Những phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chắc chắn sẽ không bao giờ quên được trận lũ kinh hoàng xảy ra tại miền Trung trong năm qua. Nỗi mất mát của bà con là quá lớn, nhưng Tết này họ cũng ấm lòng khi nhớ về tấm lòng nhân ái của đồng bào cả nước đã đau đáu về “khúc ruột” miền Trung.
Để có những dòng tin tức nóng hổi, những hình ảnh chân thực, sống động về cuộc vật lộn với lũ dữ của người dân miền Trung, các nhà báo đã phải lao vào trận “đại hồng thủy”.
Truyền xúc cảm từ mọi miền
Với 63 phân xã tại tất cả các tỉnh, thành trong nước, phóng viên TTXVN đã có mặt khá sớm khi lũ dữ tràn về. Trong khi người dân miền Trung đang vật lộn với lũ để tìm cách thoát khỏi biển nước đỏ quạch thì những nhà báo, phóng viên phân xã TTXVN lại bất kể ngày đêm, xông pha vào tâm bão lũ để kịp thời đưa tin, chụp hình, ghi lại những hình ảnh thời sự về tình hình lũ lụt cũng như sự chống chọi của người dân.
Phóng viên Đức Thọ (phân xã Quảng Bình) người ngồi đằng sau, trên đường vào bản Rục. |
Trưởng phân xã Điện Biên - phóng viên Võ Mạnh Thành nhớ lại chuyến về thăm quê Quảng Bình cũng là lúc cơn lũ ập đến: “Đêm đầu tháng 10/2010, Quảng Bình mưa rất to. Tôi nằm mãi mà không tài nào chợp mắt nổi vì lo lụt, mà đúng là lụt thật.
Cả ngày 3/10 cứ loay hoay để tìm đường về Điện Biên (đơn vị công tác) vì quốc lộ 1A đã có một số đoạn bị ngập”. Lần đầu tiên Mạnh Thành về thăm nhà với tâm trạng bất an.
Mạnh Thành đã quyết định tới Phân xã Quảng Bình trao đổi với nhà báo Ngọc Châu, Trưởng phân xã, và được khuyên ở lại xem tình hình lũ lụt thế nào. Ngồi trong phân xã mà lòng như lửa đốt bởi cách xa hàng nghìn cây số, Điện Biên không biết có xảy ra chuyện gì không? Ngoài trời, mưa vẫn xối xả.
Nhận định tỉnh Quảng Bình sẽ lụt to, nhà báo Ngọc Châu đã quyết định báo cáo với lãnh đạo cơ quan và đề nghị Mạnh Thành ở lại tăng cường cùng anh em Phân xã Quảng Bình tác nghiệp đưa tin lũ lụt; đồng thời còn đảm đương cả mảng tin, bài cho Truyền hình Thông tấn.
“Lúc đó, chúng tôi lo lắm vì anh em phân xã không có máy quay phim. Điện thoại đến hết cơ quan này, ban ngành nọ trong tỉnh cũng không mượn được máy ảnh, chiếc máy ảnh du lịch cỡ bằng 4 bao diêm xếp lại của Xuân Trường (nguyên phóng viên Ban Biên tập ảnh- TTXVN) trên đường ra Bắc bị kẹt ở Quảng Bình tặng lại trở thành “vật cứu tinh”, giúp các phóng viên tác nghiệp", Thành kể.
Và, hình ảnh truyền hình gửi về Tổng xã đã được anh em đồng nghiệp khen. Máy ảnh nhỏ, dễ thao tác nhưng trong quá trình quay hay bị rung, hình thường bị mất nét. Vì vậy, Thành và phóng viên Duy Hưng (Phân xã Quảng Bình) đã phải dùng cái chân máy quay mượn từ Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em tỉnh Quảng Bình.
Trong khi tác nghiệp ở vùng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Thành và Hưng chạy như chong chóng. Nếu người này quay thì người kia ghi chép, mang vác vật dụng và ngược lại. “Bác Châu đã thường xuyên điện thoại chỉ đạo và nhắc nhở anh em phải giữ gìn sức khỏe, cẩn trọng trong tác nghiệp nơi vùng nước sâu, sóng dữ...”, Thành xúc động nói.
Xông pha
Trưởng phân xã tại Nghệ An Nguyễn Văn Nhật và người dân sống nơi đây cũng đã quá quen thuộc với bão lũ. Nghệ An bị lũ “quật” hết “trận” này đến “trận” khác. Theo Văn Nhật, tác nghiệp tại một địa phương như vậy, phóng viên phải luôn trong tư thế sẵn sàng để chủ động công việc như: Chuẩn bị sẵn máy móc, thiết bị (như máy vi tính xách tay, thiết bị kết nối Internet USB 3G, máy chụp ảnh, quay phim), áo phao, đèn pin, áo mưa, thậm chí là cả mì tôm, lương khô để khi cần là lên đường, lao vào tâm bão lũ.
Văn Nhật kể: “Khi tác nghiệp, phóng viên phải luôn dự phòng pin vì khi quay, máy hết pin sẽ không có điện để xạc (do bão lũ thường mất điện); không có xe taxi; đường truyền tại phân xã cũng tắt ngấm… Để hoàn thành công việc, đòi hỏi phóng viên TTXVN thường trú trên địa bàn phải nhanh nhạy, đưa ra được những phương án xử lý thích hợp.
Cảnh ngập lụt tại thị trấn huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Ảnh: Duy Hưng, Mạnh Thành - TTXVN |
Theo các phóng viên TTXVN, để kịp thời có được những tuyến tin, bài về lũ lụt cũng như ghi nhận được hình ảnh chân thực về đời sống và sự vật lộn của người dân dầm mình với lũ, phải kể đến sự hậu thuẫn của các cơ sở ở địa phương.
Có lần, Mạnh Thành khi tác nghiệp ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình), điện, Internet, điện thoại đều bị “sập” do lũ lụt nhưng vẫn truyền được tin, bài về tổng xã vì Bưu điện Trung tâm huyện cũng “tác chiến” cùng. Họ sẵn sàng chạy máy nổ, cho mượn đường truyền. “Cả ngày chạy trong mưa, ngâm trong lũ, mình và phóng viên Duy Hưng (Phân xã Quảng Bình) mỏi mệt rã rời.
Lại thêm đường truyền ở đây rất kém nên chỉ một tin hình thôi cũng phải truyền tới hơn 3 tiếng. Nhiều khi truyền sắp xong lại bị rớt mạng nên phải làm lại từ đầu, thật là cực. 3 đêm ở Minh Hóa là 3 đêm anh em thức trắng. Bây giờ nghĩ lại không biết bằng cách gì mà anh em trụ được trong thời điểm ấy” - Thành ưu tư nhớ lại.
Có lẽ với những phóng viên trong hoàn cảnh này - họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ đơn thuần là đưa tin, viết bài, mà họ muốn đến với bà con bằng con tim “nóng”, sự sẻ chia và thẩm thấu được những đau thương, mất mát mà người dân miền Trung khổ cực gặp phải.
Đến giờ, Thành còn cảm thấy “xấu hổ” khi nhớ lại ngày xong việc ở Minh Hóa, Thành quên gọi điện thoại về nhà. “Quê mình cũng ở vùng lũ lớn Lệ Thủy (Quảng Bình). Ở nhà chỉ còn cha mẹ già. Nhưng cha mẹ không một lời trách móc mà động viên cố gắng làm tốt việc cơ quan. Mình thấy nao lòng lắm”, phóng viên này chia sẻ.
Chuyến đi vào Quảng Bình của đoàn phóng viên TTXVN, gồm 5 người mãi là kỷ niệm khó quên của tay máy quay trẻ tuổi Vũ Kiểm. Chia sẻ với Tin Tức, Vũ Kiểm nói: “Lần đầu tiên tác nghiệp tại vùng lũ, em lo lắm.
Lo không biết mình có hoàn thành được bài phóng sự, lo về chiếc máy quay trị giá vài trăm triệu đồng phải được gìn giữ để nước không vào, ngồi trên xuồng chật hẹp không bị ngã xuống nước”. Địa bàn anh em Tổng xã về là huyện Minh Hóa, nơi đồng bào dân tộc thiểu số người Rục đang bị cô lập bởi nước lũ giữa trập trùng núi non.
Trước khi đi, cả nhóm xác định: Tham gia chuyến đi phải là những người có sức khỏe, đặc biệt là những tay máy quay phim. Thời điểm mà họ có mặt, nước suối chảy xiết, có đoạn đường núi dài 2,5 km vẫn ngập sâu 4 m trong nước đen ngầu vì củi mục.
Trên đường vào bản phải leo dốc đứng, lội suối, ba lần xuống xuồng quân đội. Anh quay phim khấp khởi đã có những hình ảnh sống động và “độc”. Tuy vậy, Đức Thọ, phóng viên Phân xã Quảng Bình, có nhiệm vụ dẫn đoàn Tổng xã đi tác nghiệp vẫn tiếc rẻ: “Giá các anh vào sớm hơn vài ngày, với máy móc, đội ngũ thế này, hình ảnh có được sẽ sớm nhất trong các đài vì thời điểm đó chỉ có chúng em tiếp cận được khu vực này”.
Nhiều cung bậc tình cảm
Lũ lớn và nguy hiểm cũng không làm cho các phóng viên TTXVN bỏ cuộc. Họ biết rằng: Hàng triệu trái tim, độc giả trên cả nước vẫn luôn đứng trực trước màn hình, lật từng trang báo để ngóng chờ tin tức.
Họ muốn máy quay có thể lia đến tận ngóc ngách những nơi lũ tràn vào để xem người dân gắng sức ra sao; tự hỏi mình phải làm gì để giúp bà con. Những thước phim, hình ảnh đã là thông điệp để kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, để bà con không bị đói và rét và luôn có niềm tin sắt đá: Họ không bao giờ bị đơn độc.
Chia sẻ với phóng viên Tin Tức, nhiều độc giả cho rằng: Lũ tràn về cũng là lúc họ mong chờ từng mẩu tin, tấm hình.Tim họ như thắt lại khi đọc về số người thiệt mạng ngày một tăng; họ nghẹn ngào thấy bà con dầm mình trong lũ; người dân đói lòng trong các hang đá, sườn núi.
Cũng thấy cuộc đời nhân ái hơn khi đọc tin về những tấm gương quên mình cứu người trong lũ dữ. Cung bậc tình cảm được thay đổi rất nhanh khi được các phóng viên truyền về hết tin này đến tin khác. Và cũng từ đó, những tấm lòng hảo tâm, cứu trợ đã dồn dập xuất hiện. Danh sách những người “lá lành đùm lá rách” tưởng chừng dài như vô tận.
Minh Phương