Không chủ quan dẫn đến tình trạng “chặt rộng, lỏng trong” dẫn đến hệ lụy “thủng trong”. Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Cao Lãnh vào ngày 13/7 khi huyện này liên tiếp phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đặc biệt trong đó, có nhiều ca mắc xuất hiện trong một doanh nghiệp ở xã Mỹ Hiệp.
Chỉ rõ cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tuần tra, nhắc nhở và tuyên truyền cho người dân nắm, chia sẻ và đồng thuận, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong nhấn mạnh, triển khai áp dụng giãn cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg cần thực hiện đúng, nghiêm túc, đồng bộ và nhất quán; tránh tình trạng kiểm soát không chặt chẽ hay không có biện pháp chấn chỉnh để người dân ra đường khi không cần thiết, lượng người tập trung đông.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Cao Lãnh tập huấn thêm cho mỗi xã có ít nhất 2 - 3 người có kỹ năng lấy mẫu; khẩn trương nâng cao năng lực lấy mẫu xét nghiệm của lực lực lượng y tế tại chỗ. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện phải tổ chức, sắp xếp lại đội hình truy vết hiện có, để đáp ứng yêu cầu về điều tra dịch tễ, lấy mẫu đúng quy trình, đảm bảo về thời gian và dữ liệu thông tin để chuyển về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm, phân tích kết quả chuẩn xác nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu huyện Cao Lãnh rà soát ngay các công ty, xí nghiệp trên địa bàn về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, phải hết sức nghiêm ngặt; yêu cầu tạm dừng hoạt động nếu không đảm bảo đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch. Khi phát hiện ca nhiễm phải tiến hành phong toả cục bộ, hạn chế dịch lan rộng.
Qua kiểm tra khu cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Mỹ Hiệp 1, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu chính quyền địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho công tác cách ly; có phân luồng di chuyển, đảm bảo về giãn cách trong mỗi phòng, trang bị thêm nhà vệ sinh…, tránh việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Cao Lãnh, tính đến trưa 13/7, huyện ghi nhận 76 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tập trung nhiều tại các xã: Mỹ Hiệp (20 ca), Mỹ Long (15 ca), Bình Thạnh (11 ca), Bình Hàng Trung (6 ca)... Địa phương cũng đã truy vết được 548 trường hợp F1, 935 trường hợp F2 và 975 trường hợp F3.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn, huyện Cao Lãnh đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn huyện từ 0 giờ ngày 11/7; thành lập 8 khu cách ly tập trung với sức chứa 1.300 người.
Mặt khác, huyện cũng huy động phương tiện chở hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân tại nơi phong tỏa, cách ly; sẵn sàng bảo đảm lực lượng, phương tiện tham gia vận chuyển công nhân. Đồng thời, thiết lập hàng rào, hình thành chốt kiểm soát, phong tỏa, khoanh vùng cách ly, bảo đảm an ninh, an toàn và quy trình giám sát dịch tễ địa bàn phong tỏa/cách ly.
Tại ổ dịch tại công ty chế biến thủy sản trên địa bàn xã Mỹ Hiệp - nơi ghi nhận 38/76 ca mắc COVID và có 490 trường hợp F1, 718 trường hợp F2 và F3 có 509 trường hợp, địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để tập trung cho công tác dập dịch và phòng, chống dịch. Hiện nay, các công nhân tại công ty này đang được sàng lọc, sau đó phân lập và bố trí ở nơi cách ly phù hợp để đảm bảo điều kiện về giãn cách và sinh hoạt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Lãnh Lê Chí Thiện thông tin.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của huyện hiện nay là số ca nghi mắc trên địa bàn xã Mỹ Hiệp chưa xác định được nguồn lây. Việc truy vết, khoanh vùng, sáng lọc phải thực hiện trên phạm vi rộng nên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực. Thêm vào đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của cách ly xã hội trong công tác phòng, chống dịch bện chủ quan và thực hiện chưa nghiêm túc; Thủ trưởng một số ngành, địa phương chưa thật sự tập trung trong thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong phối hợp quản lý địa bàn và thực hiện việc truy vết những trường hợp có liên quan: một số địa phương chưa chủ động, linh hoạt, còn chờ sự chỉ đạo và hỗ trợ từ cấp trên.