Bên lề Kỳ họp Quốc hội, sáng 1/11, phóng viên TTXVN đã trao đổi với đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV để nhận định thách thức cũng như giải pháp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, đại biểu dự báo lạm phát năm 2023 như thế nào?
Khi lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đang cao, lạm phát của Việt Nam giữ được như hiện nay là thành công. Tuy nhiên, không thể chủ quan với cảnh báo về rủi ro lạm phát có thể xuất hiện trở lại.
Lạm phát một phần do Chính phủ nới chính sách tiền tệ, tung một lượng tiền lớn ra thị trường, thứ nữa là lạm phát thế giới kéo dài và đã tác động đến trong nước.
Lúc này, việc kiểm soát rủi ro cũng gặp nhiều thách thức khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2% nhưng một số yếu tố cơ bản đẩy lạm phát đang ở mức 4,38%. Khi lạm phát cơ bản cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng.
Vậy, theo đại biểu yếu tố nào tác động đến kiểm soát lạm phát hiện nay?
Mặc dù lạm phát gặp nhiều thách thức, song Chính phủ vẫn có khả năng giữ mức lạm phát trong khung Quốc hội cho phép. Theo đó, bài toán Chính phủ cần giải quyết làm thế nào để hài hòa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu giữ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong kiềm chế lạm phát, việc vận dụng hài hòa chính sách tài khóa - tiền tệ mang yếu tố then chốt, đặc biệt cần linh hoạt khi chính sách tiền tệ đang nới lỏng. Chính phủ cần phải tính toán, cân đối chính sách khi lượng tiền cung ra ở mức phù hợp thì phải có biện pháp điều hòa dòng tiền.
Với tôi, ổn định vĩ mô trước, kiềm chế lạm phát trước, tăng trưởng cố gắng ở mức cao nhất, không nên hy sinh mục tiêu vĩ mô cho tăng trưởng.
Về phía đại biểu có đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát như thế nào để đạt mục tiêu cả năm 4,5% như Quốc hội đặt ra?
Cùng với việc điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ phải có giải pháp ứng phó với những biến động, tác động của giá cả thị trường thế giới. Tất nhiên, chỉ hạn chế mức nào đó, vì hiện Việt Nam hội nhập rất sâu rộng nên biến động thị trường thế giới đã tác động mạnh đến thị trường trong nước và lạm phát, đặc biệt với giá nhiên liệu, nguyên liệu, vật tư đầu vào.
Riêng về nguyên nhiên liệu, Chính phủ có chính sách bình ổn giá nhưng không thể giải quyết tổng thể vấn đề về thị trường. Tới đây, Chính phủ cần phải tính đến việc sử dụng công cụ giá linh hoạt hơn, tránh những cú sốc, biến động bên ngoài.
Đối với giá vật tư đầu vào, phải đa dạng hóa nguồn cung, tiếp cận nguồn giá rẻ nhất để thị trường đầu vào của các doanh nghiệp thấp nhất, đạt hiệu quả. Đây là bài toán mỗi doanh nghiệp phải đặt ra, nhà quản lý vĩ mô chỉ hướng chính sách, không thể làm thay doanh nghiệp. Thực tế, giá cả thị trường thế giới thay đổi, biến động vào lạm phát thì không thể có biện pháp nào chặn được mà chỉ có thể hạn chế.
Xin cảm ơn đại biểu!