Sáng 27/8, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ninh Thuận cần có những cam kết chính sách rõ ràng, cụ thể hơn để tạo niềm tin, khích lệ nhà đầu tư.
Với hàng trăm đại biểu, nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự, Hội nghị là cơ hội để các tổ chức, các nhà tài trợ song phương và đa phương, các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại, hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Lợi thế cạnh tranh Là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ; thời tiết nắng ấm quanh năm, nguồn tài nguyên gió và năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước, Ninh Thuận hội tụ những điều kiện thuận lợi để trở thành một trong những trung tâm về phát triển kinh tế, nhất là năng lượng sạch; sản xuất muối công nghiệp, giống thủy sản và sản phẩm nông nghiệp giá trị cao. Bên cạnh đó, lợi thế bờ biển dài hơn 105 km với nhiều vịnh biển đẹp như Vĩnh Vy, Bình Tiên, Ninh Chữ cũng là những cánh cửa rộng mở cho lĩnh vực kinh tế biển và du lịch trên vùng đất giàu văn hóa này.
Theo lãnh đạo tỉnh, Ninh Thuận ưu tiên các dự án đầu tư vào các cụm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh là các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh: Năng lượng; du lịch; nông nghiệp, thủy sản; sản xuất công nghiệp; giáo dục đào tạo; xây dựng và bất động sản.
Với tầm nhìn lâu dài, Ninh Thuận đã mạnh dạn thuê nhà tư vấn nước ngoài Monitor xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cảng quốc tế Cà Ná gắn với triển khai Tổ hợp công nghiệp cảng biển của Tập đoàn Hoa Sen tại địa điểm này với kỳ vọng sẽ đặt một bệ phóng thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp phát triển, thay đổi toàn diện bộ mặt và tầm vóc của địa phương thoát khỏi vị trí của một tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào trợ cấp ngân sách. Nét đặc biệt khác là Ninh Thuận cho ra đời và phát huy tốt vai trò kiến tạo, cầu nối giữa doanh nghiệp với địa phương thông qua mô hình Văn phòng phát triển Kinh tế EDO, chuyển mạnh tư duy và hành động theo hướng phục vụ doanh nghiệp.
Khó khăn gấp đôi, cố gắng gấp ba Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng, văn hóa và truyền thống đang tạo cho Ninh Thuận lợi thế so sánh, cạnh tranh đặc biệt trong số các tỉnh, thành phố trên khắp các vùng miền của Việt Nam.
Từ khảo sát thực tế, Thủ tướng gợi ý, Ninh Thuận có thể nghiên cứu để trở thành địa phương sản xuất măng tây lớn nhất cả nước, đem lại giá trị kinh tế cao. Với độ mặn nước biển trên 30% , Ninh Thuận có lợi thế đặc biệt cho ngành sản xuất muối. Ngoài ra, vùng đất này còn chứa đựng thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, trồng nho, sản xuất rượu nho, nuôi cừu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận năm 2016. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Bày tỏ vui mừng vì đang có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, chiến lược trong và ngoài nước hướng sự quan tâm đầu tư vào Ninh Thuận, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy chính quyền tỉnh cần có tư duy quản lý mới, kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo không gian và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân - những người trực tiếp tạo ra tăng trưởng; không được để tình trạng trì trệ, chậm trễ mà phải năng động, quyết liệt, cải thiện môi trường đầu tư.
Thủ tướng đánh giá, môi trường đầu tư của Ninh Thuận vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển song với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mới chỉ đứng thứ 42/63 tỉnh thành, thấp hơn đáng kể so với các tỉnh lân cận. Ngoài ra, với số lượng khoảng 2.000 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với cả nước, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần khuyến khích tăng số lượng doanh nghiệp để tạo việc làm, tăng trưởng GDP và thu ngân sách.
“Tỉnh cần có hình thức tôn vinh doanh nghiệp, tăng nhanh số lượng và chất lượng doanh nghiệp, đồng thời đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển mà các chính sách của Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần hướng tới và hỗ trợ”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng mong muốn chính quyền Ninh Thuận cần phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại với doanh nghiệp, khơi thông vốn và thị trường cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới, doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Có tổng giám đốc nói với tôi rằng để nhận được mảnh đất phải mất vài năm, rất khó đền bù tái định cư, nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp bị bỏ lỡ. Chúng ta có khắc phục được tình trạng này không? Hoàn toàn khắc phục được nếu chính quyền chúng ta mạnh, sát dân, cùng đối thoại với dân và doanh nghiệp để xử lý các vấn đề cụ thể”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị phải ràng buộc trách nhiệm và lời nói, tạo chữ tín của người phục vụ nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu có chính quyền quản trị tốt thì ở đó doanh nghiệp tự tìm đến làm ăn, gắn bó với địa phương, Thủ tướng cho biết.
Lưu ý một số địa phương ven biển đã rơi vào tình trạng phát triển thiếu bền vững, băm nát bờ biển, chia lô, bán nền, Thủ tướng yêu cầu Ninh Thuận rút kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới quy hoạch chiến lược, phát triển kinh tế xanh, sạch, phát triển nhanh và bền vững. Dù phát triển công nghiệp, nhưng vẫn phải hết sức chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là khi một số dự án công nghiệp lớn dự kiến đầu tư tại tỉnh. Theo đó, Thủ tướng khuyến khích việc nhà đầu tư cam kết với địa phương ngay từ khi triển khai dự án là nếu vi phạm môi trường, phải đóng cửa nhà máy.
Đề nghị Ninh Thuận chú trọng liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển lâu dài thông qua kết nối với các địa phương trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị này, tỉnh phải lưu ý để thực hiện các cam kết, đồng hành với nhà đầu tư. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý Ninh Thuận cần đưa ra thông điệp với nhà đầu tư, đó là vị trí của chúng tôi khó khăn gấp đôi, nên chúng tôi sẽ cố gắng gấp 3 để tạo điều kiện thuận lợi và thành công cho nhà đầu tư.
Cũng tại Hội nghị trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các doanh nghiệp đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư nhiều dự án điện gió, chăn nuôi và xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, với tổng vốn cam kết đầu tư lên đến gần 9500 tỷ đồng.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ khởi công Nhà máy điện gió Trung Nam do Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam - Thành viên Trungnam Group làm chủ đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Đây là dự án Điện gió đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận được chính thức khởi công xây dựng, có quy mô 90 MW, với tổng số vốn đầu tư 3,965 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn. Địa điểm thực hiện dự án phong điện là hai xã Lợi Hải và Bắc Phong thuộc huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, đây là địa bàn có tốc độ gió lớn nhất cả nước, lượng gió thổi đều quanh năm. Dự án được đầu tư với mong muốn hướng đến việc sử dụng năng lượng tái tạo, sạch và khả thi giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và khí nhà kính thải ra từ các quá trình sử dụng năng lượng hóa thạch như hiện nay.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đã thành công đầu tư và vận hành các dự án năng lượng, như dự án thủy điện Đồng Nai 2, dự án thủy điện Krongno 2 và 3...Sau thời gian tập trung phát triển một số dự án thủy điện, Trungnam Group tiếp tục đầu tư các dự án năng lượng sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường, trong đó có nguồn năng lượng điện gió.
Với 14 vùng gió trải rộng gần 8000 hecta, Ninh Thuận là một trong những tỉnh đầy tiềm năng trong phát triển điện gió. Vào những tháng gió mùa, Ninh Thuận đạt được tỉ lệ gió Nam và Đông Nam lên đến 98%, với vận tốc trung bình gần 6-7 m/s ở độ cao 65 m, tạo điều kiện hoạt động thuận lợi cho các cột điện gió công suất từ 2 - 3.5 MW. Mặt khác nhờ vào địa lý được bao bọc bởi các dãy núi và cao nguyên, nên gió khu vực trung bình lớn có xu thế ổn định mà số lượng bão xảy ra ít. Đây chính là những yếu tố tự nhiên tạo nên thế mạnh cho việc phát triển các dự án điện gió.
Giai đoạn 1 Dự án nhà máy điện gió Trung Nam được dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV, năm 2017 nhằm phát điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia, giúp cung cấp, bổ sung nguồn điện cho tỉnh Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung; bên cạnh đó là đẩy mạnh khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, hỗ trợ địa phương tiếp cận với nguồn năng lượng sạch cùng với các công nghệ kỹ thuật hiện đại.
* Nhân dịp công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ khởi công dự án Khu đô thị mới bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ thuộc phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm do Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings làm chủ đầu tư, với quy mô diện tích khu đất 52 ha, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đây là một dự án quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khi dự án hoàn thành sẽ có khoảng 10 khách sạn cao cấp 4 sao, 5 sao và khoảng 200 khách sạn từ 2 đến 3 sao, các khu biệt thự, nhà liền kề, thương mại được đầu tư đồng bộ, khoảng 1.000 căn hộ cao cấp. Dự án dự kiến sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh; góp phần thúc đẩy sự phát triển tiềm năng du lịch của thành phố đến năm 2020; phát huy các lợi thế về du lịch biển, du lịch sinh thái, về lịch sử và văn hóa của thành phố nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung.
Chiều ngày 26/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dọn và đồng chí Nguyễn Trung Hậu, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cán bộ lão thành. Thủ tướng cũng đã đến thăm mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình ông Hùng Ky, huyện Ninh Phước– mô hình chuyên canh các giống cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao như: Măng tây xanh, đậu phộng, hành lá, sử dụng hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước của Israel, cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm.