Chiến tranh đã lùi xa, những nơi trước đây từng là chiến trường ác liệt thì nay mọc lên trường học, bệnh viện, những công trình xã hội phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, những tác động của chiến tranh không hẳn đã hết, bom mìn còn sót lại chưa nổ nằm sâu trong lòng đất, đặc biệt là di chứng của việc sử dụng thuốc khai quang, chất diệt cỏ gây ra những “nỗi đau da cam” cho con người. Tin Tức Cuối tuần xin giới thiệu một số hình ảnh của những người trong cuộc đang phải chịu ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin và ý kiến của những người yêu hòa bình, ủng hộ cho việc tìm công lý cho những nạn nhân da cam.
Các nạn nhân Việt Nam cần sự giúp đỡ của chúng tôi
Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh- Việt, một người bạn lâu năm của người dân Việt Nam, đặc biệt là với các nạn nhân chất độc da cam điôxin. Ông đang có mặt ở Hà Nội để dự Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam do Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Trên diễn đàn quốc tế cũng như trả lời phỏng vấn các phóng viên báo chí, ông luôn dành tình cảm sẻ chia sâu sắc với nỗi đau khổ của các nạn nhân da cam. Ông khẳng định rằng: “Hoa Kỳ phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Đó là nghĩa vụ đạo đức, sớm hay muộn điều đó phải được thực hiện”.
Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn và thường xuyên đến Việt Nam để tìm cách giúp đỡ các nạn nhân da cam. Ông bảo rằng: Ở Việt Nam có gần 4 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, các nạn nhân ở mọi lứa tuổi, họ sống trong nghèo khó, bệnh tật và rất cần sự giúp đỡ. Quá nhiều nạn nhân da cam cần giúp đỡ, họ cần bệnh viện, nhà ở, nhà an dưỡng cho các ông bố bà mẹ đang chăm sóc những đứa con dị dạng, bệnh tật 24 giờ trong ngày và làm từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Chính phủ Việt Nam cũng đã hết sức chăm lo cho các nạn nhân nhưng có quá nhiều người cần giúp đỡ, Việt Nam không thể làm điều đó một mình, họ cần sự giúp đỡ của chúng tôi.
Với cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam, ông nói rằng: “Xin đừng ngần ngại quy tội cho những người phải chịu trách nhiệm về tội ác mà đến 50 năm sau vẫn đang giết hại người dân Việt Nam và để lại thương tật nặng nề cho hàng triệu người khác. Với tư cách, nghĩa vụ của một người bạn lâu năm, tôi bày tỏ quan tâm về việc 50 năm qua rồi mà các nạn nhân Việt Nam, gia đình họ vẫn bị từ chối quyền công lý mặc dù bạn bè quốc tế đã hết sức ủng hộ, nhiều nghị sỹ Hoa Kỳ cũng ủng hộ các nạn nhân Việt Nam song vụ kiện vẫn bị Tóa án tối cao Hoa Kỳ từ chối.
Ngày 10/8/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới thăm hỏi và động viên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đào tạo Tỏa Sáng, Nguyễn Sơn Lâm, một chàng trai cao 83 cm, nặng 27 kg đã vươn lên chiến thắng chất độc da cam/điôxin. Ảnh: Lê Phú |
Ông Len Aldis chính là người khởi xướng việc kêu gọi cộng đồng yêu chuộng hòa bình, nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới ký tên trực tuyến trên mạng Internet nhằm ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành công lý. Rất tiếc là trang web ký tên online đó đã bị tin tặc (hacker) đánh sập khi đạt đến con số hơn 1 triệu chữ ký trên mạng. Hiện nay, ông Len Aldis đã khởi động lại việc thu thập chữ ký online ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trên website của Hội Hữu nghị Anh - Việt ở địa chỉ http://www.lenaldis.co.uk/ > hiện nay, số người ký tên ủng hộ đã là 3.640.
Nghị lực phi thường của một cựu chiến binh trong “cuộc chiến” với chất độc da cam
Chiến tranh đã lùi xa, những cựu chiến binh năm xưa giờ trở về với cuộc sống thời bình, mong muốn tìm được chốn bình yên hạnh phúc. Nhưng ít ai biết rằng trong số họ, có người vẫn đang hàng ngày tiếp tục bước vào một “cuộc chiến” mới. Đó là “cuộc chiến” với chất độc da cam/điôxin mà cựu Thượng sĩ Nguyễn Mạnh Hoanh (thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) là một minh chứng.
Gặp ông vào những ngày đầu tháng 8, trời Quảng Bình sụt sùi những cơn mưa nặng hạt, trong ngôi nhà nhỏ vẫn thấy ông cặm cụi thêm lửa cho nồi cháo thịt lợn đang nghi ngút khói. Thi thoảng ông Hoanh lại chạy vào bên giường nằm, nơi có hai cậu con trai luôn há hốc miệng, chân tay co rúm lại. Những người con của ông Hoanh đang đợi những muỗng cháo run lên từ tay người cha của mình. Thấy có khách, ông Hoanh vội vã lau bàn tay ướt át của mình vào vạt áo rồi ngồi khép mình, rót nước tiếp chuyện.
Trở về từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1977 ông Hoanh lập gia đình với cô giáo làng Nguyễn Thị Em. Tưởng rằng tiếng cười hạnh phúc sẽ luôn luôn đầy ắp trong ngôi nhà nhỏ ấy, nhưng ai ngờ nỗi buồn lại đến nhanh khi đứa con trai đầu lòng ngày càng khô héo, teo tóp chân, tay... Cháu đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin. Tiếc thay, 4 đứa con của ông bà cứ lần lượt ra đời, nhưng trong số đó chỉ có Nguyễn Thúy Hằng (SN 1979) và Nguyễn Thái Cường (1982) khá “lành lặn”, còn Nguyễn Thái Bình và Nguyễn Thái Phương do di chứng chất độc da cam/điôxin quá nặng nên không còn khả năng lao động, chỉ biết nằm co quắp trên giường, mọi sinh hoạt cá nhân đều trông chờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ.
Cuộc sống gia đình ông Hoanh vốn đã khó khăn nay càng khó khăn thêm bội phần, ngoài việc chăm lo cái ăn, cái mặc cho mọi người trong gia đình, ông còn phải lo tiền thuốc thang để chạy chữa cho những người con bị bệnh. Cũng chính vì vậy, Hằng và Cường - những người con lành lặn nhất trong gia đình ông Hoanh được đi học cũng lại là gánh nặng vì chuyện học phí, tiền sách vở bút mực... Hàng ngày bà Em một buổi đi dạy, còn một buổi ở nhà phụ giúp chồng đi làm thuê với đủ nghề từ phụ hồ đến buôn bán rau ngoài chợ. Ông bà xoay đủ nghề nhưng vẫn không đủ ăn. Ông Hoanh quyết định vay tiền ngân hàng được 5 triệu đồng mạnh dạn đầu tư phát triển gà đàn, vịt đàn, nuôi lợn nái cùng với hơn 3 sào ruộng của gia đình với phương châm "Lấy ngắn nuôi dài"... Nhờ vậy gia đình ông thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Từ đây, gia đình ông không những có tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình, mua thuốc chữa bệnh cho con mà còn lo cho hai đứa con lần lượt vào đại học. Nay hai đứa con ông đều đã có nghề nghiệp ổn định.
Người mẹ mù và 3 người con nhiễm chất độc da cam
Con đường vào ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang gập ghềnh, khúc khuỷu dẫn chúng tôi đến căn nhà lợp tôn nhỏ nằm lọt thỏm cuối xóm nghèo. Người phụ nữ chủ nhà dáng người nhỏ bé, đôi mắt mù lòa đang ngồi trước cửa là bà Danh Thị Liễu, là người mẹ của ba đứa con tật nguyền bị nhiễm chất độc da cam.
Chất độc da cam/điôxin (thường gọi là chất độc da cam) là cụm từ chỉ các chất độc chứa điôxin. Điôxin là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Với liều lượng cỡ 1 picogram (phần ngàn tỷ gram) điôxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục nanogram (phần tỷ gram) điôxin có thể lập tức gây chết người. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chỉ cần 85 gram điôxin là có thể giết chết toàn bộ số dân một thành phố khoảng 8 triệu người. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg điôxin xuống gần 26.000 thôn, bản với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. |
Gương mặt khắc khổ, gầy gò, bà Liễu ngồi bên cạnh 3 đứa con ngây ngô, đôi mắt vô hồn, vừa mò mẫm chải tóc cho chúng, vừa kể về cuộc đời bất hạnh của mình. Bà kể: Được cha mẹ hai bên ưng thuận, bà về nhà ông Quý làm vợ. Hai vợ chồng nghèo, làm thuê kiếm sống hàng ngày. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, 2 đứa con đầu bụ bẫm như bao nhiêu đứa trẻ khác, nhưng 3 đứa con kế tiếp là Danh Ngọc Bình, Thị Dàng, Danh Ngọc Ánh khi sinh ra có hiện tượng không bình thường, tay chân teo tóp, càng lớn trí nhớ của chúng càng mất đi, lớn lên chúng cũng chỉ ngồi một góc giường, cơ thể mềm oặt, đau ốm quanh năm, mọi sinh hoạt đều không thể tự lo liệu. Nuôi 6 đứa con đối với bà Liễu quả là một gánh nặng, khi chỉ có 1 công đất. Các con còn nhỏ, bà Liễu làm mướn lo cơm áo gia đình, ông Quý ở nhà chăm sóc con, chia sẻ gánh nặng cùng vợ. Nhưng rồi người chồng thay đổi tính tình, không những không thương vợ con mà còn ăn nhậu nhiều và luôn đe dọa, đánh đập bà. Công đất ruộng duy nhất của cả gia đình ông cũng bán đi. Rồi 2 đứa con gái lớn lấy chồng, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai gầy của người mẹ. Hàng ngày bà phải tắm giặt, thay đồ, phục vụ cơm nước cho 3 đứa con ngây ngô, đau yếu. Mọi chi phí sinh hoạt, thuốc men của hai con đều trông vào những đồng tiền làm mướn ít ỏi của bà. Nhiều bữa con thiếu ăn, bà phải chạy vạy khắp nơi vay mượn. Nỗi bất hạnh chẳng buông tha khi năm 2008, do bị huyết áp cao, bà bị mù cả 2 mắt... Hiện cuộc sống của cả gia đình chỉ trông vào tiền trợ cấp cho các con. Căn nhà xiêu vẹo ngày nào, hiện nay đã được một đơn vị xây tặng để cả 4 mẹ con trú mưa nắng. Danh Thị Hoàng Na, cô con gái lớn giờ phải đi chợ mua thức ăn, nấu nướng cho 4 mẹ con. Mỗi bữa chị lại cầm 4 tô cơm bón cho 4 con người khốn khổ… Đó là những hình ảnh minh chứng cho tội ác chiến tranh do chất độc da cam/điôxin.
Lê Sen, Phan Đình Quân, Thanh Giang