Hai huyện, thành phố của tỉnh Kiên Giang về đích nông thôn mới
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 669/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 công nhận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và Quyết định số 671/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 công nhận thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Vĩnh Thuận, thành phố Hà Tiên tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận được đầu tư cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm, khu dân cư đều được chỉnh trang đảm bảo sạch, đẹp và trồng hàng rào cây xanh.
Đến nay, toàn huyện đã có 100% số xã, với 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Phát triển kinh tế hợp tác gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được huyện Vĩnh Thuận quan tâm, hiện trên địa bàn huyện có 17 hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã này chủ yếu là sản xuất cây trồng – thủy sản chủ lực của huyện như nuôi tôm nước lợ, trồng lúa… thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, đã giúp người dân nâng cao thu nhập, hiện đạt mức bình quân 51,5 triệu đồng/người/năm.
Thành phố Hà Tiên có hai xã Thuận Yên và Tiên Hải được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo của hai xã nông thôn mới Thuận Yên và Tiên Hải chiếm 1,07%.
Hai thị xã của Gia Lai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký 2 Quyết định số 670/QĐ-TTg và 672/QĐ-TTg công nhận thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa, tỉnh Giai Lai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, An Khê và Ayun Pa đã huy động nhiều nguồn lực từ trung ương, tỉnh, thị xã cùng sự tham gia đóng góp tích cực của người dân. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ở 2 địa phương đã có sự phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Đến cuối năm 2019, 5 xã của thị xã An Khê, 4 xã của thị xã Ayun Pa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Ngày 2/6, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký quyết định số 668/QĐ-TTg và 673/QĐ-TTg công nhận huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Ninh Bình có trách nhiệm công bố, khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Bình Tân và huyện Nho Quan tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Với nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Nho Quan là huyện miền núi có nhiều khó khăn, nhưng sau gần 11 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm của tỉnh và sự nỗ lực quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Nho Quan, đến nay hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được tăng cường, hệ thống đường giao thông, thủy lợi được cải tạo, nâng cấp; công sở, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa được đầu tư đủ điều kiện cho làm việc, sinh hoạt văn hóa. Sản xuất có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 51 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 1%. Chất lượng giáo dục, đào tạo luôn được duy trì và từng bước nâng cao. Hệ thống khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được củng cố và tăng cường cả về vật chất, đội ngũ cán bộ y tế; vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đến nay, toàn huyện có 26/26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.