*24 triệu học sinh, sinh viên tới trường trong ngày 5/9
Sự kiện thường niên trong tuần đầu tháng 9 là Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Sáng 5/9, hơn 24 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước khai giảng năm học mới 2019-2020. Trong đó, bậc học mầm non có hơn 5,5 triệu học sinh (nhà trẻ có 932.000 và mẫu giáo có hơn 4,5 triệu học sinh); bậc phổ thông có hơn 17 triệu học sinh (Tiểu học hơn 8,6 triệu; THCS hơn 5,5 triệu; THPT gần 2,6 triệu); Đại học (chính quy) có hơn 1,5 triệu sinh viên.
Đây là năm học có nhiều đổi mới, và khởi đầu là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về lễ khai giảng tổ chức ngắn gọn, đảm bảo trang nghiêm và hướng đến học sinh.
Hưởng ứng phong trào "nói không với rác thải nhựa", hầu hết các trường học trên cả nước không sử dụng bóng bay trong lễ khai giảng.
Trước ngày khai giảng năm nay, một số trường học trên cả nước, trong đó có Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An…, bị thiệt hại nặng nề sau các đợt mưa lũ, ngập lụt. Hiện tại, việc khắc phục hậu quả thực sự còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã cố gắng, nỗ lực để học sinh có ngày khai giảng đúng lịch.
Năm học mới, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016-2020; khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục – đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Trong đó, giáo dục mầm non đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng.
Giáo dục phổ thông tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục.
Giáo dục đại học tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục đại học; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra.
Giáo dục thường xuyên nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hệ thống tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Bàng hoàng trước những hành vi côn đồ không còn tính người
Ngay ngày đầu tiên của tháng 9, khoảng 7h15, tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đối tượng Nguyễn Văn Đông đã cầm dao tới truy sát cả nhà em trai ruột do mâu thuẫn về đất đai. Vụ truy sát khiến 5 nạn nhân trong gia đình người em thương vong, trong đó 2 người tử vong tại chỗ. Điều gây bàng hoàng là kẻ sát nhân đã hành động một cách lạnh lùng, tàn bạo, không tha mạng cả cháu nhỏ vừa đầy năm, và cố tình chém đến chết những người đã ngã gục.
Ngay ngày hôm sau, trưa 2/9, tại thôn Đức Thắng, xã Thượng Ninh, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) xảy ra vụ án người con trai 29 tuổi chém chết mẹ tại nhà. Quách Văn Thạo (trú tại thôn Đức Thắng, xã Thượng Ninh) đã mang dao đến nhà mẹ đẻ là bà B.T.Ch. (62 tuổi, trú cùng thôn Đức Thắng) tìm người em trai út để giải quyết mâu thuẫn giữa hai người trước đó. Người em trai út đang nấu cơm dưới bếp, thấy Thạo xông vào định chém mình liền chạy đi báo công an xã. Bà B.T.Ch (bị liệt chân, phải ngồi xe lăn) kêu cứu, hô hoán hàng xóm đến can ngăn. Quách Văn Thạo đã vung dao chém chết mẹ. Nghi phạm đã bị công an bắt giữ để điều tra.
Gần đây nhất là khoảng 9h ngày 7/9, tại khu vực trước Kiot số 10, toà nhà HH3 Chung cư Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã xảy ra vụ nổ làm 3 người bị thương. Nhiều nhân chứng kể lại, ở thời điểm trên có một nhóm người đang ngồi uống trà đá trước sảnh Kiot số 10. Khi đó, một nam thanh niên ngồi mở hộp quà thì hộp quà bất ngờ phát nổ, nhiều mảnh cứng bên trong hộp bắn vào người. Tiếng nổ lớn kèm mùi khét bốc ra. Người bóc gói quà bị thương ở cánh tay, nam thanh niên ngồi đối diện bị vật nhọn cắm vào cổ. Vụ nổ cũng khiến nhiều người khác bị thương nhẹ. Tại hiện trường, nhiều mảnh bìa cứng có gắn dây điện vẫn còn sót lại.
Xác định ban đầu, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, không phát hiện dấu hiệu liên quan hoạt động khủng bố, phá hoại. Vụ việc đang được các đơn vị chức năng Công an Hà Nội điều tra, làm rõ.
Khám bệnh cho dân, làm sạch môi trường sau vụ cháy công ty Rạng Đông
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức vào ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty) báo cáo, nguồn thủy ngân có thể phát tán ra môi trường sau vụ cháy là hơn 15 kg, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học thì khối lượng khoảng trên 27 kg; không khí phía trước và trong khu nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO 10-30 lần. Thông tin này khiến nhiều người dân sống quanh khu vực xảy cháy lo ngại, tiến hành di tản tới nơi ở khác và đi xét nghiệm khả năng phơi nhiễm thuỷ ngân.
Đến nay, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và xác định mức độ ô nhiễm sau vụ cháy nhà xưởng Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã có văn bản gửi Công ty Rạng Đông yêu cầu xây dựng ngay bờ be xung quanh khu vực cháy, không được để nước bên trong khu vực bị cháy chảy ra ngoài môi trường.
Toàn bộ nước phát sinh từ khu vực bị cháy bao gồm cả nước mưa, do có lẫn thủy ngân nên phải được thu gom để chờ xử lý như nước thải nguy hại. Cùng với đó, khẩn trương thu dọn hiện trường; sau khi thu dọn xong sẽ được đơn vị xử lý môi trường phun lưu huỳnh để kết tủa thủy ngân và đóng rắn kết tủa.
Chi cục Bảo vệ môi trường yêu cầu Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông liên hệ ngay với Urenco10 (đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp) để thu gom, xử lý tro xỉ sau đám cháy và toàn bộ bùn lắng trong hệ thống hố gas như chất thải nguy hại, thời hạn hoàn thành trước ngày 15/9.
Cũng theo chỉ đạo của Chi cục Bảo vệ môi trường, Công ty phải tiến hành quan trắc môi trường thường xuyên; liên hệ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để quan trắc thường xuyên nồng độ thủy ngân bay hơi từ khu vực cháy để cảnh báo cho người dân khi phát hiện có nồng độ thủy ngân cao vượt ngưỡng cho phép; cảnh báo với người dân về việc không sử dụng nguồn nước mặt, thực vật, động vật sinh sống trong khu vực nguồn nước mặt xung quanh khu vực nhà máy.
Ngày 6/9, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã gửi thư xin lỗi về sự cố hỏa hoạn xảy ra tại khu nhà xưởng sản xuất đèn của công ty.
Liên quan đến vụ việc này, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn đề nghị Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn mời các chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm giúp Công an thành phố Hà Nội giám định để xác định mức độ ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tiếp tục quan trắc không khí, chất lượng đất, nước mặt để xác định ô nhiễm, công khai minh bạch tới nhân dân và cơ quan thông tin đại chúng. Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Thanh Xuân cần triển khai việc ứng trực khám, kiểm tra sức khỏe cho nhân dân. Người dân trong vòng bán kính 500 m được khám sức khỏe miễn phí.
Thượng tá Đậu Xuân Hoài, Phó Viện trưởng Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học) cho biết, 25 mẫu đất, bùn, tro xỉ, vữa tường... lấy từ đám cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã được cán bộ của Viện lấy mẫu về phân tích.
Khởi tố lái xe trong vụ học sinh trường Gateway bị tử vong
Cũng trong tuần qua, ngày 3/9, ông Doãn Quý Phiến, 53 tuổi, người lái chiếc xe chở học sinh của Trường Tiểu học Gateway thuộc Trường Phổ thông liên cấp Gateway đã bị Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khởi tố về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Phiến là nhân viên hợp đồng của Công ty TNHH vận tải Ngân Hà, đơn vị tham gia đưa đón học sinh cho Trường Tiểu học Gateway.
Cơ quan điều tra xác định trong vụ án bé Lê Hoàng Long, học sinh trường tiểu học Gateway bị bỏ quên trên xe đưa đón và tử vong ngày 6/8, có trách nhiệm của lái xe Doãn Quý Phiến khi không trực tiếp kiểm tra xe trước khi đóng cửa mà phó mặc cho người đưa đón là bà Nguyễn Bích Quy.
Trước đó, ngày 27/8, bà Nguyễn Bích Quy (sinh năm 1964, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị Cơ quan điều tra Công an quận Cầu Giấy tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 - Bộ luật Hình sự năm 2015, trong thời hạn 3 tháng.