Những kỷ niệm sâu sắc về Nhà báo Đỗ Phượng

4 giờ chiều ngày 9/10/2017, cơn mưa bất chợt. Một đồng nghiệp báo với tôi tin buồn: Anh Đỗ Phượng mất rồi! Tuổi già U90, cũng là thọ nhưng sao cứ nao nao xúc động!

Thế là người lãnh đạo; thế hệ đàn anh, người sau cùng thuộc "thế hệ vàng" của TTXVN trong thời kỳ Chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã qua đời. Vì tôi nhớ hồi làm Phó Tổng Giám đốc, anh là người trẻ nhất trong Bộ Biên tập, mới ngoài 40 tuổi.

Đồng chí Đỗ Phượng (hàng thứ hai, thứ tư từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm với lớp phóng viên nhiếp ảnh của hãng thông tấn Campuchia (SPK), nay là AKP. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cách đây gần hai tháng, tôi đến thăm anh. Cháu Khánh, con trai anh dìu anh lên phòng 306-11-Trần Hưng Đạo; anh vẫn còn nhúc nhắc công việc; cũng chẳng biết việc gì. Anh bắt tay tôi, nói: "Vẫn có việc để làm, chỉ tội đôi chân yếu!". Ngồi với anh khá lâu, nhờ anh tham gia ý kiến về cuốn sách sắp in của Ban Biên tập Tin Trong nước. Anh còn minh mẫn, đương nhiên tuổi cao không tránh khỏi đôi điều quên quên nhớ nhớ.

Mở trang báo số đặc biệt Tuần Tin Tức kỷ niệm 72 năm Thành lập TTXVN (15/9) cách đây chưa đầy tháng, hình ảnh anh với nụ cười trẻ trung, còn đây. Anh kể với bạn đọc thuở ban đầu của Tuần Tin Tức những ý tưởng mới về cải tiến nghiệp vụ đa dạng hóa thông tin có định hướng của lãnh đạo TTX lúc bấy giờ; nhằm phục vụ công cuộc đổi mới của Đảng... Vậy mà anh đã ra đi!

Với Bộ biên tập TTXVN thời kỳ chúng tôi, anh Phượng là người gần gũi nhất, sâu sát nhất Ban Biên tập Tin Trong nước. Anh mất rồi, thương nhớ anh, gợi lại trong tôi những kỷ niệm nghề nghiệp về anh. Với tôi, anh Đỗ Phượng không chỉ là một nhà báo mà nhiều hơn là một cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí vững vàng, sắc sảo. Nhớ những buổi anh chủ trì giao ban nghiệp vụ hằng ngày, những sự kiện quan trọng cần định hướng tin tức thời sự, những ý kiến chỉ đạo, gợi mở của anh… 

Đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc nước ta, anh nhắc chúng tôi cần "phát hiện" cho được những "điểm sáng" bám trụ, vừa tổ chức phòng tránh tốt vùa bắn máy bay giỏi, phát triển sản xuất với quyết tâm "một tấc không đi, một ly không rời". Chúng tôi về Lâm Thao - Phú Thọ, ở đấy có phong trào "Đảng viên cắm thẻ nhân ruộng" chăm bón lúa gần Nhà máy supe Phốt phát - một trong điểm ác liệt. Chúng tôi về Đông Anh, Đa Phúc viết về những làng gần sân bay "Đảng bám dân - Dân bám đất" vững vàng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu lâu dài… Rất vui, khi sáng ra được thấy trang nhất Báo Nhân Dân có tin, ảnh của TTXVN với tít lớn đi kèm xã luận. 

Tôi nhớ mùa đông 1972, những ngày Hà Nội "Điện Biên Phủ trên không". Trận đầu tiên B52 ném bom rải thảm vào Thủ đô, đang làm việc với Phân xã và lãnh đạo thành phố Hải Phòng, anh vượt lưới lửa Đường 5 về Tổng xã giúp Tổng Biên tập Đào Tùng chỉ đạo tin ảnh kịp thời. Mượn máy nói của bộ đội phòng không trên một trận địa pháo ven đường (lúc đó chưa có điện thoại di động), tôi báo cáo nhanh với Bộ Biên tập về tội ác B52 đánh bom xuống Uy Nỗ - Cường Nỗ, huyện Đông Anh.

Đầu dây nói bên kia, tiếng anh Đỗ Phượng như hét lên: "Lúc này, cần có ngay ảnh tố cáo tội ác Đế quốc Mỹ ném bom vào Thủ đô Hà Nội!" như một mệnh lệnh chiến đấu! Giao ban, chúng tôi đọc: "Thư Paris" của đặc phái viên Dương Thị Duyên điện về cho biết, Đoàn đại biểu ta trên bàn đàm phán Paris hoan nghênh “bên nhà” phát ánh tội ác Mỹ rất kịp thời làm bằng chứng… Niềm vui khiến chúng tôi quên hết khó khăn nguy hiểm trong nhiệm vụ trực chiến hằng ngày.

Đồng chí Đỗ Phượng và đại diện FILPAC (Liên đoàn in - giấy - truyền thông thuộc Tổng liên đoàn lao động Pháp CGT) ký biên bản về FILPAC giúp TTXVN cải tiến trang thiết bị nhà in, tháng 1/1995. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Mùa xuân Quý Sửu - năm 1973, tôi được biệt phái tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm, chúc Tết đồng bào tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh. Đây là chuyến đi quan trọng bởi vì sau thất bại của cái gọi là thần tượng sức mạnh không lực Hoa Kỳ đưa máy bay B52 vào ném bom miền Bắc, Đế quốc Mỹ buộc phải ngừng và rút quân khỏi miền Nam. Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước cận kề. Anh Đỗ Phượng chỉ đạo rất cụ thể việc tổ chức tin ảnh. Anh nhắc tôi và Văn Bào phải nắm chắc mục đích và ý nghĩa chuyến đi của Tổng Bí thư. Khi viết, tôi xin ý kiến anh thoát ra khỏi khuôn khổ tin tường thuật mà "chấm phá" thêm những nét cận cảnh ghi nhanh. Anh khuyến khích, tôi phấn chấn làm nhiệm vụ.      

Giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước, anh có mặt, cùng anh Trần Thanh Xuân tổ chức hợp nhất Thông tấn xã Giải phóng và TTXVN. Công việc bộn bề, sức yếu, anh về từng phân xã chỉ đạo sớm ổn định tổ chức để đi vào nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ mới. Hồi ấy viết tin, bài về cải tạo XHCN đối với tư sản miền Nam và cải tạo XHCN đối với nông nghiệp miền Nam là lĩnh vực khó bởi có những đặc điểm riêng, không thể dập khuôn như cách làm ở miền Bắc, viết lách cũng vậy.

Trong chỉ đạo nghiệp vụ anh phân tích rất kỹ đặc điểm tình hình và gợi mở cụ thể, cùng chúng tôi đi vào thực tiễn. Chúng tôi đi sâu viết về Nhà máy may SINCO sau cải tạo phát triển sản xuất; một phần quan trọng do biết tập hợp, tổ chức các xưởng nhỏ của người Hoa làm "vệ tinh" gia công sản xuất. Chúng tôi viết về những bước đi phù hợp với thực tiễn của cải tạo nông nghiệp đồng bằng Sông Cửu Long. TTXVN được giải báo chí về lĩnh vực cải tạo XHCN của Hội Nhà báo VN và giải “Bông lúa vàng” của Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp trao tặng (khi ấy chưa có Giải báo chí Quốc gia) .   

Đồng chí Đỗ Phượng cùng các thế hệ lãnh đạo TTXVN tại Lễ gắn biển tên phố Trần Kim Xuyến, ngày 5/3/2014. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ đô PhnomPenh được giải phóng, Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Anh Đỗ Phượng được Ban Bí thư giao trọng trách Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK - Campuchia xây dựng Hãng Thông tấn Quốc gia. Anh là người đi đầu, mở đường, tôi là người đi chặng cuối. Có cái may nhưng cũng có cái khó. Trước ngày lên đường, anh truyền đạt cho tôi những bài học quý và nhắc nhở: "Cậu đi sau, trách nhiệm nặng nề đấy, phải giúp bạn nâng cao trình độ nghiệp vụ chứ không thì chuyên gia cái gì!". Nói vậy, nhưng anh tạo cho tôi điều kiện cần và đủ để hoàn thành nhiệm vụ bằng một nhóm chuyên gia có năng lực...

Có thể nói, hai thời Tổng Giám đốc Đào Tùng và tiếp nối Đỗ Phượng đều có nhiều công sức đổi mới thông tin, đổi mới kỹ thuật truyền tin hiện đại lúc bấy giờ, đưa sự nghiệp phát triển TTXVN sang trang mới. Sự ra đời của 3 tờ tuần báo: "Văn hóa & Thể thao quốc tế", "Tuần Tin Tức" và "Khoa học - Kỹ thuật - Kinh tế thế giới" là một trong những đổi mới gây ấn tượng nhất đối với bạn đọc .   

Sinh thời, người khen, cũng có người chê anh. Song ở đời mấy ai đã "nắm tay qua ngày đến tối". Với tôi, anh Đỗ Phượng là một cán bộ lãnh đạo, một đồng nghiệp hơn tuổi đáng nể trọng về mặt nghề nghiệp. 

Xin mượn bút thay lời tưởng niệm anh. 

Vĩnh biệt anh!
                                                                 
Thanh An
Nhà báo Đỗ Phượng - Một cây bút được nể trọng
Nhà báo Đỗ Phượng - Một cây bút được nể trọng

Ông Đỗ Kim Phượng - nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, một cây bút được nể trọng trong làng báo Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 88.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN