Tập trung khởi động nền kinh tế
Với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, sáng 9/5, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã khai mạc. Hội nghị tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quý I vừa qua, Việt Nam tăng trưởng 3,82 %, mức thấp nhất trong hơn 10 năm gần đây. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới; Việt Nam là nước tăng trưởng cao nhất trong các nước ASEAN trong quý I/2020.
Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về yêu cầu phòng, chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là phát triển đời sống nhân dân được bảo đảm, Thủ tướng khẳng định, khi giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường nền kinh tế sẽ như “chiếc lò xo bị nén lại” và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động nền kinh tế Việt Nam phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn vậy, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung vào “5 mũi giáp công”: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, kể cả hệ thống ngân hàng cùng nhau sẻ chia, cùng nhau hợp tác và quyết tâm cao để đóng góp cho sự phát triển đất nước, phát triển bản thân doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý cán bộ để “chống lại sự vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp”; phải sử dụng công nghệ thông tin tốt hơn trong quản lý, điều hành.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng mong muốn và đặt ra 6 yêu cầu đối với các doanh nghiệp. Đó là: Yêu Tổ quốc, thượng tôn pháp luật, chia sẻ, khó khăn với Chính phủ; đoàn kết và hợp tác với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp; không nản chí nếu không sẽ tự mình bỏ cuộc; năng động quyết đoán vì nếu không sẽ thụ động và tự mình đánh mất cơ hội; sáng tạo để có sự chủ động trong sản xuất kinh doanh; cần có niềm tin vì nếu không sẽ tự mình chối bỏ mình.
Không có ca nhiễm mới COVID-19, lớp học được bật điều hoà, không bắt buộc khẩu trang
Tính đến 18 giờ ngày 9/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua. Như vậy đã 23 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 14.403 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 175; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.145; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 8.083
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 13 ca.
Trong tuần qua, thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm là các quy định về giãn cách trong trường học. Trước sự bất tiện của học sinh khi ngồi trong lớp không được bật điều hoà, đeo khẩu trang (thậm chí có nơi yêu cầu học sinh đội mũ chống bắn giọt), sáng 7/5, khi chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh cả nước đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu trạng thái bình thường mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số biện pháp nới lỏng mới, trong đó có việc "không còn tình trạng giãn cách trong trường học".
Thủ tướng đồng ý với đề xuất của ngành giáo dục và đào tạo là "không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học mà cần tiếp tục giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay..., đảm bảo vệ sinh các cửa sổ, cửa sổ chính thông thoáng. Nhà trường tăng cường các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt lớp học, nhà vệ sinh. Không bắt buộc thực hiện giãn cách lớp học; vẫn hạn chế tiếp xúc giữa các lớp học với nhau...
Thủ tướng cho phép mở lại các dịch vụ, kinh doanh dịch vụ mà trước đây chưa được hoạt động, trừ vũ trường, karaoke, các lĩnh vực này sẽ được xem xét sau. Các dịch vụ kinh doanh thiết yếu được mở cửa trở lại, kể cả các cửa hàng ăn uống với điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Thủ tướng cũng đồng ý kiến nghị bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng, máy bay, xe khách, tàu hỏa, tàu thuỷ... nhưng yêu cầu hành khách đeo khẩu trang; cho phép hoạt động trở lại các sự kiện thể dục - thể thao, sự kiện tập trung đông người; các giải bóng đá... nhưng khuyến cáo phải đeo khẩu trang, sát trùng tay.
Xem xét phương án ghép phổi đối với bệnh nhân là phi công người Anh
GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn điều trị COVID-19 chia sẻ:
Trong 3 ca nặng được các thành viên Hội đồng chuyên môn theo dõi sát sao hàng ngày có trường hợp bệnh nhân 19 (là bác gái bệnh nhân 17) đã cai ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo), cai được máy thở, đã nói và ăn uống được. Bệnh nhân 161 đã hồi phục, khỏi bệnh COVID-19, chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân 91 là phi công người Anh hiện là bệnh nhân nặng nhất, 2 phổi đông đặc, Hội đồng chuyên môn đang xem xét phương án ghép phổi.
GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định, đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có ca nào tử vong do COVID-19. Về trường hợp tử vong của bệnh nhân 251, Hội đồng chuyên môn khẳng định, bệnh nhân tử vong do xơ gan giai đoạn cuối, viêm gan virus, bệnh gút mạn tính.
Đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương
Trong các ngày 7, 8/5/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện chuyến bay chở hơn 340 công dân Việt Nam từ sân bay San Francisco về nước an toàn. Hành khách trên chuyến bay đến từ nhiều bang ở Hoa Kỳ, bao gồm nhiều trẻ em dưới 18 tuổi (trong đó có trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi), du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa, người cao tuổi, người có bệnh nền và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Hãng Hàng không đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Trước đó, trong hai ngày 5 và 6/5/2020, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, các cơ quan liên quan của Pháp tổ chức chuyến bay đưa khoảng 240 công dân Việt Nam về nước, chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi (một số em dưới 14 tuổi), người cao tuổi, người có bệnh nền, du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa.
Ngay sau khi hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Vân Đồn, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra y tế và đưa những người tham gia chuyến bay về cơ sở cách ly tập trung theo quy định.
Trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai các chuyến bay thương mại đưa công dân Việt Nam về nước phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và khả năng tiếp nhận, cách ly của các địa phương.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Hãng Hàng không trong nước đã thực hiện các chuyến bay đưa công dân ta từ nước ngoài về. Thời gian tới, các chuyến bay đưa công dân về nước sẽ tiếp tục được thực hiện trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương.
Xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Không chấp nhận kháng nghị
Tuần qua, một trong những sự kiện đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận là phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản liên quan đến án mạng hai nữ nhân viên tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Trưa 8/5, sau 3 ngày thảo luận, đánh giá toàn diện vụ án và làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau của vụ án, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã biểu quyết từng nội dung cụ thể trong phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải:
1. Vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không thay đổi bản chất vụ án”.
2. Bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Đúng người, đúng tội, đúng mức án”.
3. Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có đúng pháp luật hay không? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không đúng pháp luật”.
4. Chấp nhận kháng nghị, hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không chấp nhận kháng nghị? Kết quả 17/17 thành viên biểu quyết “Không chấp nhận kháng nghị”.
Trước đó, chiều 7/5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh, kháng nghị không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan. Tuy nhiên, kháng nghị nêu lên những sai lầm nghiêm trọng về mặt điều tra, tố tụng, từ đó đề nghị hủy bản án để điều tra lại.
Chiều 8/5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã đưa ra phán quyết tại Phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án. Hội đồng Thẩm phán đã tuyên bác kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm và điều tra lại.
Mặc dù quá trình điều tra, truy tố, xét xử có những thiếu sót, nhưng theo Hội đồng Thẩm phán, những thiếu sót này không làm thay đổi bản chất của vụ án; do đó không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Hội đồng Thẩm phán cho rằng, không có cơ sở xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Bản án hình sự phúc thẩm vụ án này đã có hiệu lực pháp luật từ ngày 8/4/2009. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quyết định, không chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 8/5, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 45.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là phiên họp cuối để cho ý kiến về những nội dung chuẩn bị trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội lần 2 và ba dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA); một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho Thủ đô Hà Nội; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 và tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; chuyển hình thức đầu tư đối với một số dự án thành phần của đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020; nội dung việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Ngoài các nội dung trên, phiên họp có thể xem xét công tác nhân sự do các cơ quan chuẩn bị. Phiên họp thứ 45 dự kiến trong ba ngày (8/5 và 15-16/5).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thời gian làm việc của phiên họp này là ba ngày nhưng khối lượng công việc khá nhiều. Đây là phiên họp cuối cùng trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 9 nên tất cả những nội dung không chuẩn bị kịp để Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì coi như không được trình ra Quốc hội.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tuy không liền nhau trong ba ngày họp nhưng các đại biểu cần bám sát chương trình, nội dung đã được chuẩn bị và các cơ quan hữu quan, nhất là các cơ quan thẩm tra cần tập trung trong hai ngày cuối tuần để tiến hành hoàn tất những công việc. Đồng thời các cơ quan liên quan tiếp tục đáp ứng những yêu cầu về gửi tài liệu đảm bảo chất lượng và sớm nhất đến phiên họp.