Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Trong tuần, nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hướng tới kỷ niệm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Ngày 14/12, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”. Đồng chí Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng ngày, tại TP Vị Thanh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang.
Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại Học viện Quốc phòng...
Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy. Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ duy trì 8 bộ, cơ quan ngang bộ; cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ. Sau sắp xếp sẽ có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); có 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan). Cùng với đó, tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thông báo kết quả Phiên họp này tới các bộ, ngành, cơ quan để làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện đề án của bộ, ngành, cơ quan, dưới sự chỉ đạo của các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đi đôi với xây dựng chế độ chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bộ, công chức, viên chức, người lao động; đồng thời, phải đảm bảo các nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục được thúc đẩy, không gián đoạn, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ chỉ đạo phân loại doanh nghiệp và lên phương án sắp xếp, đảm bảo quản lý Nhà nước song song với phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan, đảm bảo phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho các doanh nghiệp.
Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm
Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy:
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng, Thủ tướng Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Trương Thị Mai, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Trương Hòa Bình, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của các đảng viên nêu trên, theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình; Khiển trách đồng chí Trương Thị Mai.
Đấu giá đất tại Mê Linh (Hà Nội) có giá trúng cao nhất gần 86 triệu đồng/m2
Trong tuần qua, UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 11 thửa đất tại xã Tráng Việt. Tham gia phiên đấu giá này có 160 khách hàng, đăng ký hơn 600 hồ sơ. Kết quả sau 8 vòng đấu giá, giá trúng cao nhất được xác định ở mức 85,515 triệu đồng/m2 đối với thửa đất thuộc thôn Đông Cao; giá trúng thấp nhất là 46,515 triệu đồng/m2 ở thôn Ao Đấu.
Quá trình đấu giá tại huyện Mê Linh được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.
Theo kế hoạch, từ nay đến 31/12/2024, hàng trăm thửa đất tại các huyện ven đô Hà Nội cũng được đưa ra đấu giá.
Liên quan đến việc đấu giá đất gần đây của Hà Nội với những diễn biến bất thường, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến kết quả đấu giá của các quận, huyện, thị xã không đạt kế hoạch đề ra là do thay đổi các nội dung trong Luật Đất đai 2024 so với trước đây.
Đáng chú ý, vấn đề giá khởi điểm thấp, tiền đặt cọc ít (khoảng 20% giá trị thửa đất theo giá khởi điểm) hay tình trạng "thổi" đất đấu giá lên mức tăng bất thường, nhưng sau đó bỏ cọc, không đóng tiền… đã ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, đồng bộ với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, các địa phương gặp vấn đề hạn chế là không xác định giá trị bảng giá đất mà Luật Đất đai 2024 quy định cần có, dẫn đến việc xác định giá đất phục vụ giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, việc xác định giá đất cụ thể phục vụ giá sàn đấu giá hiện nay thấp, cũng dẫn đến nhiều phiên đấu giá đất không thành công như Thanh Oai, Sóc Sơn..., nên các chỉ tiêu đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương có khả năng không hoàn thành.
TP Hồ Chí Minh ra công văn khẩn phòng chống bệnh viêm phổi nặng do virus
Trước diễn tiến bệnh qua đường hô hấp có chiều hướng gia tăng phức tạp, khó lường, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh viêm phổi nặng do virus (SVP).
Thời gian qua, tại một số bệnh viện chuyên khoa nhiễm và khoa nhi trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi nặng nhập viện. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo người dân đến khám, điều trị và yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh và điều trị bệnh phổi.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do virus (SVP) trên địa bàn thành phố đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời, định kỳ báo cáo kết quả giám sát và đề xuất các nội dung nhắc nhở, chấn chỉnh các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm.
Phòng y tế các địa phương cơ sở cần lưu ý và đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn báo cáo các ca bệnh hoặc nghi ngờ bệnh viêm phổi do virus về Trạm y tế, Trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức để được hỗ trợ kịp thời.