Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và dịp nghỉ lễ
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm tiêu cực trong quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã ký ban hành Công điện số 281/CĐ-TTg ngày 20/4 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2023, yêu cầu Bộ Công an tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phân luồng hướng dẫn lưu thông an toàn trên các tuyến đường, các khu vực được dự báo sẽ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao.
Ngân hàng giảm mục tiêu lợi nhuận trong năm 2023
Tuần qua đã có 15 ngân hàng thương mại công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023, trong đó 10 ngân hàng đưa ra kế hoạch thận trọng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) năm 2023 thấp hơn năm 2022. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 của các ngân hàng này từ 10 - 17%, dù năm trước có thể đạt mức 30 - 40%. Chính phủ đang nỗ lực đưa ra các phương án điều hành đạt được mục tiêu tăng trưởng về kinh tế mà Nghị định 08, Nghị quyết 33 và Nghị định 10 đã ban hành chưa đầy một tháng. Về chính sách tiền tệ, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 2 lần trong 2 tuần nhằm đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn.
Số liệu từ NHNN cho thấy, tín dụng tính đến cuối quý 1/2023 tăng 2,06% so với đầu năm. Theo NHNN, tín dụng trong quý I không cao như kỳ vọng do doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, kéo theo đó là nhu cầu tín dụng chững lại. Trong quý 2/2023, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng và tiếp tục hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, ưu tiên tăng trưởng kinh tế.
Báo động thuốc lá điện tử gây nghiện trong học đường
Lợi dụng sự tò mò của lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, tại nhiều trường học trong cả nước, các đối tượng đã phun, tẩm chất ma túy vào sợi lá cây, thảo mộc sấy khô, tinh dầu thuốc lá điện tử… nguy hiểm cho người sử dụng, gây ảo giác, kích thích, tạo sự lệ thuộc. Một số đối tượng còn lợi dụng thuốc lá điện tử, “cỏ mỹ” để lôi kéo học sinh, sinh viên vào các hoạt động phạm tội như “ship” ma túy, trộm cắp, đòi nợ thuê…
Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không sử dụng các loại ma túy, “cỏ mỹ”, thuốc lá điện tử. Người dân, phụ huynh, học sinh cần chủ động, tích cực phối hợp tố giác và cung cấp thông tin, tài liệu về những đối tượng phạm tội về ma túy hoặc các biểu hiện hoạt động liên quan đến tội phạm về ma túy cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được xử lý kịp thời.
Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vẫn chưa chính thức được phép nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam. Các sản phẩm này vẫn đang được nhập lậu, xách tay và bày bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đến các cửa hàng. Theo quy định hiện nay, những loại được gọi là thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), Shisha chưa được xếp vào mặt hàng thuốc lá để quản lý.
Xét xử hàng loạt cựu lãnh đạo "nhúng chàm"
Cũng trong tuần qua, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã xét xử hàng loạt cựu lãnh đạo vi phạm pháp luật.
Cụ thể, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định ngày 10/5 mở phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và 11 đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại tỉnh Bình Thuận. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 5 ngày. Các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên án phạt 12 bị cáo trong vụ án thông thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự. Tòa đã tuyên phạt 5 bị cáo nguyên cán bộ, lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Nguyễn Quang Tuấn (sinh năm 1967, nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện) 3 năm tù, Nguyễn Thị Dung Hạnh (sinh năm 1969, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính kế toán) 2 năm tù; Hoàng Thị Ngọc Hưởng (sinh năm 1961, nguyên Phó Giám đốc), Đoàn Trọng Bình (sinh năm 1960) và Nghiêm Tuấn Linh (sinh năm 1980, đều nguyên là Phó trưởng Phòng Vật tư y tế) cùng bị phạt 2 năm 6 tháng tù.
Riêng vụ chuyến bay giải cứu, tuần qua, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ án "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Cáo trạng xác định, 21 người của 4 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải) và hai cựu Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Nam đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 170 tỷ đồng.
Tự chủ đại học tại Việt Nam bị hiểu nhầm là ‘tự do’ và ‘tự lo’
Sự việc cũng thu hút dư luận tuần qua là quan điểm về tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn có những nhầm lẫn đáng tiếc theo nghĩa tự chủ là "tự do" và "tự lo", dẫn tới cách hiểu, cách tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn không thống nhất. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số các trường tự chủ có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Tuy nhiên, theo cơ cấu thu chi cho thấy, do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ sở giáo dục chủ yếu dành để chi trả cho con người, trong khi chi tăng cường điều kiện dạy và học chiếm tỷ trọng thấp, như vậy khó có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học để từ đó các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trọn vẹn, tránh tình trạng tự chủ “nửa vời” hoặc trao quyền tự chủ nhưng vẫn bị “trói buộc” bởi cơ chế. Ngoài ra, để thực hiện tự chủ thành công, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía, nhưng cốt lõi vẫn là hai phía Nhà nước và các cơ sở giáo dục.
Hà Nội ra công văn hoả tốc phòng dịch COVID-19
Trước diễn biến dịch COVID-19 gia tăng bất thường, tuần qua, UBND TP Hà Nội đã ra công văn hoả tốc số 1149/UBND-KGVX tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Hà Nội hiện đã phân bổ trên 16.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho các điểm tiêm tập trung tại 30 quận, huyện trên địa bàn Thành phố để đảm bảo tiêm chủng cho người dân
Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh khiến nhiều người dân sốt sắng đi tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19.
Đoàn thể thao Việt Nam xuất quân tham dự SEA Games 32
Tuần qua, Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất quân tham dự SEA Games 32 tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Đoàn do ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao làm Trưởng đoàn, cùng với 2 Phó trưởng đoàn là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I - ông Hoàng Quốc Vinh và Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II - ông Ngô Ích Quân.
Tại SEA Games lần này, đoàn thể thao Việt Nam đã tạo nên kỷ lục về số lượng thành viên tham dự, với 1.004 thành viên, trong đó có hơn 700 VĐV. Đây là số thành viên đông nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam tại một kỳ SEA Games tổ chức ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Với lực lượng hùng hậu, đoàn thể thao Việt Nam đến Campuchia lần này sẽ tranh tài ở 31 môn thi, mục tiêu giành từ 90 - 120 HCV và đứng trong Top 3 đại hội.
SEA Games 32 sẽ diễn ra từ ngày 5 - 17/5 tại Campuchia.