Thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19

Từ 12 giờ ngày 13/7, tỉnh Hà Tĩnh cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ như cắt tóc, gội đầu, làm móng tay/chân, hoạt động thể thao ngoài trời với số lượng không quá 20 người tham gia.

Chú thích ảnh
Chốt phòng chống dịch COVID-19 tại thôn Đông Hà 1, xã Thạch Long. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, các địa phương không tổ chức các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cấp thiết; hạn chế tối đa số lượng người tham gia đám cưới, đám tang và yêu cầu tuân thủ nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế...

Các địa phương tiếp tục dừng hoạt động đối với các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục; các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lây nhiễm dịch. 

Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tiếp tục hoạt động và phải duy trì thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19; có phương án bố trí, sắp xếp, quản lý công nhân/người lao động làm việc hợp lý để đảm bảo an toàn sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất khi có ca dương tính trong doanh nghiệp...

* Ngày 13/7, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 1701/QĐ-UBND về việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch đối với các khu vực có nguy cơ cao lây nhiễm dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Theo đó, tỉnh tiến hành khoanh vùng, phong tỏa cách ly y tế tạm thời các thôn: Thủy Yên Hạ, Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Thôn, An Bàng và Thủy Cam của xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế từ 12 giờ ngày 13/7 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi có thông báo mới.

UBND tỉnh cũng quyết định thực hiện giãn cách xã hội đối với xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, từ 12 giờ ngày 13/7 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc là nơi cư trú của 2 ca mắc COVID-19 của tỉnh Thừa Thiên - Huế là bệnh nhân 19.572 và 29.834.

Sáng 13/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện ca dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 là bà N.T.T (sinh năm 1961) bán thịt tại chợ Lộc Thủy. Đây là địa điểm các bệnh nhân mắc COVID-19 đã từng đến mua hàng trước khi được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2.

* Tại Đắk Lắk nhu cầu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 cũng tăng cao trong những ngày qua. Sở Y tế tỉnh đã cho phép hai cơ sở y tế tư nhân thực hiện test nhanh có thu phí bên cạnh việc test nhanh miễn phí của cơ sở y tế nhà nước. 

Chú thích ảnh
Điểm test nhanh virus SARS-CoV-2 tại Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Trước đó, từ ngày 10/7, Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức test nhanh miễn phí với 100 mẫu/ngày tại Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột dành riêng cho các lái xe chở hàng đường dài, nhất là các tuyến đi những tỉnh, thành phía Nam.

Trong sáng 13/7, mặc dù Trung tâm Y tế thành phố phân luồng, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn… nhưng với lượng lái xe đến xét nghiệm đông nên xảy ra tình trạng chen lấn, không đảm bảo khoảng cách an toàn.

Lái xe Nguyễn Quang Thiết (trú ở xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột) chia sẻ, việc tỉnh Đắk Lắk thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 miễn phí cho lái xe là rất tốt. Các lái xe có được kết quả xét nghiệm sẽ thuận lợi trong lưu thông hàng hóa đến các tỉnh khác và giúp sàng lọc COVID-19 trong giới tài xế đường dài. Tuy nhiên, hiện mỗi ngày chỉ 100 người được xét nghiệm trong khi nhu cầu của tài xế là rất lớn. Có rất nhiều người không được xét nghiệm đồng nghĩa với việc xe không thể lưu thông, hàng hóa hư hỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế gia đình.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột Võ Minh Hùng cho biết: Đơn vị lường trước các vấn đề trên nên đã bố trí nhân lực và phân luồng khu vực test nhanh theo quy định phòng, chống dịch. Tuy nhiên, số lượng người có nhu cầu làm xét nghiệm quá đông. Có những tài xế đến từ 4 giờ sáng. Vì nhu cầu xét nghiệm lớn mà khả năng đáp ứng có hạn nên nhiều tài xế tìm mọi cách để làm xét nghiệm sớm dẫn đến việc chen lấn, xô đẩy và không giữ khoảng cách an toàn. Đơn vị sẽ rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn trong thời gian tới, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, hiện mỗi ngày nhu cầu trên toàn tỉnh là 1.000 - 1.200 test nhanh kháng nguyên cho các đối tượng tự nguyện như lái xe, người đi khám bệnh, người cần ra khởi địa phương, người về từ vùng dịch…

Trước nhu cầu lớn của nhân dân, Sở Y tế Đắk Lắk đã cho phép hai đơn vị tư nhân là Bệnh viện Nhi Đức Tâm và Phòng khám Đa khoa Hoàn Hảo (đều ở thành phố Buôn Ma Thuột) triển khai dịch vụ test nhanh SARS-CoV-2, mỗi đơn vị được thực hiện 200 mẫu/ngày.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN vào sáng 13/7, tại Phòng khám Đa khoa Hoàn Hảo khá đông người dân tập trung để chờ test nhanh song công tác xét nghiệm vẫn được triển khai đảm bảo an toàn theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương (TTXVN)
Huy động nhân lực, vật lực ủng hộ công tác chống dịch COVID-19
Huy động nhân lực, vật lực ủng hộ công tác chống dịch COVID-19

Ngày 13/7, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã tổ chức tiễn đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN