Nhân rộng khoán xe công, siết kỷ luật chi ngân sách

Đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước (NSNN) cho biết, dự toán năm 2017, Bộ Tài chính không bố trí tiền cho các Bộ mua xe cho cấp Thứ trưởng trở xuống nhằm giảm số đầu xe công và tiết kiệm tiền mua sắm, sử dụng xe công từ năm sau trở đi.

Phấn đấu giảm 30 - 50% lượng xe ô tô

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bộ Tài chính tiên phong khoán kinh phí sử dụng xe công từ tháng 10/2016 sẽ tiết kiệm được trong quá trình sử dụng tài sản công nhưng nhìn rộng hơn là hướng tới thay đổi quan niệm cố hữu bấy lâu nay về cách thức cung cấp dịch vụ công. Việc nhân rộng khoán xe công hy vọng không chỉ dừng lại ở dịch vụ đưa đón cán bộ tại nhà nữa mà có thể mở rộng, áp dụng thêm với các dịch vụ công khác nữa nhằm tiết kiệm NSNN. 

Nhằm giảm xe công, Bộ Tài chính không bố trí tiền mua xe cho cấp Thứ trưởng trở xuống.


“Cách tính toán của Bộ Tài chính là căn cứ cự ly thực tế từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà của các lãnh đạo được khoán, tính theo giá taxi thông thường tại Hà Nội để đề ra mức khoán. Do đó đồng chí nào nhà ở xa sẽ có mức khoán cao hơn, nhà gần có mức khoán thấp hơn, có đồng chí ở gần chỉ nhận mức khoán 2 - 3 triệu đồng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải khẳng định.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Đây là bước đi nhỏ nhưng là tiền đề để thay đổi từ tư duy đến việc làm ở các cơ quan Nhà nước; bớt đi những ưu tiên, đặc quyền, đặc lợi, nhằm tiết kiệm hơn chi tiêu ngân sách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi đã tiên phong thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày với chức danh thứ trưởng và lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ thuộc Bộ. Trên cơ sở đó, năm nay sẽ tiếp tục mở rộng chính sách khoán xe công đi công tác trong nội thành đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô đi công tác”.

Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 32/2015/QĐ - TTg theo hướng tiếp tục cắt giảm xe ô tô công, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30 - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương; xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ô tô phục vụ công tác chung.

Sau thành công bước đầu cũng như được dư luận đánh giá cao việc khoán xe công của Bộ Tài chính, lãnh đạo Bộ đã tiếp tục yêu cầu mở rộng diện khoán xe với doanh nghiệp trong ngành và siết việc dùng xe đưa đón không đúng quy định.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu, các doanh nghiệp thuộc Bộ là: Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX), Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) sắp xếp và xử lý số lượng xe ô tô và lái xe hiện có, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, theo đúng tiêu chuẩn, định mức.

Đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Tài chính là: Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị ban hành cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với các chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.

Theo Kho bạc Nhà nước, tính đến hết tháng 10/2016, nhờ siết lại việc mua sắm ô tô công, giúp giảm chi NSNN cho mua ô tô là 118,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Để nhân rộng việc tiết kiệm chi hiệu quả, Bộ Tài chính cũng phát đi văn bản đề nghị các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, bố trí sử dụng ô tô đảm bảo hiệu quả.

Hà Nội khoán xe công từ 1/7

Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc thí điểm khoán xe công bắt đầu được triển khai tại 4 sở và 4 quận, huyện ở Hà Nội với kinh phí 9 triệu đồng/người/tháng đối với các đơn vị là: 4 sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; 4 quận, huyện gồm: Gia Lâm, Thanh Trì, Hà Đông, Long Biên kể từ đầu năm nay. Mô hình này sẽ chính thức áp dụng trên toàn thành phố từ 1/7/2017.

Theo đó, các đơn vị vẫn giữ 2 xe công theo quy định cho 2 lãnh đạo. Những lãnh đạo còn lại sẽ nhận khoán. Lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên được trang bị ô tô phục vụ công tác chung mới được thí điểm khoán kinh phí.

Theo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), hiện cả nước có 37.772 chiếc, với tổng nguyên giá gần 23.000 tỷ đồng trong đó, xe phục vụ chức danh 900 chiếc, xe phục vụ công tác chung 23.959 chiếc và xe chuyên dùng 12.913 chiếc.

“Đây là chủ trương khoán kinh phí xe công hợp lý và về cơ bản, quận hoàn toàn thống nhất với ý kiến của thành phố và sẽ triển khai ngay khi có văn bản hướng dẫn cụ thể”, lãnh đạo quận Hà Đông nói.


Một lãnh đạo đơn vị thí điểm tại Hà Nội chia sẻ: Hiện ngân sách thành phố đã giao rồi và sẵn sàng thực hiện. Đối với đội ngũ lái xe dư khi khoán kinh phí mới sẽ đề xuất với thành phố chuyển những lái xe đó sang một số đơn vị sự nghiệp, ví dụ các ban quản lý dự án, phòng văn hóa, thể thao của huyện.


Với cách khoán này của Hà Nội và Bộ Tài chính, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để chủ trương này phát huy hiệu quả tiết kiệm ngân sách, chống lãng phí thì cần phải rà soát, cắt giảm ngay lượng xe công và viên chức lái xe dư thừa. “Nếu không, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào tình trạng vừa mất tiền khoán xe, lại vừa mất thêm tiền nuôi xe công và lái xe, dù cả người và xe ngồi chơi xơi nước”, PGS. TS Ngô Trí Long nói.

Minh Phương
Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 97.400 tỷ đồng
Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 97.400 tỷ đồng

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong tháng đầu năm 2017, nhìn chung tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN); cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách chính quyền địa phương các cấp được đảm bảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN