Đơn giản hóa quy trình cấp phép với tàu bay không người lái
Thời gian qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật Phòng không nhân dân và các cơ quan hữu quan khẩn trương tập trung nghiên cứu; tổ chức nhiều cuộc họp để tiếp thu, chỉnh lý; việc giải trình các ý kiến bảo đảm đầy đủ các căn cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Các đại biểu tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Phòng không nhân dân để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận phòng không nhân dân. Việc xây dựng và ban hành văn bản Luật sẽ tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.
Các đại biểu cũng cho rằng các nội dung trong dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tại Khoản 1, Điều 26 dự thảo Luật quy định, đối với tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay và trang thiết bị có liên quan thì được nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay và trang bị thiết bị có liên quan. Phân tích về nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, Khoản 3, Điều 27 của dự thảo Luật chỉ quy định về việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay mà không quy định về việc cấp phép kinh doanh trang bị, thiết bị như quy định tại Khoản 1, Điều 26. Như vậy, vấn đề đặt ra một quy định việc kinh doanh tàu bay không người lái mà phương tiện bay thì được cấp phép, nhưng đối với trang bị và thiết bị của phương tiện đó thì không cấp phép. Nêu bất cập này, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, cần nghiên cứu bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, việc phân loại tàu bay không người lái dựa trên mục đích sử dụng, kích thước, trọng lượng và khả năng hoạt động tại Điều 26 còn chưa rõ ràng, dẫn đến có thể xảy ra sự nhầm lẫn, rà soát và khó khăn trong quản lý. Trong khi đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho tàu bay không người lái có thể không bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ dẫn đến việc áp dụng các quy định này sẽ không phù hợp.
Đại biểu đề nghị, cần cập nhật và cụ thể hóa vào dự thảo Luật các loại tàu bay không người lái bao gồm tàu bay không người lái dân sự, tàu bay không người lái quân sự, tàu bay không người lái thương mại và giải trí để các quy định này được áp dụng chi tiết, rõ ràng hơn. Đồng thời, điều chỉnh và cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm phù hợp với những tiến bộ mới trong công nghệ tàu bay không người lái
Cho rằng, trong Chương 4 về quản lý tàu bay không người lái hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) khẳng định, đó là quy trình cấp phép cho phương tiện hàng không không người lái còn khá phức tạp, đặc biệt là đối với các phương tiện hàng không không người lái sử dụng cho mục đích dân sự, thương mại hoặc giải trí. Theo đại biểu, điều này có thể làm chậm trễ hoạt động kinh doanh hoặc nghiên cứu liên quan đến tàu bay không người lái. Mặt khác, việc quản lý phương tiện tàu bay không người lái hiện còn thiếu cơ sở dữ liệu tập trung, đồng bộ, gây khó khăn cho việc giám sát, cấp phép và theo dõi các hoạt động này.
Đại biểu tỉnh Trà Vinh đề nghị, nên chăng bổ sung quy định đơn giản hóa hơn quy trình cấp phép, đặc biệt là đối với các tàu bay không người lái có mục đích sử dụng rõ ràng và ít rủi ro, như: quay phim, chụp ảnh… Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung cho phép các cơ quan quản lý và người dùng đăng ký tra cứu và quản lý tàu bay không người lái một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nhất trí với việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân.
Phân cấp, phân quyền cho việc quản lý bay
Về khái niệm phương tiện bay siêu nhẹ được quy định tại khoản 7 Điều 2 dự thảo luật nêu "Phương tiện bay siêu nhẹ là các vật thể bay mà không phải là tàu bay không người lái, bao gồm các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian), mà khi bay có khả năng làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và an toàn hàng không".
Theo đại biểu Đức, đây là quy định được kế thừa và luật hóa từ Nghị định 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ và cũng là nội dung được nhiều đại biểu, các cơ quan, cử tri quan tâm trong dự thảo luật.
Đại biểu tỉnh Cao Bằng phân tích, hiện nay, các phương tiện bay được coi là siêu nhẹ xuất hiện rất nhiều trong thực tiễn, nhất là Flycam dùng để quay phim, chụp ảnh hoặc có thể vận chuyển hàng hóa. Theo quy định trong dự thảo luật, phương tiện bay siêu nhẹ được quy định theo hình thức liệt kê gồm 4 loại là khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay. Tuy nhiên, về quy định và cách hiểu các nội dung trên chưa rõ ràng.
Đại biểu Bế Minh Đức đề nghị, dự thảo luật cần nghiên cứu, làm rõ hơn về trọng lượng của các vật thể bay là bao nhiêu thì được gọi là phương tiện bay siêu nhẹ, đây là khái niệm cần được hiểu và giải thích đầy đủ làm cơ sở cho quá trình quản lý phương tiện bay.
"Tôi đề nghị cần rà soát và làm rõ hơn các khái niệm như tàu bay, phương tiện bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để bảo đảm thống nhất về khái niệm và cách hiểu so với Luật Hàng không dân dụng năm 2006", đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh.
Để thực hiện tốt việc quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, đại biểu tỉnh Cao Bằng đề nghị có chính sách, cơ chế để phân cấp, phân quyền mạnh cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an như Bộ Tư lệnh quân khu hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Công an tỉnh, Công an huyện.... trong việc cấp phép bay.
Việc phân cấp, phân quyền sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tránh được áp lực công việc nhiều dồn lên một hoặc hai cơ quan có thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có liên quan trong tổ chức hoạt động bay.
Đại biểu phân tích, trên thực tế, việc diễn ra hoạt động bay, phạm vi hoạt động bay là trên 1 địa bàn cụ thể (xã, huyện, tỉnh) và việc nắm bắt thông tin của hoạt động phương tiện bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đa phần do chính cơ sở (cấp xã, cấp huyện) cần nhanh, kịp thời.
"Nếu không có cơ chế, chính sách phân cấp, phân quyền mạnh cho cấp dưới thì việc giải quyết tình huống cũng như bảo đảm việc cấp phép phù hợp với tính chất quản lý sẽ không được bảo đảm khoa học, hợp lý, kịp thời", đại biểu nêu ý kiến.