Nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng:

Những kết quả trong nửa nhiệm kỳ ‘sóng gió’ - Bài 1: Nghị quyết của Đảng là kim chỉ nam cho hành động chỉ đạo phát triển đất nước

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa XIII của Đảng đã đánh giá việc thực hiện Nghị quyết trên mọi lĩnh vực. Những kết quả đạt được, những điểm còn chưa tốt cũng đã được Trung ương thảo luận, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan để rút ra những bài học, đưa ra những biện pháp, giải pháp nhằm tháo gỡ, giải quyết khó khăn ấy trong nửa nhiệm kỳ cuối và các năm tiếp theo.

Chú thích ảnh
Sáng 17/5/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nửa đầu nhiệm kỳ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đảng ta vẫn quyết tâm tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, có tính chất toàn quốc. 

Những thách thức chưa có tiền lệ

Có thể nói, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, có những khó khăn chưa có tiền lệ. 

Đại dịch COVID-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina diễn biến phức tạp. Hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát tăng cao, các quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính tiền tệ, thứ bất động sản quốc tế.

Những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống diễn ra tần suất cao hơn, gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế xã hội trên phạm vi toàn cầu. 

Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của dịch COVID-19; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, kinh tế xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những thách thức này đặt ra yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị là phải đề ra được các phương hướng, giải pháp để vừa tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh, vừa xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài.

Tiến sĩ Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ: "Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi nhiệm kỳ của đại hội đều có những khó khăn, thách thức. Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, khó dự báo. Có những thách thức mới xuất hiện, chưa có tiền lệ gay gắt hơn so với dự báo. Nhìn ra thế giới,  có 5 vấn đề chính, đó là: Do đại dịch COVID-19; cạnh tranh giữa các nước lớn; xung đột Nga - Ukraina; thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, động đất. Còn ở trong nước, có 2 vấn đề rất quan trọng, đó là những tồn tại, yếu kém tích tụ từ lâu đang tập trung xử lý giải quyết; tiếp đó là dịch bệnh nguy hiểm với những thách thức chưa có tiền lệ như COVID-19".

Nhiều hội nghị quan trọng và nghị quyết ra đời

Đó là Hội nghị của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 với các địa phương, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Hội nghị toàn quốc, các cơ quan nội chính. Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Hội nghị đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Văn hóa toàn quốc. 

Bên cạnh đó, còn có 6 hội nghị toàn quốc về 6 lĩnh vực đã được tổ chức ngay trong năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Theo các chuyên gia, đã có rất nhiều đổi mới trong việc quán triệt, triển khai Nghị quyết. Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt trên từng lĩnh vực. Ở mỗi hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng về chủ trương, đường lối của Đảng ta trên các lĩnh vực.

Sau 6 hội nghị toàn quốc về các lĩnh vực, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng chiến lược trên cả nước. 

Thông điệp rất rõ nét của Bộ Chính trị trong 6 Nghị quyết về phát triển vùng là tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động phát triển nhanh và bền vững cho tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong vùng.

Theo GS.TS Đỗ Kim Chung - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những điểm quan trọng mà cấp ủy các cấp phải quán triệt đến từng tỉnh trong vùng, đó là phải dựa trên lợi thế của từng tỉnh để phối hợp với nhau hình thành lợi thế của cả vùng. 

Còn PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Nghị quyết riêng cho mỗi vùng đã đưa ra thông điệp rằng: Các địa phương không nên có cuộc chạy đua để xin cơ chế, chính sách đặc thù riêng mình, mà tạo cơ chế chính sách cho cả vùng. 

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, 6 hội nghị lớn về 6 vùng kinh tế vừa làm theo chiều dọc, vừa theo chiều ngang, khi đã có chủ trương thì Quốc hội, Chính phủ cũng như tất cả các cấp, các ngành triển khai một cách bài bản.

Cách làm làm như vậy, còn hình thức cũng có nhiều đổi mới. Hàng triệu cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã được học tập các nghị quyết bằng hình thức trực tuyến. Với nhiều đảng viên thì đây là lần đầu tiên được nghe các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp quán triệt Nghị quyết.

Theo ông Nguyễn Văn Sự - Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), trước đây Nghị quyết ban hành xong phải rất lâu mới được triển khai. Còn hiện nay, ngay sau khi tổ chức đại hội xong, các hội nghị trực tuyến được triển khai, nên chỉ khoảng sau 2 tháng, Nghị quyết đã đến cơ sở đảng và đảng viên. Đây là một điểm mới, tạo nên tính đồng bộ và toàn diện. Tại những đợt học nghị quyết trực tuyến, các cơ sở đảng được nối các điểm cầu với các đảng bộ lớn học tập triển khai, rất hiệu quả.

"Trước đây thường phải thông qua đội ngũ báo cáo viên đi truyền đạt trực tiếp từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp cơ sở; nhưng ngày nay cán bộ, đảng viên cơ sở được nghe trực tiếp các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng chuyền đạt qua hội nghị trực tuyến. Cho nên với thời gian mới chỉ nửa nhiệm kỳ nhưng toàn bộ tinh thần, quan điểm chỉ đạo cơ bản Đại hôi XIII của Đảng đã đi vào cuộc sống", ông Nguyễn Văn Sự nhấn mạnh.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 36 Nghị quyết và 54 Kết luận, trong đó có nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến phát triển kinh tế, phòng chống dịch COVID-19. Những kết luận này đã lãnh đạo, chỉ đạo để xử lý những vấn đề cốt lõi, thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Bài 2: Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh màu xám của nền kinh tế toàn cầu

Viết Tôn/Báo Tin tức
Những kết quả trong nửa nhiệm kỳ ‘sóng gió’ - Bài cuối: Coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực 
Những kết quả trong nửa nhiệm kỳ ‘sóng gió’ - Bài cuối: Coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực 

Đảng đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực với mục đích làm trong sạch Đảng. Mặc dù rất khó khăn, nhưng Đảng vẫn quyết tâm, càng ngày càng quyết tâm hơn, qua đó đã đạt được kết quả to lớn hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN