'Nóng' tuần qua: Xét xử vụ án Đồng Tâm; khôi phục hoạt động vận tải tại Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 17/9

Tuần qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới các vấn đề như: Xét xử vụ án "giết người", "chống người thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức; khôi phục hoạt động vận tải hành khách đi/đến Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 7/9; gần 23 triệu học sinh trên cả nước tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020-2021; thay trụ trì chùa Kỳ Quang 2 sau vụ việc tro cốt gửi tại chùa bị đảo lộn...

Xét xử vụ án tại Đồng Tâm: Nghiêm trị mọi hành vi vi phạm pháp luật

Ngày 7/9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.

Chú thích ảnh
Số vũ khí, hung khí nguy hiểm của các đối tượng bị cơ quan công an thu giữ. Ảnh tư liệu: TTXVN phát.

29 bị cáo trong vụ án này đã bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố về tội “Giết người” (theo quy định tại Điều 123, khoản 1, điểm a, d, n, o – Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội “Chống người thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 330, khoản 2, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 2015).

Tổng số 33 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo trong vụ án này. Trong đó có 15 luật sư do bị cáo, gia đình bị cáo mời; 18 luật sư còn lại do Tòa án chỉ định bào chữa đối với những bị cáo bị Viện Kiểm sát truy tố về tội “Giết người” (có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình), thuộc diện phải có người bào chữa nhưng bị cáo không mời luật sư. Việc chỉ định luật sư thực hiện theo quy định tại Điều 76 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (về chỉ định người bào chữa), nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật tố tụng hình sự nước ta.

Theo cáo trạng, vụ án xảy ra ngày 9/1/2020 tại Đồng Tâm đã được các bị cáo chuẩn bị kế hoạch tấn công và hung khí từ trước. Khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, Lê Đình Kình (sinh năm 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng với Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến, Đào Thị Kim, Lê Đình Quang, Bùi Văn Tiến, Lê Đình Uy, Trần Thị La, Lê Thị Loan, Mai Thị Phần, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Thị Bét… góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng để làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo… nhằm tấn công lực lượng chức năng. Kình còn cùng Công, Hiển, Tuyển tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải các video clip trên mạng xã hội, mạng internet, tuyên bố rằng, nếu lực lượng công an đến Đồng Tâm thì sẽ bị “tiêu diệt” từ 300-500 người...

Hành vi này của các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội xác định là phạm tội có tổ chức, có bàn bạc, phân công công việc cụ thể, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng để thực hiện mục tiêu sát hại lực lượng công an. Thậm chí, các đối tượng còn ngang nhiên tuyên bố sẽ “tiêu diệt” nếu lực lượng công an đến Đồng Tâm, bất chấp hành vi đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và gây mất trật tự an ninh trong khu vực.

Trong 3 năm (từ năm 2017 đến đầu năm 2020), Kình đã chỉ đạo “Tổ đồng thuận” và nhiều đối tượng khác liên tiếp gây ra nhiều vụ việc như: Vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 1/3/2017 và ngày 7/3/2017 tại thôn Hoành; vụ bắt giữ người trái pháp luật, cố ý làm hư hỏng tài sản ngày 15/4/2017 tại thôn Hoành, vụ gây rối ngày 28/6/2018 tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân xã Đồng Tâm khóa XIX nhiệm kỳ 2016 – 2021 làm cuộc họp phải dừng lại; vụ gây rối ngày 15/4/2018 tại Nhà văn hóa thôn Hoành khi UBND xã Đồng Tâm tổ chức Chương trình khám bệnh, phát thuốc cho hộ nghèo, hộ khó khăn, người cao tuổi và người khuyết tật; vụ gây rối ngày 3/12/2018 tại hội trường UBND xã Đồng Tâm khi đang diễn ra Hội nghị đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Mỹ Đức tiếp xúc cử tri; vụ lăng mạ, chửi bới, đe dọa ông Trịnh Văn Hòa (sinh năm 1962; trú tại Xóm 4, thôn Hoành, xã Đồng Tâm) xảy ra ngày 1/4/2018; vụ gây rối ngày 26/11/2019 tại phòng tiếp dân của Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm. Tất cả những vụ việc này đều nhằm mục đích gây rối, lôi kéo người dân cùng tham gia khiếu kiện, gây mất trật tự an ninh tại địa phương.

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn của Bộ Công an, vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020 là vụ án nghiêm trọng, dư luận trong và ngoài nước quan tâm, nhiều đối tượng vi phạm pháp luật với hành vi manh động, dã man, gây bức xúc dư luận. Vụ án nêu trên do một nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa đảng viên lôi kéo, lừa mị người dân tham gia các hoạt động sai phạm. Nguyên nhân trực tiếp là hoạt động chống đối của một số đối tượng trong cái gọi là “Tổ đồng thuận” do Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực, kể cả số nghiện hút ma túy, số có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Khôi phục hoạt động vận tải hành khách đi/đến Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 7/9

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt người dân, phòng dịch COVID-19 khi tham gia giao thông. Ảnh: TTXVN.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi/đến TP Đà Nẵng của người dân phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, nhưng vẫn đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Giao thông và Xây dựng Lào Cai, thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục 100% tần suất hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách (ô tô, tàu hỏa, máy bay, phương tiện thủy…) đi/đến TP Đà Nẵng để hoạt động vận tải trở lại bình thường và phải đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch từ 0 giờ ngày 7/9.

Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam trong phạm vi quản lý phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đặc biệt là phối hợp với Sở GTVT TP Đà Nẵng), Sở Giao thông và Xây dựng tỉnh Lào Cai nắm bắt tình hình vận tải hành khách tại địa phương và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện vận tải hành khách trong tình hình mới theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp nghi nhiễm ở Đà Nẵng đã âm tính

Trong tuần qua, Việt Nam liên tiếp có các ngày không có ca mắc mới COVID-19.  Ca nghi ngờ ở Đà Nẵng đã có kết quả khẳng định âm tính. Tính đến 18 giờ ngày 6/9, Việt Nam vẫn giữ nguyên tổng số 1.049 ca mắc COVID-19; trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 40.620 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 830 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.006 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 24.784 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 6/9 có thêm 10 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm 6 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Trong số các ca đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 27 ca, lần 2 là 24 ca, lần 3 là 35 ca. Đến hiện tại Việt Nam đã ghi nhận 35 ca tử vong do COVID-19; số ca điều trị khỏi là 815 ca.

Về ca nghi nhiễm tại Đà Nẵng đã có kết quả khẳng định. Cụ thể người này là nam, 64 tuổi, có địa chỉ tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, có tiền sử điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng (từ ngày 29/6-5/7) và khoa Lão, Bệnh viện Đà Nẵng (từ 6/7-12/7), có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (ngày 5/9). Ngày 6/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm lại 2 lần, kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2. Ngành Y tế Đà Nẵng đang làm thêm một số xét nghiệm để khẳng định thêm.

Gần 23 triệu học sinh trên cả nước tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020-2021

Chú thích ảnh
Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh là trường có số lượng học sinh đông nhất tỉnh Nghệ An, nhưng luôn dẫn đầu về chất lượng giáo dục. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN.

Sáng 5/9, gần 23 triệu học sinh trên cả nước tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020-2021. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ khai giảng năm nay có nhiều điểm “đặc biệt” so với những năm học trước. Theo đó, các địa phương có nhiều hình thức khác nhau để tổ chức khai giảng phù hợp, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến.

Đa số các trường trên cả nước không tập trung toàn bộ học sinh dự lễ khai giảng tại sân trường như mọi năm mà thực hiện giãn cách. Các trường đảm bảo ưu tiên cho 100% học sinh đầu cấp dự lễ khai giảng tại sân trường, các khối còn lại chỉ cử đại diện và tổ chức cho học sinh dự khai giảng tại lớp học.

Theo dự báo quy mô học sinh năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục Mầm non có hơn 5,38 triệu học sinh (trong đó, nhà trẻ có gần 777.000 và mẫu giáo có hơn 4,6 triệu học sinh); giáo dục Phổ thông có hơn 17,5 triệu học sinh (trong đó, Tiểu học hơn 8,7 triệu; Trung học cơ sở hơn 6 triệu và Trung học phổ thông hơn 2,8 triệu).

Năm học mới, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, toàn ngành tiến hành rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.

Thay trụ trì chùa Kỳ Quang 2 sau vụ việc tro cốt gửi tại chùa bị đảo lộn

Sau phiên họp bất thường diễn ra sáng 5/9 tại Việt Nam Quốc tự, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Chí Minh đã ra quyết định tạm ngưng chức chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp) đối với Hòa thượng Thích Thiện Chiếu do để xảy ra sự việc làm đảo lộn, rơi rớt hình ảnh, danh tính trên các hũ tro cốt thân nhân người dân gửi vào thờ tại chùa.

Chú thích ảnh
Người dân có thân nhân gửi tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2 vẫn ngồi chờ làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Theo Đại đức Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh, tại phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh thống nhất cho rằng sự việc làm đảo lộn, rơi rớt ảnh, danh tính trên các hũ tro cốt nhân thân người dân gửi thờ tại chùa Kỳ Quang 2 là nghiêm trọng, lỗi do sự thiếu quán xuyến của trụ trì, khiến dư luận bức xúc, nhiều người đau lòng.

Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh quyết định ngưng chức vụ trụ trì chùa Kỳ Quang 2 của Hòa thượng Thích Thiện Chiếu; cử Thượng tọa Thích Quang Thạnh điều hành mọi hoạt động tu học, tín ngưỡng và xã hội của cùa Kỳ Quang 2 kể từ ngày 5/9/2020. Đồng thời yêu cầu Thượng tọa Thích Quang Thạnh có trách nhiệm phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Gò Vấp và cơ quan chức năng nghiên cứu, thực hiện giải pháp nhằm sắp xếp, ổn định các hũ tro cốt hiện hữu tại chùa Kỳ Quang 2; sớm khắc phục sự việc trong tinh thần phù hợp với truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam, đem lại sự an long cho người dân đã gửi tro cốt thân nhân tại chùa.

Tại phiên họp, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã chỉ đạo các ban chuyên môn triển khai việc kiểm tra tất cả các cơ sở tự viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có người dân gửi tro cốt thân nhân thờ phụng. Trước đó, ngày 4/9, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản yêu cầu các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá việc gửi và thờ phụng tro cốt tại các cơ sở tự viện Phật giáo tại địa phương, nhằm tao cơ sở để Giáo hội đưa ra định hướng trong công tác quản lý Phật sự đặc thù này.

Đã có hơn 7.000 sản phẩm pate Minh Chay bán ra từ đầu tháng 7 đến 22/8

Theo báo cáo của Công ty sản xuất, đã có hơn 7.000 sản phẩm Pate Minh Chay đã được xuất bán ra thị trường từ ngày 1/7 đến ngày 22/8. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về việc kiểm tra thông tin cảnh báo khẩn cấp sản phẩm Pate Minh Chay chứa chất gây Botulinum gây ngộ độc, khiến nhiều người nhập viện.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm do công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới sản xuất. Ảnh: TTXVN.

Kết quả điều tra cho thấy, sản phẩm pate Minh Chay do Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới có địa chỉ ở số 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội; các sản phẩm do Công ty sản xuất gồm: Chế biến thực phẩm chay (bò, cá, giò, chả, mọc, xúc xích, pate, bánh, ruốc nấm); rang và đóng gói muối vừng các loại hạt. Các sản phẩm của Công ty này được kinh doanh tại Nhà hàng Minh Chay, địa chỉ ở số 30 Mã Mây, Hoàn Kiếm, Hà Nội; bán online trên website minhchay.com; các trang bán hàng điện tử.

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới đã tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của đoàn kiểm tra Cục An toàn thực phẩm từ ngày 29/8. Công ty đã tổng hợp và cung cấp cho Đoàn công tác danh sách chi tiết khách hàng mua hàng sản phẩm Pate Minh chay; theo danh sách cung cấp, có hơn 7.000 sản phẩm Pate Minh Chay đã được xuất bán ra thị trường từ ngày 1/7 đến ngày 22/8.

Sau khi có thông tin về các ca ngộ độc thực phẩm, Công ty cũng đã thực hiện cảnh báo trực tiếp, trên website và chủ động liên hệ (gọi điện, nhắn tin, liên hệ qua mạng xã hội) đến khách hàng đã mua sản phẩm Pate Minh chay.

Cũng tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới đã không còn tồn các thành phẩm, không còn vỏ bao bì chứa đựng thực phẩm. Theo báo cáo của Công ty này và căn cứ bản tự công bố, Công ty có sử dụng các nguyên liệu như: Chân nấm hương hữu cơ, chân nấm hương, mộc nhĩ nấm hương khô, nấm hương khô oganic, nấm đùi gà to... Tuy nhiên Công ty chưa xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất; chưa cung cấp được số lượng nguyên liệu nhập kho; số lượng toàn bộ sản phẩm đã sản xuất; số lượng toàn bộ sản phẩm đã cung cấp ra thị trường; các hồ sơ theo dõi sản xuất trong thời gian từ 1/7 đến ngày 28/8 để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Nóng tuần qua: Xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế; 6 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Nóng tuần qua: Xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế; 6 bệnh nhân COVID-19 tử vong

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp không khai báo y tế, không cách ly nghiêm túc; đã có 6 bệnh nhân COVID-19 tử vong; bão số 2 suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới gây cảnh báo mưa lũ trên diện rộng; TP Hồ Chí Minh có trên 35.000 chương trình du lịch bị hủy vì dịch bệnh COVID-19... là những tin "nóng" tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN