Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong chặng đường đổi mới hôm nay, vùng đất giàu truyền thống văn hiến đang có nhiều chuyển biến, phát triển theo hướng hiện đại và văn minh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đề nghị huyện Yên Mỹ cần tiếp tục tạo đột phá trong phát triển công nghiệp và đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phát triển thương mại dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; coi trọng sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới... nhằm tạo nền tảng để kinh tế xã hội phát triển toàn diện và bền vững.
Với vị trí nằm tiếp giáp Quốc lộ 5, có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chạy qua, đã tạo cho Yên Mỹ lợi thế trong thu hút đầu tư. Trên địa bàn huyện đã có tổng số hơn 300 dự án công nghiệp đã được bàn giao đất với diện tích hơn 800 ha. Có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động trên diện tích gần 400 ha. Trong đó khu công nghiệp Thăng Long 2 nằm trên địa phận huyện Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào với diện tích 350 ha do tập đoàn Sumimoto Nhật Bản đầu tư, đây là Khu công nghiệp hiện đại, tiêu biểu của cả nước, đã được lấp đầy. Khu Công nghiệp Yên Mỹ (Vigracera) với diện tích gần 190 ha đang triển khai và 11 cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên diện tích hơn 600 ha. Đáng chú ý, khu công nghiệp Lý Thường Kiệt đã được phê duyệt quy hoạch sử dụng đất với diện tích gần 200 ha sẽ là điều kiện quan trọng để Yên Mỹ phát triển lên một tầm cao mới.
Công nghiệp làng nghề các ngành nghề mới được du nhập, các làng nghề truyền thống phát triển như: Chế biến lương thực và kinh doanh tổng hợp thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ; nghề mộc, mỹ nghệ thôn Thụy Lân, xã Thanh Long, nghề đóng thùng bệ, sửa chữa ô tô xã Trung Hưng... Mỗi năm các làng nghề nay đã mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Về hạ tầng, đến nay tổng số nguồn lực huyện đã huy động được trên 1.160 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình trọng điểm gắn với xây dựng đô thị. Trong đó, thị trấn Yên Mỹ đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV; các xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp, Liêu Xá, Tân Lập đã được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, tạo thế bàn cờ, với gần 800 km đường kiên cố được nâng cấp, xây mới từ huyện đến các xã, thị trấn.
Nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: sản xuất rau an toàn tại xã Việt Cường, Yên Phú; trồng cây ăn quả tại các xã Minh Châu, Yên Phú, Hoàn Long. Đã có hơn 1.500 ha cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm; giá trị canh tác bình quân đạt hơn 170 triệu đồng/ha. Huyện phấn đấu hết năm 2019 có 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, để Yên Mỹ trở thành huyện nông thôn mới.
Huyện cũng coi trọng việc tu bổ, xây dựng các công trình di tích văn hóa lịch sử như: khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình... nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ.
Phát huy truyền thống là cái nôi quê hương văn hóa, với khởi điểm từ việc xây dựng nếp sống văn hóa ở xã Ngọc Long những năm 60 của thế kỷ trước, đến nay Yên Mỹ luôn quan tâm chăm lo xây dựng làng văn hóa theo hướng văn minh hiện đại. Trên địa bàn đã có 80/85 thôn đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, thực hiện tốt hương ước, quy ước và xây dựng khu dân cư "3 không": không tệ nạn xã hội, không ô nhiễm môi trường, không lãng phí, hủ tục lạc hậu trong việc cưới việc tang.
Tiếp tục chặng đường đổi mới, Yên Mỹ đang tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp và đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phát triển thương mại dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; coi trọng sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới... nhằm tạo nền tảng để kinh tế xã hội phát triển toàn diện và bền vững.