Số liệu từ Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có 360.200 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, có trên 120.000 ha rừng dễ cháy (102.000 ha rừng trồng và 18.000 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt giang, nứa, gỗ) trải đều trên địa bàn 12 huyện, thị xã. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan gây ra cháy rừng như tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện địa hình đồi núi hiểm trở còn những yếu tố chủ quan khiến rừng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy hơn.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) Nguyễn Hải Vân, trong tổng số 10.000 ha rừng đơn vị đang quản lý có đến 120 km đường biên giáp với khu dân cư, nhà ở của dân. Đơn vị đã phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết, nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân. Song trên thực tế, ý thức, trách nhiệm của một số người dân sống gần rừng, ven rừng chưa cao, còn vi phạm các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy rừng như: tự ý xử lý thực bì bằng lửa, đốt ong, đốt bờ ruộng, vườn… trong thời gian cao điểm nắng nóng, gây cháy rừng.
Điển hình là hành vi gom rác ở trong vườn để đốt của Phan Ðình Thành (xóm 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Mặc dù khi xảy ra hỏa hoạn, Thành đã dùng xô múc nước và hô hoán mọi người đến để dập lửa nhưng với điều kiện thời tiết nắng nóng, gió Lào thổi mạnh, lớp thực bì dưới tán thông dày rất khó kiểm soát được ngọn lửa. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Thành để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, hậu quả từ hành vi của đối tượng Thành gây ra là rất lớn.
Bên cạnh đó, dù các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho chữa cháy rừng như: máy thổi gió, cưa xăng, loa chỉ huy, dao, rựa, bàn dập… đã được bổ sung mua sắm hàng năm nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, với những đám cháy lớn, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chữa cháy còn thiếu nhiều. Để ứng phó với 120.000 ha rừng dễ cháy, lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn Hà Tĩnh mới chỉ được trang bị 378 máy thổi gió, 103 cưa xăng.
Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, các địa phương, chủ rừng thiếu kinh phí để xây dựng hệ thống đường băng ngăn lửa đảm bảo đúng quy định nên việc ngăn chặn cháy lan giữa các khu vực còn hạn chế. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh mới xây dựng được 176,38 km đường băng cản lửa; 25 chòi canh lửa; 120 biển tường cố định; 1.311 biển cấm lửa.
Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đang phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thống kê tình hình thiệt hại và xây dựng phương án khắc phục những cánh rừng bị cháy. Cùng với việc đánh giá nguyên nhân, hạn chế trong công tác phòng chống cháy rừng, nhiệm vụ khôi phục rừng bị cháy cũng đang được đặt lên hàng đầu.