Những kỷ niệm khó quên về Nhà báo Đỗ Phượng

Tôi biết ông Đỗ Phượng từ mùa Đông năm 1966, khi ông có một thuyết trình về công tác báo chí cho lớp học nghiệp vụ thông tấn tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

Hình ảnh đầu tiên về ông còn mãi trong tôi đó là một người trung niên giản dị trắng trẻo, dong dỏng cao, dáng hơi ngất ngưởng trong chiếc áo khoác dài mầu xanh nhạt bạc mầu. Khi nói chuyện rất duyên, khá hấp dẫn nhờ khẩu khí có nhiệt tâm, và thường kết thúc với điệu cười thoải mái.

Năm ấy ông được cấp trên bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (Còn gọi là Phó Tổng Giám đốc VNTTX). Chúng tôi là những sinh viên tốt nghiệp đại học, cán bộ, bộ đội xuất ngũ, thanh niên xung phong, học sinh tốt nghiệp phổ thông được theo học nghiệp vụ thông tấn báo chí để đi B (Miền Nam). Mọi người nghiêm túc ngồi trong đình làng nghe ông trình bày.

Đồng chí Đỗ Phượng (thứ ba bên trái) tiễn đoàn phóng viên VNTTX vào chiến trường B, tháng 3/1975. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Quả thực, lúc đó cánh đại học chúng tôi khá vênh, “coi trời bằng vung”, “Mỹ là con hổ giấy” nên không chú ý nhiều tới các bài giảng chính trị, triết học, vì kiến thức đó các giáo sư tại trường đại học đã dạy khá kỹ càng và hay hơn các thầy của lớp. Cái mà chúng tôi chưa biết và cần là cách viết tin, chụp ảnh và tiếng gọi của chiến trường.

Tưởng kết thúc khóa học là chia tay các thầy, các thủ trưởng, kẻ Bắc người Nam. Không ngờ Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc ác liệt quá, thành thử lớp phải chia đôi, một nửa vào Nam, một nửa ở lại miền Bắc. Một số anh em học nhiếp ảnh và tôi được phân công về Phân xã Nhiếp ảnh, tại 18 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Còn ông Đỗ Phượng làm việc bên 5 Lý Thường Kiệt, tức là ít tiếp xúc với chúng tôi, nhưng nhiều việc của nhiếp ảnh, ví như phân công phóng viên đi B (Miền Nam), đi C (Lào), đi K (Campuchia), đi phân xã hoặc đi chiến trường đột xuất... đều có mặt Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng.

Với ông Đỗ Phượng, chúng tôi cảm thấy dễ gần hơn, vì tác phong thân mật, cởi mở của ông (khi đó chúng tôi xưng hô với nhau là anh, em. Ông Đỗ Phượng, ông Lê Châu còn hay xưng hô cậu, tớ). Tự nhiên giữa chúng tôi không có khoảng cách của cấp trên và cấp dưới.

Trong  nghề báo, chúng tôi nhận được sự bình đẳng, sự tôn trọng của các anh lãnh đạo. Chiến tranh gian khổ, nguy hiểm là vậy, bao cấp thiếu thốn, khốn khó là vậy, thế mà chúng tôi vẫn vui vẻ cùng nhau vượt qua. Nghèo, chẳng có gì cho nhau, nhưng chúng tôi đã cho nhau cái tình, cái nghĩa, tựa lưng vào nhau mà sống.

Xin kể 3 chuyện nhỏ liên quan tới nhà báo Đỗ Phượng mà tôi khó quên.
   
Để Lương Nghĩa Dũng thanh thản
  
Một ngày vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chị Lương Thị Nhiễu, vợ liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng nói với tôi:

- Chú Thành ơi, bây giờ cháu Trường đã tốt nghiệp đại học, nhưng nó chưa được đi làm. Chú xem xin vào đâu cho cháu có việc làm để đỡ cho tôi...

Tôi giật mình vì thời gian trôi nhanh quá và càng giật mình hơn về hoàn cảnh của chị Nhiễu, một mình làm phụ nề ở thị xã Hà Đông nuôi dạy 4 đứa con ăn học. Từ khi anh Nghĩa Dũng hy sinh tại mặt trận Quảng Trị đến khi cháu Lương Xuân Trường (cháu thứ ba của anh chị) xin đi làm đã gần 20 năm.

Quả thực ngần ấy năm chúng tôi ít có dịp thăm chị và các cháu và cũng chẳng có gì cho chị. Đã đành ai cũng bận công việc, ai cũng phải lo cuộc sống, nhưng làm sao vất vả bằng một quả phụ với 4 đứa con.

Tôi thực ái ngại, rồi gặp riêng ông Đỗ Phượng. Ngồi tại căn phòng của ông ở đầu phố Lý Thường Kiệt, thực ra đấy là hàng hiên được cơi nới làm chỗ tiếp khách, tôi băn khoăn nói:

- Cháu Trường học Thương nghiệp,  liệu cháu có hợp với công tác báo chí không?

- Thôi thì cậu phải kèm cặp, khi có điều kiện sẽ cho cháu học nghiệp vụ. Mình sẽ nhận, trước hết để cho Lương Nghĩa Dũng thanh thản, sau nữa là đỡ vất vả cho một vợ liệt sĩ, nếu cháu Trường nối được nghiệp  cha sẽ là điều đáng mừng.

Người tôi nhẹ bẫng, không ngờ công việc lại được giải quyết nhanh đến thế. Vì thực tế liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng là người trong biên chế quân đội, mọi chế độ của gia đình liệt sĩ do quân đội đảm trách. Nhưng không vì thế mà ông Đỗ Phượng đùn đẩy. Hơn nữa, nhiều năm theo dõi ảnh chiến tranh của ta, ông Phượng hơn ai hết rất hiểu và cảm phục Lương Nghĩa Dũng - người xông pha trận mạc như cơm bữa, có nhiều ảnh xuất sắc làm rạng danh cho VNTTX, cho nền Nhiếp ảnh Việt Nam...

Quyết định của ông Phượng không lầm, bởi cháu Lương Xuân Trường đã phấn đấu tốt, sau đó anh trở thành môt phóng viên ảnh hàng đầu của lứa phóng viên giai đoạn ấy.

Nhưng điều đáng nói ở đây là việc Trường nối nghiệp cha nên năm 1995 đã được Phân xã TTXVN tại Quảng Trị tận tình giúp đỡ đi tìm hài cốt cha mình, và mãi đến năm 1997 gia đình mới tìm thấy ngôi mộ của cha Trường tại xã Trường Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ngay hôm đó hài cốt Liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng được các con đưa lên tàu ra Hà Nội, rồi đón về Thị xã Hà Đông. Được vài năm gia đình lại chuyển ông về quê, thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Thường Tín, Hà Nội. Bởi vậy, gia đình bà Nhiễu rất hài lòng và biết ơn TTXVN, biết ơn bác Đỗ Phượng.

Đồng chí Đỗ Phượng (hàng đầu, thứ năm từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm với khóa phóng viên GP 12, năm 1974. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trao "vũ khí" cho thương binh
   
Ông Vũ Tín là phóng viên ảnh nông nghiệp của Phân xã Nhiếp ảnh từng thường trú ở Hải Phòng và Hà Nội. Năm 1972 ông được  điều đi mặt trận Quảng Trị làm công tác biên tập ảnh tại mặt trận. Có công việc này là do VNTTX cử một nhóm phóng viên ảnh cự phách 6 người gồm Đoàn Tý, Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo (thuộc Tổng cục Chính trị), Lê Minh Trường, Xuân Lâm, và Vũ Tín (thuộc VNTTX). Họ được trang bị máy thu phát ảnh (Telephoto), có công nhân kỹ thuật và công nhân tráng phim, phóng ảnh đi cùng.

Không may Vũ Tín bị mảnh pháo địch chém đứt gót chân, rồi nhiễm trùng. Sau đó phải đưa ra bệnh viên Việt - Đức Hà Nội tháo  khớp gối, trở thành thương binh ngoài quân ngũ. Khi hồi phục, ông làm biên tập viên, rồi phụ trách tổ nghiệp vụ của Ban ảnh. 

Đến năm 1995, nhân kỷ niêm 20 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Vũ Tín làm triển lãm ảnh cá nhân tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Quân sự Việt Nam). Đây là những tấm ảnh đẹp xuất sắc trong đời cầm máy của ông. Nó có giá trị tài liệu và nghệ thuật rất đáng được khích lệ.

Bằng chứng nhận, bằng khen thì có rồi, nhưng vật chất chả có gì. Người thương binh này có 3 con, vợ ông cũng làm việc tại VNTTX. Gia cảnh chật vật lắm. Chúng tôi đắn đo, làm sao có cái gì đó để hỗ trợ Vũ Tín trong lúc khó khăn này? Lãnh đạo Ban ảnh chúng tôi nghĩ ngay đến ông Đỗ Phượng. Chúng tôi gợi ý:

- Anh Phượng ạ. Tại các cuộc thi, triển lãm ảnh do Hội NSNAVN hay Thông tấn xã của ta tổ chức đều có  khen thưởng. Lần này Ban ảnh muốn đề nghị Tổng Giám đốc có hình thức khen thưởng xứng đáng cho Nhà nhiếp ảnh Vũ Tín.

Ông Phượng hào hứng nói:

- Được đấy, Vũ Tín rất xứng đáng, các cậu làm đề nghị đi.

Chúng tôi phấn chấn quên cả lời chào trước khi rời phòng làm việc của ông ở 5 Lý Thường Kiệt.

Thế là trong lễ khai mạc triển lãm, Tổng Giám đốc Đỗ Phượng đã tận tay trao thưởng cho Nhà nhiếp ảnh Vũ Tín bộ máy ảnh Nikon do Nhật sản xuất. Ông nói:

- Thay mặt lãnh đao cơ quan, tôi trao chiếc máy ảnh này cho nhà nhiếp ảnh Vũ Tín, mong người thương binh từ chiến trường Quảng Trị năm xưa nhận lấy vũ khí, đứng dậy tiếp tục chiến đấu....

Mọi người vỗ tay hoan hỉ. Còn Vũ Tín cảm động không nói nên lời, chỉ biết cười với lời cảm ơn ngắn gọn. Đây đúng là món quà tinh thần quí giá, chiếc máy ảnh tuy không nhiều tiền, nhưng cũng là cái vốn cho gia đình ông lúc khó khăn. Vũ Tín nói với tôi vẻ nghẹn ngào:

- Sếp thương thằng què này, không ngờ cuối đời, mình lại có quí nhân phù trợ!

Vậy là sau đó ít ngày, Vũ Tín lên đường sáng tác, có chị Tuy vợ ông đi cùng, một chuyến đi dài suốt từ Bắc chí Nam. Đến Thành phố Hồ Chí Minh, nhà nhiếp ảnh Minh Lộc, người rất quí vợ chồng Vũ Tín “xin việc” đưa hai ông bà lên Đà Lạt. Đến Hồ Than Thở, Minh Lộc trêu:

- Ông bà có gì cần than vãn thì cứ trút hết ra, đây là nơi để các đôi tình nhân than thở với nhau mà.

Vũ Tín cười hả hê:

- Giờ già rồi, còn gì mà than thở nữa…

Thế là Minh lộc bấm máy. Hình ảnh Vũ Tín đứng sau chân máy ảnh, có chiếc nạng gỗ và vợ ông bên cạnh đã được thu gọn trong ống kính. Về Thành phố Hồ Chí Minh,  ông Minh Lộc  đã phóng to bức ảnh này tặng vợ chồng Vũ Tín làm kỷ niệm. Ông qua đời, bà vẫn treo bức ảnh ấy trên tường.

Anh ấy về đúng chỗ, mình mới yên tâm

Vô tình, tôi, Trần Mai Hưởng và Hồng Khanh (Báo Nhân Dân) trở thành người đầu tiên được đón Bùi Hoàng Chung do phía Sài Gòn trao trả tại sông Thạch Hãn vào tháng 2/1973.

Bùi Hoàng Chung là phóng viên ảnh thường trú tại Quảng Bình, năm 1972 anh được điều đi Quảng Đà. Trong một đêm di chuyển xuống vùng đồng bằng, không may phóng viên này bị lạc đường và lên cơn sốt rét phải nằm lại cạnh búi tre. Sáng ra, trẻ trâu thấy người lạ, chúng hô hoán, thế là anh bị bắt, sau đó bị đưa vào Sài Gòn thẩm vấn. Và cuối cùng là nhà tù Phú Quốc.

Theo báo cáo của anh Vũ Đảo Trưởng phân xã Quảng Đà, sau khi Bùi Hoàng Chung bị bắt, căn cứ của phân xã không bị oanh tạc, không bị đối phương phát hiện, bủa vây. Như vậy là Bùi Hoàng Chung đã không khai báo. Khi ra tù, thì các bạn tù báo cáo Bùi Hoàng Chung là người kiên cường, địch đánh đập tra tấn dã man nhưng không làm anh nhụt chí khí. Lúc đó một cán bộ có trách nhiêm còn gọi anh là Nguyễn Đức Thuận của VNTTX.

Trước khi tôi lên đường sang Cộng Hòa Dân chủ Đức học, năm 1975, chị Sáu cán bộ tổ chức VNTTX còn nói nhỏ với tôi: Cố học tốt và có quan hệ tốt với nước bạn nhé, các em mở đường cho lớp sau, Ban tổ chức đang chuẩn bị hồ sơ của Bùi Hoàng Chung và mấy người nữa.

Đợi mãi 5 năm chả thấy Bùi Hoàng Chung sang. Khi về nước đến cơ quan làm việc tôi cũng không thấy anh. Qua dò hỏi được biết sau giải phóng miền Nam, Ban Tổ chức VNTTX nhận được văn bản mật của chính quyền Sài Gòn lập danh sách hậu chiến cho họ, trong đó có Bùi Hoàng Chung. Thực hư chưa rõ ra sao. Nhưng cơ quan phải thi hành qui định an ninh của cấp trên.

Vậy là Bùi Hoàng Chung không được trong biên chế của VNTTX nữa. Tổ chức trả anh về quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Không có lương, anh phải làm bảo vệ cho cửa hàng lương thực phố Bông Nhuộm mấy năm. Sau thời gian này, Bùi Hoàng Chung được trở về làm ở phòng hành chính áp tải vật liệu xây dựng Người bạn tù có thẩm quyền  minh oan cho anh lại ở Thành phố Hồ Chí Minh và đã mất.

Chuyện anh thôi việc làm đảo lộn cuộc sống gia đình. Anh lặng lẽ như người tự kỷ. Còn chị Nam vợ anh thì  thất vọng hoàn toàn, muốn giải thoát bằng ly hôn. Căn buồng hẹp hơn 10m2 phải ngăn làm đôi để ly thân. Khi đó anh chị  đã có một bé gái xinh xẻo. Con gái là nguồn an ủi duy nhất của hai người. Cháu bảo: Con không thích bức tường này, con  muốn phá nó đi. Nhưng không may, khi cháu 13 tuổi bị bệnh máu trắng, không có thuốc men nào cứu được. Liệu có phải do anh nhiễm chất độc da cam ở rừng Trường Sơn đã để lại di chứng cho con hay không? Anh không nói, cứ lầm lũi chịu đựng.

Có lần anh than thở với tôi: “Nhiều hôm tao muốn nhảy từ tầng 5 xuống cho xong”. Lúc ấy tôi chỉ biết buột ra một câu rất sách vở: “Chung ơi. Phải biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không chịu được nữa”. Nói xong tôi thấy bối rối trong lòng, vì nó sáo rỗng không hợp trong lúc này.

Mấy hôm sau tôi tìm đến ông Đỗ Phượng. Nghe tôi trần tình xong, ông trầm ngâm suy nghĩ, rồi chợt bảo tôi: Uống nước đi. Tôi nâng chén nước lên, vẫn chăm chú nhìn khuôn mặt ông. Bỗng mắt ông sáng lên, ông nói nhát gừng, dường như bâng quơ với ai đó, chứ không phải với tôi:

- Ừ đã đến lúc để anh ấy về đúng chỗ, mình mới yên tâm. Thế này nhé (lúc đó ông mới nhìn vào tôi như căn dặn), cho làm biên tập, chứ không làm phóng viên.

Tôi sung sướng như chính mình được phục chức. Biên tập cũng tốt rồi, cần gì hơn nữa. Tôi định thay bạn mình nói lời cảm ơn. Nhưng đã kịp kìm lại. Vì nếu nói ra thì e thủ trưởng cho mình là khách sáo, hoặc là tâng bốc nịnh nọt. Tôi chẳng nịnh ai bao giờ. Nhưng việc này tôi nể phục ông thực sự.

Bây giờ ông đã đi xa, tôi mới kể lại để nhớ về một nhân cách đáng kính...

Chu Chí Thành (TTXVN)
Những kỷ niệm sâu sắc về Nhà báo Đỗ Phượng
Những kỷ niệm sâu sắc về Nhà báo Đỗ Phượng

4 giờ chiều ngày 9/10/2017, cơn mưa bất chợt. Một đồng nghiệp báo với tôi tin buồn: Anh Đỗ Phượng mất rồi! Tuổi già U90, cũng là thọ nhưng sao cứ nao nao xúc động!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN