Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì hội nghị; cùng với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ...
Nguy cơ tồn đọng lớn tro, xỉ
Theo báo cáo, tro, xỉ, thạch cao hiện nay chủ yếu phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than. Các nhà máy nhiệt điện đang vận hành tại Việt Nam tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hàng năm hơn 16,4 triệu tấn/năm.
Dự kiến tới năm 2020 sẽ có thêm nhiều dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm và phát sinh khoảng 20,5 triệu tấn tro xỉ, thạch cao.
Hiện nay, tro xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng, làm bê tông và làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, với lượng tro xỉ, thạch cao phát sinh lớn được lưu giữ tại các nhà máy nhiệt điện nếu không có giải pháp hiệu quả để tái sử dụng sẽ vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên, vừa tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí khu vực xung quanh, vừa nảy sinh các vấn đề xã hội khác.
Các quốc gia trên thế giới luôn khuyến khích sử dụng tro xỉ, thạch cao trong xây dựng đường giao thông, làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây dựng. Tro xỉ, thạch cao nếu đạt yêu cầu dùng làm phụ gia cho việc sản xuất xi măng sẽ làm giảm chi phí sản xuất; bê tông dùng tro bay sẽ làm giảm lượng xi măng và làm tăng tính bền chắc của công trình.
Ngoài ra, tro xỉ, thạch cao còn được sử dụng để làm chất liên kết, gia cố các công trình giao thông, sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ rất hiệu quả.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc tiêu thụ, sử dụng tro xỉ, thạch cao còn chậm so với yêu cầu. Một số cơ sở, nhà máy phát thải ra tro xỉ không đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; chưa thực hiện phân loại riêng biệt tro và xỉ.
Tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đưa ra cảnh báo: "Tro xỉ nếu không được sử dụng, dự kiến đến 2030, chúng ta sẽ có 422 triệu tấn tro xỉ tồn đọng. Đấy là con số khủng khiếp". Ông Trương Duy Nghĩa cho rằng, câu hỏi đặt ra là tại sao tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than chưa được sử dụng nhiều, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên.
"Mấu chốt ở chỗ, chúng ta vẫn chưa đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm được vấn đề này. Mặc dù vấn đề tro xỉ nhiệt điện than hiện nay rất nóng, nhưng việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro xỉ của các cơ quan chức năng còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, cả người sản xuất cũng như người sử dụng đều gặp vướng mắc. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ chúng ta hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng tro xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng?" - ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, ông Trương Duy Nghĩa cho rằng, về lâu dài phải giải quyết được vấn đề chất lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than, để có thể sử dụng tốt cho sản xuất vật liệu xây dựng. Vì hiện nay, các nhà máy sử dụng than nội địa, tro xỉ có hàm lượng các-bon dư thừa còn quá lớn. Đây là vấn đề vướng mắc của các nhà máy sử dụng than và cả doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đưa ra các kiến nghị để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng tro xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất làm vật liệu xây dựng và sự dụng trong công trình xây dựng.
Trong đó, các nhà máy nhiệt điện đốt than cần tìm kiếm, sử dụng nguồn than đúng với chủng loại dự kiến ban đầu của dự án; chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm các đối tác tiêu thụ tro xỉ; tích cực tìm kiếm các dự án có thể sử dụng nhiều tro xỉ làm vật liệu san lấp thay thế vật liệu tự nhiên. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần công khai các chính sách tiêu thụ tro xỉ, thạch cao để thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận, xử lý, tái sử dụng...
Tái sử dụng tro, xỉ
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là vấn đề bức xúc cần phải giải quyết, nếu không có giải pháp hiệu quả để tái sử dụng sẽ vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên, vừa tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí khu vực xung quanh, vừa nảy sinh các vấn đề xã hội khác.
"Với cách thức như hiện nay, tới năm 2030, chúng ta phải đối mặt với vấn đề của 422 triệu tấn tro, xỉ tồn đọng, chưa kể đến lượng lớn thạch cao. Vấn đề đặt ra hiện nay là sớm khắc phục các hạn chế, hoàn thiện các cơ chế, giải pháp để tái sử dụng tro xỉ, thạch cao. Các ý kiến đóng góp tại hội nghị cho thấy, vấn đề này phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Các quốc gia trên thế giới luôn khuyến khích sử dụng tro xỉ, thạch cao trong xây dựng đường sá, làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê-tông và vật liệu xây dựng. "Như vậy, tro xỉ không phải chỉ là chất thải, mà phải coi là nguồn nguyên liệu, chúng ta cần đưa ra giải pháp để sử dụng hiệu quả, phải quy định để tro xỉ trở thành một loại hàng hóa, một loại tài nguyên. Loại nào không độc hại, phù hợp làm nguyên liệu sản xuất và trong công trình xây dựng thì công bố hợp chuẩn, hợp quy để sử dụng. Loại nào chứa các thành phần độc hại, phải xử lý theo quy trình" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay lại có tình trạng ách tắc, do đó cần làm rõ các vấn đề về cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để triển khai hiệu quả trên thực tế. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải rà soát lại tổng thể các luật, chính sách; ban hành, hoàn thiện ngay các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng tro, xỉ, thạch cao...; xem xét lại quy hoạch, rà soát công nghệ của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón... để tận dụng hiệu quả nguồn tro xỉ thải, tạo điều kiện cho tái sử dụng, sản xuất, tiêu thụ.