'Nóng' tuần từ 24 - 30/7: Thi hành kỷ luật tổ chức đảng; tuyên án vụ 'chuyến bay giải cứu'

Các thông tin thời sự nóng trong tuần từ 24 - 30/7 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội: Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên; thi hành kỷ luật Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh; mỗi năm quỹ BHYT chi trả trên 100.000 tỷ đồng khám chữa bệnh; tuyên án vụ "chuyến bay giải cứu"; dịch tay chân miệng bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, hai đêm diễn Blackpink tại sân vận động Mỹ Đình...

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Trong tuần qua, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020, cảnh cáo đồng chí Mai Văn Ninh; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trịnh Văn Chiến. Ban Bí thư quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng, Lê Thị Thìn, Phạm Đăng Quyền, Trịnh Hữu Hùng, Hoàng Sỹ Bình, Hoàng Văn Hùng; khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Nguyễn Thanh Trì.

Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc trong việc cho chủ trương đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một số dự án sử dụng đất của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC; cho chủ trương phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư công thuộc Đề án Thành phố thông minh; trong quản lý, sử dụng đất và thực hiện Dự án Hạc Thành Tower; trong công tác cán bộ; trong lãnh đạo công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại lớn ngân sách Nhà nước, để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự, gây dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.

Thi hành kỷ luật Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh 

Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 897/QĐ-TTg thi hành kỷ luật đối với ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Quyết định nêu rõ: Thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng do đã có vi phạm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng; thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 1006-QĐ/UBKTTW ngày 19/6/2023 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ông Bùi Hồng Minh trên các cương vị công tác của mình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư. Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và ông Bùi Hồng Minh đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành Xi măng Việt Nam, đến mức phải xem xét kỷ luật.

7 tháng, Việt Nam thu hút hơn 16 tỷ USD vốn FDI

Tuần qua, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 8,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất thảm cỏ nhân tạo (Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, Tây Ninh). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 7 tháng năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,76 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD, chiếm hơn 12,3% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 96,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương…

Mỗi năm quỹ BHYT chi trả trên 100.000 tỷ đồng khám chữa bệnh

Cũng trong tuần qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam công bố, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm quỹ BHYT chi trả trên 100.000 tỷ đồng cho việc KCB BHYT. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có gần 83 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú với số tiền giám định, thanh toán trên 57.000 tỷ đồng. Chính sách BHYT đã giúp giảm chi trực tiếp từ “tiền túi” của người dân cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT lên đến hàng tỷ đồng.

Với sự kết nối liên thông dữ liệu KCB của gần 13.000 cơ sở KCB và ứng dụng hệ thống giám định điện tử, việc quản lý, giám sát chi phí KCB BHYT đã đạt được nhiều kết quả, các cơ sở KCB ngày một tuân thủ tốt hơn các quy định của Bộ Y tế. Nếu năm 2017, số chi phí giảm trừ là 2.584 tỷ đồng, năm 2021 giảm trừ hơn 1.414 tỷ đồng, đến năm 2022 còn 955 tỷ đồng.

Vụ 'Chuyến bay giải cứu': Hành vi phạm tội của các bị cáo gây bức xúc trong dư luận xã hội

Đáng chú ý trong tuần qua, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án phạt 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, trong đó, có 4 bị cáo bị Tòa tuyên phạt tù chung thân gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) về tội “Nhận hối lộ”; Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên toà. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có 54 bị cáo bị truy tố, xét xử về 5 tội danh, trong đó nhiều bị cáo bị truy tố, xét xử về tội đặc biệt nghiêm trọng, hành vi rất nguy hiểm cho xã hội. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội có một số bị cáo chưa thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải. Hành vi phạm tội của các bị cáo gây bức xúc trong xã hội, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan Nhà nước.

Hai đêm diễn BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình

Tối 29 - 30/7, đêm diễn Concert của BlackPink diễn ra tại Sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, với dự kiến khoảng 67.000 khán giả đến với 2 đêm nhạc tour diễn Born Pink. Khi đến Born Pink tour, du khách có thể kết hợp trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch ấn tượng của Thủ đô.

Blackpink đã trở thành ban nhạc nghệ sĩ quốc tế duy nhất diễn concert tại đây, sau BackStreet Boys và Westlife khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Điều này góp công không nhỏ vào việc mở đường cho Việt Nam thu hút các nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn, đáp ứng yêu cầu của người hâm mộ Việt Nam. World tour Born Pink đã bắt đầu tại Hàn Quốc, sau đó đã có các buổi biểu diễn đáng chú ý tại Bắc Mỹ, với hàng loạt concert "cháy vé" tại các thành phố như Dallas, Houston, Atlanta, Chicago, Newark, Los Angeles và Hamilton. World tour của Blackpink vẫn tiếp tục là điểm đến được chú ý tại châu Âu và châu Á.

Thêm cơ hội đăng ký xét tuyển đại học cho thí sinh

Tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định mở lại hệ thống đăng ký từ 9 giờ ngày 26/7 đến 17 giờ ngày 28/7 để tạo điều kiện cho thí sinh mở tài khoản đăng ký xét tuyển. Bộ GD&ĐT đề nghị: Các Sở GD&ĐT chỉ đạo các Điểm tiếp nhận rà soát, tạo tài khoản cho thí sinh (tuyệt đối không để sót phiếu đăng ký); các cơ sở giáo dục đại học có thí sinh xét tuyển sớm rà soát thông báo cho thí sinh biết để tạo tài khoản và đăng ký nguyện vọng xét tuyển; các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học thông báo rộng rãi thông tin này để thí sinh biết và thực hiện trong thời gian quy định;

TP Hồ Chí Minh tăng nhanh dịch tay chân miệng, vượt mốc 2.300 ca một tuần

Trong lĩnh vực y tế, tuần qua, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã thông tin về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trong tuần qua. Đáng chú ý, số ca mắc tay chân miệng tại địa phương tiếp tục tăng nhanh. Nếu như trung bình 4 tuần trước, số ca mắc bệnh tay chân miệng chỉ 1.455 ca, thì trong tuần 29 (từ ngày 17 - 23/7), số ca bệnh tay chân miệng tại Thành phố tiếp tục tăng nhanh, với 2.356 ca bệnh. Như vậy, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Tất cả các quận, huyện đều có ca mắc tăng, trong đó các quận, huyện có số ca trên 100.000 dân cao, gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Ngành y tế dự báo, số ca mắc và số ca nặng do dịch bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới. Tỷ lệ nhập viện và ca nặng từ các tỉnh chuyển đến thành phố chiếm khoảng 80%. Đến hiện tại, có 6 trẻ tử vong tại các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh đều có hộ khẩu từ các tỉnh, thành khác. Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ số thuốc dự trữ của thành phố dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, trong khi thành phố luôn phải tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến như hiện nay.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Nóng trong tuần: Nga rời thỏa thuận Biển Đen; Mưa lớn gây thiệt hại ở châu Á
Nóng trong tuần: Nga rời thỏa thuận Biển Đen; Mưa lớn gây thiệt hại ở châu Á

Các sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua gồm: Nga không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine; Thái Lan chưa có chính phủ mới; Mưa lớn gây thiệt hại nặng ở châu Á và Triều Tiên liên tục phóng tên lửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN