Theo đó, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 có 9 trường hợp phải đến bệnh viện khám, cấp cứu do pháo nổ. Đặc biệt đối tượng bị tai nạn pháo nổ chủ yếu là trẻ em với các thương tích như bỏng tay, bỏng mắt, bỏng da do nổ pháo tại nhà. Ngay trong đêm 30 Tết, các bác sỹ Bệnh Đa khoa Xuyên Á, TP Hồ Chí Minh đã cấp cứu cho bệnh nhân Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 2005, ngụ huyện Củ Chi bị bỏng mắt do nổ pháo. Do vết thương khá nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, nên các bác sỹ đã yêu cầu bệnh nhân nhập viện và điều trị tích cực trong những ngày Tết.
Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng tiếp nhận 300 trường hợp ẩu đả phải nhập viện điều trị nội trú, trong đó có 16 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên do bị đâm, chém tạo ra những vết thương nguy hiểm như chấn thương đầu, bị đâm thấu tim.
Cùng với ẩu đả và pháo nổ, trong 6 ngày nghỉ Tết vừa qua, các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 16.499 trường hợp khám cấp cứu, giảm 16,3% so với năm 2017. Trong đó, gần 1.500 bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông với 5 ca tử vong; 1.642 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt; 262 trường hợp ngộ độc thức ăn; 6 trường hợp ngộ độc do rượu; 252 trường hợp do rối loạn tiêu hoá. Các bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho 1.676 trường hợp, trong đó có 6 ca chấn thương sọ não.
Riêng tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, theo bác sỹ Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, từ ngày 28 đến Mùng 4 Tết bệnh viện này tiếp nhận 974 trường hợp cấp cứu, trong đó khoảng 50% trường hợp là do tai nạn giao thông. Số lượng bệnh nhân phải cấp cứu trong những ngày Tết tại bệnh viện này năm nay giảm hơn 10% so với Tết Đinh Dậu năm 2017.
Trong khi đó, theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trong suốt 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất có 113 trường hợp nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết, 37 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, toàn Thành phố không phát sinh chùm ca bệnh hoặc ổ dịch bệnh nào.