Nổi bật tuần qua: Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng; Quốc hội tập trung công tác lập pháp

Tuần từ ngày 4-10/11, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật như: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 8; Quốc hội tập trung công tác lập pháp và giám sát; Hai phi công nhảy dù an toàn trong vụ máy bay huấn luyện rơi tại Bình Định; Thị trường vàng tiếp đà giảm giá; Ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ tại miền Trung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 8

Trong tuần, nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 8 từ ngày 5-8/11/2024. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công lần thứ 10, Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị GMS mở rộng lần thứ 8. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, ngày càng phát triển bền vững. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.

Trong chuyến công tác Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường. Hai Thủ tướng cùng chúc mừng những thành tựu phát triển quan trọng mỗi Đảng, mỗi nước đạt được thời gian qua; đề nghị hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, duy trì quan hệ song phương; hai bên nhất trí nội dung Thỏa thuận hợp tác 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng để sớm thúc đẩy ký kết; đồng thời, mong muốn tiếp tục mở cửa thị trường xuất nhập khẩu nông sản, mua bán điện, hợp tác kinh tế biên giới, triển khai tốt Năm Giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025...

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet; gặp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone; gặp Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc) Vương Ninh và làm việc với các Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước; tiếp đồng chí Lam Thiên Lập, Chủ tịch Khu Tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây; thăm TP Trùng Khánh (Trung Quốc), gặp Bí thư Thành ủy Viên Gia Quân và dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc…

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba nội hàm chính của hành lang kinh tế thế hệ mới gồm: Hành lang của công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến kết nối đa chủ thể, đa lĩnh vực, đa giai đoạn; hành lang của tăng trưởng kinh tế, vừa làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và hành lang xanh, bền vững, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.

Quốc hội tập trung công tác lập pháp và giám sát

Tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV từ ngày 4-9/11 tập trung công tác lập pháp và giám sát. Quốc hội đã thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Doãn TấnTTXVN

Quốc hội đã thảo luận về các dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Dữ liệu.

Quốc hội cũng thảo luận về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Đáng chú ý trong tuần làm việc, Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó bổ sung việc trình chiếu video clip về Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam để phục vụ Quốc hội thảo luận về tính khả thi và hiệu quả dự án. Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam hoàn thành vào năm 2035 là thách thức lớn với Việt Nam, nhưng không vì thách thức mà không triển khai, do hiện nay là thời điểm phù hợp về điều kiện, năng lực. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 quyết định thông qua chủ trương, cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực đầu tư. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trục Bắc Nam, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hai phi công nhảy dù an toàn trong vụ máy bay huấn luyện rơi tại Bình Định

Trong tuần qua, ngày 6/11/2024, Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức ban bay huấn luyện ngày tại sân bay Phù Cát. Ban bay huấn luyện với máy bay Iak-130 (số hiệu 210 D), bay bài 208, bay đường dài - không vực - xuyên mây trong điều kiện khí tượng phức tạp, do Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng, bay buồng trước và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay, bay buồng sau. Đây là chuyến bay đợt 3, là chuyến thứ 2 của phi công buồng trước trong ban bay trong ngày.

Chú thích ảnh
Trung tướng Phạm Trường Sơn thăm hỏi, động viên Thượng tá Nguyễn Hồng Quân (Chủ nhiệm bay). Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Máy bay cất cánh lúc 9 giờ 55 phút, đến 10 giờ 38 phút khi kết thúc bài bay về hạ cánh, phi công báo cáo tình trạng máy bay thả càng không ra; đồng thời, thực hiện các biện pháp xử lý tình huống thả càng khẩn cấp, nhưng vẫn không được. Phi công đã báo cáo chỉ huy bay và được phép nhảy dù. Hai phi công đã nhảy dù lúc 10 giờ 51 phút tại khu vực Trường bắn TB2, Tây Sơn, Bình Định.

Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ trì phối hợp với các lực lượng của Quân khu 5 và các địa phương khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện tìm kiếm cấp cứu mặt đất và trên không. Đến chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã xác định được tọa độ của Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, sau đó đến đêm đã tiếp cận được vị trí của Đại tá Nguyễn Văn Sơn an toàn. Tình hình sức khỏe của cả hai phi công cơ bản hiện đã ổn định.

Thị trường vàng tiếp đà giảm giá

Thị trường vàng trong tuần qua tiếp đà giảm giá từ cuối tuần trước, khiến nhiều nhà đầu tư "khóc ròng". Biến động mạnh nhất với giá vàng xảy ra ngày 7/11 sau cuộc bầu cử Mỹ, vàng trong nước và thế giới đều “lao dốc” không phanh. Giá vàng SJC giảm giá nhiều nhất tới 6,4 triệu đồng/lượng (mua vào - vàng Phú Quý), vàng nhẫn giảm theo tới 5,7 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Ngày 8/11, giá vàng có hồi phục nhẹ, vàng SJC tăng 1,7 triệu đồng/lượng mua vào, vàng nhẫn cũng tăng 1,4 triệu đồng/lượng, nhưng mức hồi phục này chưa thấm vào đâu so với đà giảm trước đó.

Chú thích ảnh
Giá vàng nhẫn và giá vàng miếng SJC trong nước tuần qua giảm mạnh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC ở mức 3,8 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn ở mức 1,8 - 2,8 triệu đồng/lượng, khiến rủi ro nghiêng về phía người tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, người dân chưa nên giao dịch vàng trong thời điểm này, vì nếu mua 1 lượng vàng SJC từ đầu tuần với giá 89 triệu đồng/lượng và bán ra vào cuối tuần với giá 82 triệu đồng/lượng lỗ ngay 7 triệu đồng/lượng, còn nếu mua 1 lượng vàng nhẫn tại Doji vào đầu tuần với giá 88,8 triệu đồng/lượng và bán ra cuối tuần giá 83,35 triệu đồng/lượng thì đã lỗ tới 5,35 triệu đồng/lượng…

Theo báo cáo của NHNN trả lời các vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, NHNN sẽ tiếp tục cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý.

Ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ tại miền Trung

Tuần qua, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung. Tại Quảng Trị có mưa to, với lượng mưa phổ biến 100 - 190 mm, gây ngập cục bộ nhiều tuyến liên xã, khiến nhiều trường học phải cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn và phải di dời dân kịp thời khỏi vùng nguy hiểm... để ứng phó. Còn tại TP Đà Nẵng, nhiều trường học cũng phải cho học sinh nghỉ học do mưa lớn, mực nước các sông Vu Gia, Cẩm Lệ liên tục ở mức báo động 1, gây ngập lụt các vùng thấp trũng, làm tắc nghẽn giao thông, hư hỏng nhiều công trình và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội...

Chú thích ảnh
Đoạn đường Núi Thành giao với đường 30 Tháng 4 (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chìm trong biển nước. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tuần, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to, khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, lượng mưa phổ biến 200 – 400 mm, có nơi trên 500 mm và có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới, nguy cơ ngập lụt lớn tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc... Nhằm chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lớn tại khu vực miền Trung, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để xử lý, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó và nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Nhóm PV/Báo Tin tức
Nổi bật tuần qua: Tổng Bí thư trao đổi về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm ba nước Trung Đông
Nổi bật tuần qua: Tổng Bí thư trao đổi về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm ba nước Trung Đông

Tuần từ ngày 28/10 - 3/11 diễn ra một số sự kiện nổi bật: Tổng Bí thư trao đổi về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm ba nước Trung Đông; Đề nghị kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Quảng Ninh; Xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bắc Ninh; Các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN