Hiện nay cụm từ “lợi ích nhóm” xuất hiện khá nhiều, không chỉ trong các bài phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trên các trang báo, các chuyên đề khoa học, mà trong cả suy nghĩ của người dân. Từ sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến vấn đề “lợi ích nhóm”, chúng ta rất cần nhìn nhận vấn đề này một cách khoa học, chính xác.
Tuy nhiên, trên thực tế chưa có nhiều bàn luận khoa học về vấn đề này, cũng như cách hiểu và cách nhận biết về “lợi ích nhóm” chưa thống nhất, gây khó khăn không chỉ cho những người làm công tác tuyên truyền, công tác triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng, làm trong sạch bộ máy nhà nước mà còn gây nghi ngờ, bức xúc trong nhân dân.
Do vậy, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo “Nhận diện lợi ích nhóm” (ảnh), thu hút đông đảo các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham dự.
Nhận diện
Trong báo cáo khai mạc Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc…
Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức”. Chiều 26/11/2012, trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Vĩnh Long, khi bàn đến vấn đề quan tâm chăm lo xây dựng Đảng, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: “Cần phải có cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chống lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm”.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối năm 2012, trả lời câu hỏi của nhiều cử tri về lợi ích nhóm là gì, xảy ra ở đâu, ngành nào, gây hậu quả như thế nào và đã có biện pháp gì để hạn chế lợi ích nhóm hay chưa?... Ảnh hưởng từ xã hội đến gia đình, thân nhân của lợi ích nhóm ra sao?… Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, đi đâu ông cũng nghe bà con cử tri hỏi những vấn đề này. Nghe thì đơn giản, trả lời thì cực kỳ khó.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu đại ý: “Tôi đã cho trợ lý kiểm tra, thấy chúng ta chưa có một định nghĩa đầy đủ trong từ điển về cụm từ “lợi ích nhóm”. Tôi có thể giải thích cơ bản thế này, lợi ích nhóm là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân.
Kết quả khảo sát xã hội học năm 2012 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, khi được hỏi về nhóm lợi ích, đại đa số đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp đều chung nhận định: Nhóm lợi ích cơ bản là tốt, nó có thể giúp những doanh nghiệp yếu tăng tiềm lực, khả năng cạnh tranh… và sẽ góp phần tăng khả năng đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nếu nhóm lợi ích được hình thành để phục vụ cho lợi ích của một cá nhân hay một nhóm cá nhân thì sẽ dẫn tới nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã hội, làm hao mòn nền kinh tế. Nhiều cử tri yêu cầu khoa học hóa khái niệm lợi ích nhóm để tìm ra những ký sinh trùng hủy hoại xã hội, đất nước.
Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung trao đổi về bản chất, tác động của lợi ích nhóm đến xã hội, đất nước và phát triển kinh tế ở Việt Nam; các dạng thức biểu hiện của lợi ích nhóm và tác hại của chúng, xu hướng phát triển của các dạng lợi ích nhóm ở Việt Nam. Nguyên nhân tồn tại các loại lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay, lợi ích nhóm và vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên.
Lợi ích nhóm làm tăng tình trạng tham nhũng
Gửi tới hội thảo tham luận “Tác động của lợi ích nhóm đến phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Sinh Cúc, Tổng cục Thống kê cho rằng: Nhóm lợi ích hay lợi ích nhóm được hiểu đơn giản là nhóm bao gồm những người có cùng những lợi ích với những hoạt động, sự kiện, hoặc một đối tượng nào đó. Như vậy, sự tồn tại của các nhóm lợi ích là khách quan và luôn hình thành trong đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia ở các hình thái xã hội dù chế độ chính trị khác nhau. Các nhóm này gắn bó với nhau, cùng nhau bảo vệ và mở rộng những lợi ích của họ. Xét về tác động của lợi ích, lợi ích nhóm có hai mặt tích cực và tiêu cực và tác động đối với lợi ích chung của xã hội, với quốc gia cũng theo hai mặt đó ở mức độ, nội dung và phạm vi khác nhau.
Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Cúc, “lợi ích nhóm” là căn bệnh được lập trình sẵn của mọi nền kinh tế thị trường, nhất là các nền kinh tế chuyển đổi. Việt Nam cũng không ngoại lệ, và không có lựa chọn nào khác là phải đối diện và chuẩn bị hứng chịu những cơn gió lạnh của nhóm lợi ích. Lợi ích nhóm tiêu cực biểu hiện trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Ở nước ta, trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế, nhóm lợi ích tiêu cực ngày càng bộc lộ tính nguy hiểm cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Thời gian qua, với những thông tin truyền đi trên hệ thống thông tin đại chúng, có những tập đoàn kinh tế mạnh, những ngân hàng có tiềm năng, những cấu kết nhóm trong đầu tư kinh doanh bất động sản, chia nhau đất đai, tài nguyên rừng đã bị đánh gục bởi trong lòng nó chứa đựng nhóm lợi ích tiêu cực, tham nhũng, bòn rút tài sản, ngân sách quốc gia… Sự móc nối của nhóm lợi ích tiêu cực đã gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, cho sự an nguy của đất nước.
Tham luận tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng: Tham nhũng thông qua “lợi ích nhóm” là một thực tế. Do hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, đối tượng là một bộ phận cán bộ có chức, quyền nhưng đã biến chất, thoái hóa nên việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đều biết, tham nhũng và nhóm lợi ích có quan hệ liên kết nhóm.
Không có liên kết nhóm thì không có các yếu tố sinh ra tiêu cực trong lợi ích nhóm. “Lợi ích nhóm” thực chất là sự câu kết của những cán bộ có quyền lực, có nguồn lực tài chính, đương chức thoái hóa biến chất với những kẻ lợi dụng những người này để có những chính sách có lợi cho mình. Đơn giản thì chỉ cần một chữ ký, một cái thư tay để thuận tiện trong việc cấp đất, cấp dự án cũng sẽ đem lại những lợi ích vô cùng lớn, nhưng không phải cho nhân dân mà cho một nhóm nhỏ.
Liệu pháp làm giảm tác động tiêu cực của lợi ích nhóm
Một trong những giải pháp thuộc nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nêu ra là “đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn”. Hội thảo “Nhận diện lợi ích nhóm” được tổ chức nhằm góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn trong giải quyết các vấn đề Hội nghị Trung ương 4 đã nêu. Do vậy cần phải có nhận thức đúng đắn về lợi ích nhóm để tuyên truyền và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, nhận dạng chính xác lợi ích nhóm để có biện pháp phòng ngừa.
Các đại biểu đề xuất các giải pháp hạn chế tác hại ở lợi ích nhóm trong tổng thể các giải pháp chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tham luận “Nhận diện và ứng xử với vấn đề lợi ích nhóm trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay”, PGS.TS Phạm Thị Túy, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra những nghiên cứu kiến nghị một số liệu pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của lợi ích nhóm và hướng các nhóm lợi ích phát huy tác động tích cực cho sự phát triển của đất nước: Thống nhất nhận thức về sự tồn tại khách quan của các nhóm lợi ích và sự vận động tất yếu của lợi ích nhóm.
Trên cơ sở đó, sớm xây dựng hành lang pháp lý về các nhóm lợi ích và hoạt động của các nhóm lợi ích theo những giá trị chuẩn chung trên cơ sở điều chỉnh của pháp luật. Để phát huy tác động tích cực của lợi ích nhóm, ngoài việc xây dựng hành lang pháp lý để khách thể này vận động trong khuôn khổ pháp luật, rất cần xây dựng một môi trường chính sách, pháp luật minh bạch, đầy đủ thông tin và được thực thi một cách có tổ chức. Hướng tới giảm thiểu những xung đột lợi ích giữa các nhóm hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực của nhóm lợi ích này tới nhóm lợi ích khác, cần đối xử một cách bình đẳng với các nhóm lợi ích. Hướng tới một sự phát triển đất nước thực sự bền vững trong điều kiện ghi nhận sự hiện diện và vận động của lợi ích nhóm; cần có các cơ chế giám sát và đảm bảo sự tách bạch giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách.
Đánh giá thực trạng công tác đấu tranh phòng chống lợi ích nhóm tiêu cực, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Lâu nay chúng ta chưa chỉ đích danh lợi ích nhóm, mới chỉ đề cập đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đã có nhiều chủ trương, biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, cụ thể như: Có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế, hạn chế sai sót, kẽ hở phát sinh tham nhũng, lãng phí.
Năm 2005 đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường một bước công tác kiểm tra của Đảng; đẩy mạnh các hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra; phát hiện và xử lý nghiêm một số vụ tiêu cực, tham nhũng lớn. Tất cả những hoạt động trên có tác dụng nhất định trong việc răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí gắn với lợi ích nhóm tiêu cực.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa được tương xứng với chủ trương, biện pháp đã đề ra, chưa chỉ đích danh một số vụ việc có sự cấu kết chặt chẽ của nhóm lợi ích tiêu cực. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền chưa thường xuyên, sâu sát, chặt chẽ, chưa biến thành quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân. Các quy định của pháp luật chưa đầy đủ, thiếu cụ thể, chưa đồng bộ.
Xử lý tham nhũng, lãng phí nhiều lúc, nhiều nơi chưa nghiêm minh, còn biểu hiện bao che, nể nang, chưa có biện pháp xử lý đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa. Chưa huy động và phối hợp chặt chẽ sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức bị buông lỏng, còn nhiều yếu kém, chưa chuyển biến kịp với diễn biến phức tạp trong tư tưởng, đạo đức cán bộ, công chức. Chưa xây dựng được cơ chế phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với lợi ích nhóm tiêu cực, với tham nhũng, lãng phí. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng (kiểm tra, thanh tra, kiểm toán) và các cơ quan tư pháp chưa thường xuyên và thiếu kịp thời.
Theo một số đại biểu, để ngăn chặn lợi ích nhóm cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy công quyền. Tăng cường kiểm tra chéo các hoạt động công vụ nhằm ngăn chặn khả năng hình thành lợi ích nhóm; nâng cao mức lương cho công chức để họ có thể sống được bằng lương, đồng thời cần có quy định để kiểm soát, giám sát thu nhập của cán bộ, công chức. Tăng cường sự giám sát của cộng đồng xã hội để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Đấu tranh chống lợi ích nhóm tiêu cực cần gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn