Trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Đà là chiến trường ác liệt. Nhiều mẹ, chị ban ngày làm việc đồng áng, ban đêm trở thành chiến sĩ giao liên gan dạ, đưa cán bộ vào vùng địch tạm chiếm, chuyển đi mệnh lệnh của cấp trên. Trước tình hình cấp bách của cách mạng, ngày 21/4/1968, Ban Giao vận Quảng Đà được thành lập. Với nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chuyển nhiều chuyến hàng “đặc biệt” vào tiền tuyến miền Nam, góp phần không nhỏ trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
55 năm sau Ngày thành lập, những chiến sĩ Ban Giao vận Quảng Đà năm xưa lại có dịp cùng nhau ôn lại kỷ niệm về một thời gian khó nhưng cũng rất đỗi tự hào. Hồi tưởng về năm tháng gian khổ của Ban Giao vận Quảng Đà, ông Nguyễn Đăng Lâm, Trưởng Ban liên lạc Giao vận Quảng Đà cho biết, những năm 1965 - 1968, ở khu vực Quảng Đà, các con đường vận chuyển vũ khí, lương thực luôn bị địch bắn phá. Do vậy, đơn vị liên lạc vận dụng mọi nhân lực, vật lực, tìm đủ cách để hàng hóa vận chuyển nhanh, bí mật và an toàn.
Khi bộ đội ta giải phóng Nhà lao Hội An, địch kiểm soát gắt gao, với yếu tố bất ngờ, Hội đồng cung cấp tiền phương đã chuẩn bị nhiều phương tiện, đón trên 1.200 tù nhân chính trị qua Xuyên Nghĩa về vùng giải phóng an toàn. Làm nhiệm vụ đưa bộ đội sang sông, có lúc yêu cầu tập kết nhiều súng đánh vào quận lỵ Hiếu Nhơn, bị địch phát hiện, anh em dũng cảm dùng thuyền máy lai dắt nhanh, rút về căn cứ an toàn.
Đặc biệt, trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Ban Giao vận Quảng Đà huy động lượng lớn phương tiện thủy bộ, vượt qua cứ điểm của địch, vận chuyển hơn 200 tấn hàng hóa các loại, gần 1.600 dân công làm đường, trên 200 thanh niên bổ sung cho các hành lang, 350 thanh niên cho lực lượng vũ trang. Trong cuộc chiến đó, phải kể đến tấm gương kiên cường và dũng cảm của anh Bhnước Bhuếch người Cơ Tu bị hỏng cả hai mắt vẫn miệt mài tham gia vận chuyển vũ khí cho cách mạng. Các phương án tải thương, tải đạn được phối hợp nhịp nhàng, góp phần làm nên Tổng tấn công Mậu Thân oai hùng.
Ông Nguyễn Đăng Lâm cho hay, năm 1969 - 1970 là thời điểm ác liệt nhất của chiến trường Quảng Đà. Địch tổ chức trận càn quét đẫm máu, dồn dân vào các ấp chiến lược, thực hiện “tát nước, bắt cá” cách ly với cách mạng. Ở vùng giải phóng, Mỹ Ngụy thực hiện chính sách “tam quang” (đốt sạch, giết sạch, phá sạch), cắt đường tiếp tế, thường xuyên phục kích đánh phá khiến các lực lượng giao vận gặp nhiều khó khăn. Bom đạn, chất độc hóa học hủy diệt kèm theo nạn đói và sốt rét rừng hoành hành dữ dội. Có lúc, anh em vừa kiếm rau, củ rừng để sống vừa sẵn sàng chiến đấu. Trước tình hình đó, Đặc Khu ủy Quảng Đà yêu cầu Ban Giao vận cùng hậu cần Mặt trận 4 tìm cách soi đường, tổ chức vận chuyển gạo, mắm, muối... tiếp tế kịp thời cứu đói cho lực lượng ta.
Từng tham gia Ban Giao vận Quảng Đà với nhiệm vụ khảo sát mở đường Trường Sơn, ông Trần Quang Tuấn (sinh năm 1956) chia sẻ, năm 1972, Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam. Tuy nhiên, Nguỵ quyền theo chỉ đạo của Mỹ đã phá hoại hiệp định, thực hiện kế hoạch tràn ngập lãnh thổ, lấn chiếm vùng giải phóng... Lực lượng vũ trang của Ban Giao vận đã ở tuyến trước vừa giữ vững mạch máu giao thông, củng cố các tuyến đường nối với trục đường chiến lược 559 vừa cấp tốc mở nhanh nhánh đường xuống đồng bằng để lực lượng cơ giới chuyển hàng đến các kho cất giấu. Hàng nghìn dân công hỏa tuyến được huy động bạt núi, mở rộng đường, khôi phục đoạn đường 14, tu sửa trên 200km đường liên huyện, xã, vận chuyển gần 400 tấn hàng gồm vũ khí, lương thực chuẩn bị cho chiến dịch.
Trong hai năm 1974 - 1975, Ban Giao vận đã mở thêm nhiều tuyến đường quan trọng để vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm… góp phần làm nên thắng lợi ở chiến dịch giải phóng Nông Sơn, Thượng Đức và giải phóng Đà Nẵng.
Tham gia Ban Giao vận Quảng Đà năm 1974, với nhiệm vụ mở đường, bà Lê Thị Kim (sinh năm 1954) cho biết, những năm tháng công tác tại Ban Giao vận rất gian khổ, nguy hiểm rình rập nhưng đơn vị luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Với phương châm “bí mật bất ngờ”, Ban Giao vận Quảng Đà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở các tuyến đường quan trọng như: Đường Thắng Lợi dài hơn 45 km, đường Quyết Thắng dài gần 76 km, đường Khe Hoa dài 20 km, đường Thạnh Mỹ - Bến Giằng - Ngã Ba Khâm Đức dài 26 km...
Ban Giao vận Quảng Đà đã có trên 150 liệt sỹ ngã xuống, gần 700 thương bệnh binh, hàng trăm anh chị bị ảnh hưởng chất độc da cam. Các cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng quê hương, được Nhà nước tặng thưởng 10 Huân chương Giải phóng, hai Huân chương Quyết thắng, hai Huân chương Chiến công, trên 500 Huân, Huy chương Kháng chiến các loại. Tháng 12/2014, Đảng, Nhà nước đã phong tặng Ban Giao vận Quảng Đà danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trưởng Ban liên lạc Ban Giao vận Quảng Đà Nguyễn Đăng Lâm bồi hồi chia sẻ, năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi vĩ đại của nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang sử chói lọi nhất, biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam.