Nhu cầu có nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Giải quyết nhà ở cho người dân cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Theo Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, tính đến thời điểm này, cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ), so với chỉ tiêu đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%. Bên cạnh đó, việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ. Cơ cấu sản phẩm nhà ở xã hội còn mất cân đối.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, việc quy hoạch đất đai - yếu tố mang tầm quyết định trong việc triển khai chương trình này vẫn chưa chực sự được triển khai đúng yêu cầu. Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp tham gia các chương trình nhà ở xã hội, ông Nam mong muốn Chính phủ sớm cân đối gói tín dụng tiếp nối gói 30 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội. Ông Nam cũng đề nghị việc triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cần đánh giá kỹ tình hình đặc thù của các địa phương để có giải pháp phù hợp.
Đại diện các doanh nghiệp tiên phong trong triển khai nhà ở xã hội tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh như Viglacera, Hoàng Quân đều cho rằng, nhu cầu mua nhà ở xã hội còn rất lớn và mong muốn được tiếp tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này với những ưu đãi nhiều hơn về chính sách, đất đai để doanh nghiệp hạ thấp hơn nữa giá thành nhà ở phù hợp với điều kiện của công nhân và người nghèo.
Thay mặt hàng triệu công nhân khó khăn về nhà ở, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ vui mừng trước quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy mạnh việc giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động cả nước. Theo thống kê của Tổng liên đoàn, hiện nay, cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Song, bằng nhiều nguồn khác nhau, chỉ có thể giải quyết được 8-10% trong số này, 1,5 triệu người còn lại hiện đang phải đi thuê nhà dân để ở với điều kiện sống rất thấp. Chính bởi vậy ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và tác động đến năng suất lao động.
Phản ánh góc nhìn từ cơ quan Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi kiến nghị cần có những cơ chế, mô hình nhà ở xã hội phù hợp với đặc thù và phong tục, tập quán của từng địa phương và đặc biệt cần tháo gỡ thủ tục hành chính rườm rà khi triển khai chương trình mang ý nghĩa phúc lợi xã hội cao này. Còn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một trong những yếu tố quan trọng nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội chính là nhờ những hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, đặc biệt là về đất đai và công trình công cộng.
Đặt vấn đề tại sao chủ trương, chính sách đã có đầy đủ mà việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến hành chậm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần coi đây là một kênh đầu tư, tăng trưởng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia,hơn nữa, lĩnh vực này sử dụng hầu như 100% hàng nội địa. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương lập kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn để phát triển nhà ở xã hội trên cơ sở đánh giá khả năng chi trả của người dân và tạo mọi điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời chủ động hơn nữa về quỹ đất đai, công trình hạ tầng và tạo điều kiện để chính các hộ gia đình được đầu tư.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, nhắc lại lời dạy của Bác Hồ, có 4 việc quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh là ăn, mặc, ở và đi lại và quyền có nhà ở của người dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tổng kết, rút kinh nghiệm từ những mô hình nhà ở xã hội đã làm tốt để nhân rộng trong phạm vi cả nước. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách để đa dạng hóa các nguồn lực tham gia phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân, nhất là người nghèo, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh và nhất là một số lượng lớn công nhân.
Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng khi gần đây, qua thông tin báo chí, được biết nhiều chủ đầu tư với sự hỗ trợ của địa phương đã đầu tư gói nhà ở giá rẻ hấp dẫn, thu hút người mua. Thủ tướng mong muốn những chương trình này được các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương quan tâm triển khai rộng rãi trên cả nước, đặc biệt là hướng đến đối tượng công nhân, người lao động. Trước đó, cũng liên quan đến nhà ở thu nhập thấp, Tập đoàn Vingroup vừa chính thức ra mắt thương hiệu nhà ở phân khúc bình dân với mức giá trung bình chỉ từ 700 triệu/căn nhưng vẫn hội tụ đầy đủ những thiết chế của mô hình đô thị khép kín, Tập đoàn này dự định trong vòng 5 năm tới, sẽ xây dựng 200.000 - 300.000 căn hộ tại 7 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các địa phương sau cuộc họp phải thống nhất quán triệt tinh thần, chủ trương phát triển nhà ở xã hội, bởi đây là hoạt động đầu tư cho phát triển, hướng đến người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân và người lao động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị về việc phát triển nhà ở xã hội.
“Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân; cần trân trọng và khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển nhà ở xã hội cho cả 9 nhóm đối tượng”.
Đặc biệt nhấn mạnh đến việc đầu tư cho nhà ở cho công nhân vốn đang rất bức xúc hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù nhà ở công nhân là một nhóm của nhà ở xã hội, nhưng Chính phủ rất lo lắng về vấn đề này trong bối cảnh hiện 1,5 triệu công nhân chưa có nhà ở tối thiểu cần thiết, cho nên đời sống công nhân quá khó khăn, nhất là tại các khu công nghiệp, tỷ lệ còn quá thấp.