3 du khách Việt Nam thiệt mạng tại Ai Cập
Chiếc xe chở đoàn du khách Việt Nam, một hướng dẫn viên cùng một lái xe người Ai Cập đã bị trúng bom cài ven đường ngày 28/12. Thiết bị nổ tự chế này đã được gài gần một bức tường dọc theo phố Mariyutiya ở quận Al-Haram, gần với khu vực Kim tự tháp Giza. Vụ nổ làm 4 người tử vong, trong đó có 3 công dân Việt Nam.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có phát biểu về vụ đánh bom tại Ai Cập như sau: Được tin vụ đánh bom xe chở khách du lịch làm thiệt mạng và bị thương các khách du lịch Việt Nam ngày 28/12 tại Ai Cập, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình các nạn nhân của vụ đánh bom nêu trên.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao triển khai ngay các biện pháp cần thiết để bảo hộ công dân Việt Nam tại Ai Cập, hỗ trợ chăm sóc các nạn nhân, đề nghị các cơ quan chức năng của Ai Cập tạo điều kiện thuận lợi nhất để các gia đình nạn nhân sang Ai Cập làm các thủ tục liên quan.
Việt Nam vô cùng phẫn nộ và cực lực lên án hành động khủng bố làm chết và bị thương nhiều người Việt Nam vô tội và yêu cầu phía Ai Cập sớm mở cuộc điều tra, truy tìm và trừng trị thích đáng những kẻ gây ra vụ tấn công khủng bố này.
Việt Nam đánh giá cao nỗ lực hợp tác của Chính phủ và nhân dân Ai Cập trong việc hỗ trợ điều trị và bảo hộ các công dân Việt Nam bị tấn công trong vụ việc này.
Đến nay, các cơ quan liên quan của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã tích cực triển khai các hoạt động bảo hộ công dân, thăm hỏi, động viên những người bị nạn, làm việc với cơ quan chức năng sở tại và Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam yêu cầu phối hợp, hỗ trợ cứu chữa người bị nạn, tạo mọi điều kiện, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu trợ giúp của gia đình các nạn nhân Việt Nam, cấp thị thực khẩn cấp cho thân nhân của các khách du lịch bị thiệt mạng và bị thương sang Ai Cập để giải quyết quyền lợi cho các nạn nhân.
Đi du lịch rồi… mất tích
Đoàn khách Việt Nam gồm 153 người đến Đài Loan (Trung Quốc) theo diện visa Quan Hồng bị phát hiện mất tích 152 người, sau khi nhập cảnh vào lãnh thổ này. Cơ quan chức năng Đài Loan đã triển khai các đội đặc nhiệm tìm kiếm. Đến trưa 29/12, có 20 du khách Việt Nam đã tìm được, trong đó 8 người ra trình diện. Công ty du lịch tổ chức đoàn khách này đã bị phía Đài Loan tạm dừng việc cấp thị thực đoàn. Sở Du lịch TP Hà Nội thì tước giấy phép lữ hành của công ty du lịch đã tổ chức đoàn khách “mất tích” tại Đài Loan, tiến hành lập hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền, đồng thời yêu cầu các công ty có trách nhiệm liên hệ với các đơn vị, cá nhân có liên quan để có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch và đưa khách du lịch quay trở về Việt Nam.
Sự cố liên tiếp của Vietjet Air
Sáng 26/12, chuyến máy bay VJ513 của Vietjet từ Nội Bài đi Đà Nẵng lại gặp sự cố kỹ thuật. Đây là sự cố thứ 3 của hãng này chỉ trong 2 ngày liên tiếp.
Theo phản ánh, thời gian khởi hành tại Nội Bài của chiếc máy bay VJ513 là 6 giờ 20 phút và đến Đà Nẵng 7 giờ 35 phút. Vào lúc 6 giờ, toàn bộ hành khách đã lên máy bay, đến 6 giờ 15 phút máy bay bắt đầu di chuyển ra đường băng để cất cánh. Tuy nhiên, sau khi máy bay tăng tốc và chuẩn bị rời khỏi mặt đất thì đột ngột giảm tốc độ và hạ đầu máy bay. Tiếp viên Vietjet thông báo máy bay gặp sự cố kỹ thuật, cần xử lý gấp và chưa thể bay tiếp. Từ 6 giờ 20 phút đến 9 giờ 30 phút, chuyến bay VJ513 vẫn đang nằm chờ tại bãi đỗ để đội ngũ kỹ thuật xử lý.
Trước đó, trong ngày 25/12, hãng hàng không Vietjet cũng liên tiếp gặp 2 sự cố: chuyến bay VJ861 khởi hành từ Incheon (Hàn Quốc) đi TP Hồ Chí Minh đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Đài Loan và trưa ngày 25/12, một chuyến bay khác của Vietjet mang số hiệu VJ689 lại trục trặc kỹ thuật phải quay về hạ cánh tại Cam Ranh, nhưng lại hạ cánh nhầm đường băng.
Bộ GTVT đánh giá đây là sự việc nghiêm trọng, ra quyết định dừng cấp phép tăng chuyến, có chế độ giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air sau hàng loạt sự cố nghiêm trọng.