Phải công khai đầu mối về giám định tư pháp

Chiều 30/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp với các Bộ, ngành liên quan để xử lý những vướng mắc, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.


* Còn nhiều vướng mắc

Rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế đã được các đại biểu nêu lên tại cuộc họp. Đó là hướng dẫn thực hiện Luật giám định tư pháp của Bộ, ngành ở một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường... chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; thiếu hướng dẫn cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng. Quy định về định giá tài sản trong pháp luật tố tụng hình sự có bất cập với thực tế nên khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản trong các vụ án tham nhũng; thiếu hướng dẫn cụ thể về chi phí giám định tư pháp ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng...

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, nhiều nội dung trưng cầu giám định vượt ra khỏi phạm vi chuyên môn, lĩnh vực, có khi yêu cầu người giám định xem xét, đánh giá, cho ý kiến cả về những vấn đề pháp lý của vụ án, không sát với việc cần giám định, không phù hợp với tính chất chuyên môn. Các cơ quan tố tụng còn lúng túng, khó khăn trong tìm kiếm, lựa chọn, trưng cầu giám định. Nhiều trường hợp cơ quan trưng cầu không cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin cần thiết nên mất nhiều thời gian cho việc thực hiện giám định, làm ảnh hưởng đến thời hạn làm giám định.

Đại diện Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng cho biết, trong những vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra chỉ có thể dựa vào kết quả giám định tư pháp để điều tra sai phạm ở khâu nào. Kết luận giám định là chứng cứ duy nhất để mang ra xử lý. Thời gian qua, án kinh tế nhiều, đòi hỏi phải giám định nhiều nhưng giám định viên các Bộ, ngành chưa thực sự quan tâm. Nhiều vụ án ra quyết định trưng cầu giám định, đến các bộ ngành phải chờ đợi thời gian dài, lòng vòng, có trường hợp mất hàng tháng. Có những vụ án thời hạn điều tra tối đa 12 tháng nhưng từ khi trưng cầu đến khi kết luận kéo dài hơn 13 tháng dẫn đến phải tạm đình chỉ điều tra. Hoặc có vụ án các Bộ, ngành né tránh yêu cầu Bộ này lại đẩy sang Bộ khác giám định. Nhiều khi cơ quan điều tra lúng túng, trưng cầu giám định không phối hợp được với các Bộ, ngành, không có đầu mối để trao đổi.

Bà Lương Ngọc Trâm, Chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao cũng khẳng định kết quả giám định mặc dù được nói là chỉ mang tính chất tham khảo nhưng trên thực tế lại hết sức quan trọng. Nhiều kết quả giám định mang tính chuyên môn là chứng cứ quan trọng nhất để Tòa xác định có tội hay không, mức độ phạm tội đến đâu. Trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại… việc Tòa ra quyết định trưng cầu giám định nhiều lần để xác định bản chất sự thật khách quan là có. Những vụ án lớn liên quan đến tài chính, đất đai, Tòa rất mong chờ các kết quả giám định để đưa ra xét xử nhanh.

Khó khăn nhất hiện nay, theo bà Trâm là nhiều vụ việc liên quan đến nhiều Bộ, ngành và tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Trong các vụ án liên quan đến tham nhũng, xây dựng, y tế, ngân hàng, lĩnh vực giám định liên quan đến nhiều Bộ, ngành, nhiều lĩnh vực, đối tượng khách nhau, chỉ cần 1 trong 2 mắt xích giám định chậm một chút kéo theo cả hệ thống chậm. Bà Trâm cũng đưa ra một thực tế là việc quá tải của hệ thống và sự kết hợp của các Bộ, ngành trong việc phải giám định chưa chặt chẽ, chưa nhanh chóng. Nhiều vụ án lớn liên quan đến tham nhũng kinh tế nếu không có đầu tàu đứng giữa phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng thì sẽ rất khó thực hiện đúng yêu cầu đặt ra.

Thực trạng bất cập, tồn tại trên được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích là do nhận thức của một số Bộ, ngành chủ quản, địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng về vai trò, trách nhiệm với công tác giám định tư pháp còn hạn chế, không đầy đủ; khuôn khổ pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; hướng dẫn về kinh phí chi trả chi phí giám định, định giá tài sản... trong hệ thống các cơ quan điều tra có nhiều bất cập, hạn chế, không phù hợp với thực tế hoặc thiếu cơ chế cụ thể về điều phối, phối hợp hiệu quả thực hiện giám định, nhất là việc giám định có liên quan nhiều chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau giữa các Bộ, ngành.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung khẳng định không bao giờ thiếu kinh phí cho giám định tư pháp.

* Công khai hóa đầu mối về giám định



Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật giám định tư pháp, các văn bản hướng dẫn thực hiện và các văn bản khác có liên quan. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các nhiệm vụ được giao theo Đề án 258, Luật giám định tư pháp, Kế hoạch triển khai thi hành Luật giám định tư pháp, trong đó cần sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật giám định tư pháp về quy trình giám định chuẩn ở các lĩnh vực, nhất là tài chính, ngân hàng, xây dựng, tài nguyên, kế hoạch và đầu tư, vấn đề định giá tài sản trong tố tụng hình sự; hướng dẫn và tổ chức thực hiện chi phí giám định tư pháp, chi phí định giá tài sản trong tố tụng hình sự...; cơ chế thông tin, phối hợp tích cực, hiệu quả giữa bên trưng cầu và bên thực hiện giám định, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các Bộ, ngành quản lý giám định...

Phó Thủ tướng nêu rõ các Bộ, ngành chủ quản được trưng cầu giám định phải công khai hóa đầu mối về giám định, đi liền với đó phân cấp rõ công tác giám định từng địa phương, đơn vị; rà soát, củng cố đội ngũ cán bộ và tổ chức thực hiện giám định tư pháp; đổi mới cách thức lập danh sách người giám định tư pháp, bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành mình trên cơ sở nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng và phòng, chống tham nhũng; nâng cao trình độ giám định viên, nhất là lĩnh vực mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó xác định rõ quy trình, phương pháp, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật, phương tiện giám định và đặc biệt là thời gian giám định đối với từng loại việc giám định ở các lĩnh vực giám định để khắc phục tình trạng lúng túng, thiếu thống nhất trong quá trình áp dụng quy chuẩn chuyên môn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành có cơ chế cụ thể tạo điều kiện, phương tiện, chính sách chế độ bảo đảm cho cán bộ thực hiện công tác giám định tư pháp như nhiệm vụ chính trị của cơ quan, có chế độ khen thưởng, chính sách ưu đãi khuyến khích cá nhân, tổ chức một cách phù hợp. Bộ Công an xem lại Thông tư số 03/2013/TT-BCA, nếu có nội dung gì chưa phù hợp thực tiễn phải sửa đổi, bổ sung kịp thời để phục vụ tốt nhất cho công tác giám định tư pháp phục vụ quá trình tố tụng. Đồng thời rà soát, thống kê và có phương án cấp bổ sung kinh phí để bảo đảm thanh quyết toán, chi trả cho hết số nợ chi phí giám định, định giá tài sản và tiền bồi dưỡng giám định tư pháp kéo dài nhiều năm nay; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình tố tụng, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết, không để kéo dài vướng mắc trong khâu giám định ảnh hưởng đến quá trình xử lý án tham nhũng.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Chưa thống nhất về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Chưa thống nhất về tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ ba, ngày 29/5, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận dự thảo Luật Giám định tư pháp và dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN