Nông dân Cà Mau chần chừ nuôi tôm công nghiệp

Theo quy hoạch, đến năm 2015 tỉnh Cà Mau phải có 10.000 ha đất nuôi tôm công nghiệp, vì chỉ có nuôi tôm bằng hình thức này mới đẩy nhanh sản lượng, phục vụ tôm nguyên liệu cho nhu cầu chế biến hàng xuất khẩu. Thế nhưng, hiện nay diện tích nuôi tôm công nghiệp ở tỉnh Cà Mau chỉ đạt 2.200 ha, đáng chú ý là diện tích này đã có từ 2 năm nay, và hiện không tăng thêm được bao nhiêu.

Thu hoạch tôm ở Cà Mau.

Rõ ràng bà con nông dân tỉnh Cà Mau rất chần chừ với chủ trương khuyến khích nuôi tôm công nghiệp. Nhiều nông dân cho biết, nuôi tôm công nghiệp cái lợi của nó là nếu trúng mùa, chỉ cần hai ba vụ là sẽ làm giàu ngay. Ngược lại, chỉ thất bát một vụ thì sẽ trở thành con nợ. Mặt khác, nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi nhiều yếu tố mà điều kiện của nông dân hiện nay không đáp ứng được. Một là vốn lớn; hai là quy trình kỹ thuật nuôi khắt khe; ba là tỷ lệ thất bát cao; cuối cùng là hệ thống thủy lợi phải đồng bộ…

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Cà Mau hiện nay là 250.000 ha, cao nhất nước. Nhưng sản lượng đạt được mỗi năm chỉ xấp xỉ 200.000 tấn, rất thấp so với nhiều địa phương khác. Nếu không tạo được bước đột phá bằng cách triển khai nuôi công nghiệp thì năng suất, sản lượng sẽ không tăng thêm được nữa, điều này đồng nghĩa với việc sẽ thiếu hàng xuất khẩu, đồng thời ảnh hưởng đến chiếc lược phát triển kinh tế thủy sản, mục tiêu đến năm 2013 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 1 tỷ USD.

Chủ trương đẩy mạnh nuôi tôm công nghiệp là chủ trương lớn, hợp lý. Nhưng quyền quyết định có nuôi hay không lại là nông dân. Từ diện tích nuôi công nghiệp khiêm tốn như vậy đã cho thấy hiện nay, bà con nông dân còn chần chừ chưa quyết tâm chuyển đổi mô hình nuôi tôm theo hướng mới./.


Trần Thành Nên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN