Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: vov.vn
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Kết luận này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.
Sáp nhập tỉnh là tất yếu
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, sáp nhập tỉnh là điều tất yếu, đã làm là phải làm cả hệ thống chính trị. Trung ương, các bộ, ngành đang hợp nhất, sáp nhập. Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vừa qua cũng đã được sắp xếp, nên bước tiếp theo sẽ phải tính tới cấp tỉnh, thành phố.
Đất nước ta đã từng thực hiện nhiều cuộc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Ngay từ Đại hội VI, vấn đề cải cách hành chính đã được đặt ra, và gần đây nhất là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18.
Thẳng thắn nhìn nhận, sau hơn 20 năm thực hiện 3 Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (giai đoạn 2001 – 2010, 2011 – 2020, 2021 – 2030) cho thấy, công tác cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đạt mục tiêu. Tinh gọn bộ máy về cơ bản mới chỉ giảm số lượng biên chế mà chưa đảm bảo về chất lượng, bởi nhiều khi cách làm còn nể nang, ngại đụng chạm.
“Trước chúng ta hay đặt ra lộ trình, nhưng lần này thể hiện thái độ quyết tâm, không chỉ cải cách, đổi mới mà là cách mạng, phải triệt để, quyết tâm, tốc chiến, tốc thắng, bứt phá để vươn mình, không còn lộ trình nữa mà là tiến độ công việc”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói.
Ông cũng thông tin thêm, đề án tinh gọn bộ máy này đã được xây dựng trước Đại hội XII, nhưng Đại hội chưa thông qua. Điều đó cho thấy việc tinh gọn bộ máy hiện nay không phải bột phát mà trên cơ sở đã có nghiên cứu và kế thừa thành quả từ trước, nhưng lần này làm quyết liệt, cách mạng, chứ không phải đổi mới hay cải cách như trước. Đây là thời cơ, vận hội, nếu không làm thì sẽ bỏ lỡ thời cơ.
Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Mục tiêu rất rõ, nếu không tăng tốc, bứt phá thì không thể đạt được tốc độ phát triển như mục tiêu đề ra.
“Vừa rồi, chúng ta làm 3 đột phá về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực, nhưng lần này làm cả tinh gọn bộ máy và đột phá về khoa học công nghệ. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 và Quốc hội mới thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tháo gỡ thể chế trong khoa học công nghệ mà trước nay rất nhiều vướng mắc. Đặc biệt là cơ chế khoán và chấp nhận “nghiên cứu có rủi ro”. Làm đồng bộ và tinh thần của chúng ta rất quyết tâm, chớp lấy thời cơ ngàn năm có một”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phân tích.
Bỏ cấp huyện, thông suốt từ tỉnh xuống xã
Theo ông Dĩnh, vấn đề đặt ra là tính toán sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sao cho phù hợp để việc sắp xếp bộ máy đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến định hướng sau này bộ máy hành chính chỉ còn 3 cấp, bỏ cấp trung gian là cấp huyện. Đây cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới.
Đánh giá cấp huyện có những mặt hạn chế, “gần như không quyết được gì”, ông Dĩnh dẫn chứng, ngoài Trung ương đưa ra thể chế, pháp luật, chính sách chỉ đạo, thì cấp tỉnh là cơ bản, quyết ngân sách, chính sách của địa phương. Cấp huyện là cấp trung gian, chỉ chuyển tải ngân sách, chính sách của tỉnh xuống cơ sở (cấp xã). Cấp xã là cấp trực tiếp thực hiện nhiều nhất. “Tất cả đều dồn về cấp xã”.
“Qua cấp trung gian có 2 vấn đề đặt ra: Một là dễ có độ trễ, vì qua huyện lại phải ngồi bàn, ra văn bản rồi tổ chức thực hiện. Mà thực ra anh không làm gì khác được chỉ đạo, chính sách, ngân sách cấp tỉnh đã quyết, huyện có quyết được đâu. Thậm chí, không chỉ có độ trễ mà còn nguy cơ tạo ra lực cản nữa. Quá trình thực hiện anh không triển khai và triển khai không đúng thì thành lực cản”, nêu điều này, ông khẳng định “bỏ cấp trung gian này sẽ thông suốt luôn xuống cấp xã”.
Việc thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh đều từ cấp xã, do vậy, bộ máy và điều kiện để cấp xã thực hiện được là vấn đề cần tính đến. Kết luận 126 đã nhấn mạnh, phải củng cố, tăng cường cho cấp xã không chỉ về số lượng mà cả chất lượng nguồn nhân lực, kinh phí, đảm bảo các điều kiện để chính quyền địa phương cấp cơ sở thực hiện cho tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cao hơn. Chẳng hạn, với việc bỏ công an cấp huyện, công việc ở xã sẽ nhiều hơn, số lượng người cũng phải tăng lên.
Nói về giải bài toán sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sao cho thuận lợi, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, phải xác định quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân. Nhân dân đồng tình ủng hộ, cán bộ đảng viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thấy đây là thời cơ, không còn thời cơ nào khác nếu muốn vươn mình. Thứ hai là nhà nước phải có chính sách vượt trội.
Tạo dư địa phát triển
Điểm lại lịch sử có thể thấy, sau khi thống nhất đất nước, nước ta có 72 tỉnh, thành phố. Tháng 12/1975, Quốc hội ra nghị quyết bãi bỏ cấp khu, giải thể khu tự trị, hợp nhất, sáp nhập hàng loạt các tỉnh. Năm 1976, cả nước chỉ còn 38 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, 15 năm sau (1991), con số này đã tăng lên 53 và đến năm 2004 là 64 tỉnh, thành phố. Sau khi mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội (sáp nhập Hà Tây và một số địa bàn của Vĩnh Phúc, Hòa Bình) từ năm 2008 đến nay, nước ta có 63 tỉnh, thành phố.
Việc tách tỉnh khi đó là cần thiết bởi điều kiện đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Tách để tạo không gian phát triển cho các địa phương. Và thực tế cho thấy nhiều địa phương đã có sự phát triển vượt bậc.
Chẳng hạn năm 1997, hàng loạt tỉnh được tách ra, như Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hải Hưng, Nam Hà đã “đánh thức” những vùng đất “ngủ yên”. Tỉnh Vĩnh Phúc tách ra từ tỉnh Vĩnh Phú đã có sự phát triển vượt trội và giờ đây là đến Phú Thọ phát triển. Khi tách ra từ Hà Bắc, tỉnh Bắc Ninh rất phát triển, những năm gần đây Bắc Giang phát triển rất mạnh. Hay như Hải Hưng ngày xưa tách ra thành Hải Dương và Hưng Yên thì Hải Dương phát triển trước, Hưng Yên gần đây cũng rất phát triển…
Song, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, giao thông thuận lợi và thời điểm này các tỉnh phát triển đã đến giới hạn, các nguồn lực tài nguyên khoáng sản, đặc biệt đất đai dần cạn kiệt thì việc các tỉnh sáp nhập lại sẽ phát huy được lợi thế, đồng thời, tạo ra không gian, dư địa rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cho rằng trở về con số 38 tỉnh, thành phố như trước đây là phù hợp, nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lưu ý, không nhất thiết tỉnh nào về lại tỉnh đó như trước mà sắp xếp phù hợp với đặc điểm của các tỉnh. Để xác định nhập tỉnh nào với tỉnh nào phải căn cứ tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên, những yếu tố đặc thù khác về văn hóa, lịch sử,… theo Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
“Một tỉnh khoảng 300.000 dân như Bắc Kạn thì quá bé”, theo ông Dĩnh.
Qua theo dõi sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy ở Trung ương, chỉ trong 2 tháng đã thực hiện xong, ông Dĩnh nhận định tinh thần “thần tốc” này sẽ được tiếp nối trong thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện. Đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào tháng 1/2026, cần thực hiện quyết liệt để sớm ổn định tổ chức bộ máy.
“Tôi tin là phải làm và làm với tinh thần như vừa rồi. Đó là có sự thống nhất rất cao, làm kiên quyết, triệt để với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”. Trung ương gương mẫu làm trước, địa phương tiếp bước làm theo. Giờ tỉnh sáp nhập trước, tiến tới bỏ cấp huyện”, ông Nguyễn Tiến Dĩnh tin tưởng.