Lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Bồ đang tiếp tục lên, sông Thạch Hãn đang lên lại, các sông khác ở Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế đang dao động ở mức cao, các sông ở Quang Nam, Quảng Ngãi đang xuống.
"Trong trận lũ này, mực nước đỉnh lũ tại trạm Đông Hà trên sông Hiếu (Quảng Trị) đã vượt lũ lịch sử năm 1983 là 0,11m. Đây là mực nước cao nhất của đợt mưa lũ từ ngày 6 - 9/10 và đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được tại trạm. Hiện nay, khí quyển đã chuyển sang trạng thái La Nina (thuộc dòng biển lạnh làm lạnh nhiệt độ của những vùng mà nó đi qua), do đó từ nay cho đến cuối năm 2020, tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp và nhiều khả năng xuất hiện thêm các đợt mưa lũ lớn ở khu vực này", ông Long nhấn mạnh.
Nhận định về nguyên nhân xảy ra mưa lớn và kéo dài, ông Long cho rằng, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ (trên dải hội tụ nhiệt đới tồn tại các vùng áp thấp) và kết hợp với hoạt động của không khí lạnh. Nếu so sánh đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi trong đợt lũ này (từ 6 - 9/10) với đỉnh lũ cao nhất năm 2017 thì phổ biến ở mức thấp hơn, riêng sông Kiến Giang và Thạch Hãn ở mức cao.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên trong đêm 9 và ngày 10/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 250mm, có nơi trên 300mm; ở phía Nam Nghệ An, tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50 - 100mm, có nơi trên 100mm.
Theo ông Vũ Đức Long, hiện dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12 - 15 độ vĩ Bắc nối với một vùng áp thấp trên khu vực giữa biển Đông, vùng áp thấp ngày có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới/bão. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, từ ngày 11 - 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Trong những ngày tới tình hình lũ trên các sông ở khu vực Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, lũ trên các sông có khả năng lên trở lại. Các địa phương ở khu vực này cần chú ý theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo và chủ động phòng chống với tình huống lũ lớn diễn ra trên diện rộng có thể tiếp tục xảy ra.