêm 2 hạng mục là video clip và các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm thông tin đối ngoại, Giải thưởng lần thứ VI đã kịp thời tôn vinh những tác phẩm thuộc loại hình truyền thông mới, có mức độ lan tỏa rộng trên truyền thông quốc tế.