Giải trình chất vấn của đại biểu về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trong phiên họp chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tập trung vào 3 lĩnh vực, chủ yếu là: linh kiện, phụ tùng, các loại máy móc, thiết bị; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghệ cao.
Sau 6 năm triển khai thực hiện với mục tiêu tiêu phải đạt được 45% trở lên nhu cầu cho sản xuất nội địa, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, linh kiện kim loại đáp ứng được khoảng 85-90% nhu cầu của xe máy, 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy theo chủng loại xe), 40-60% cho các loại máy nông nghiệp và máy động lực. Còn đối với ngành dệt may-da giày, doanh nghiệp trong nước đáp ứng khoảng 40-45%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng xác nhận một số sản phẩm đạt thấp hơn so với mục tiêu chung như ngành điện tử, tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng, sản xuất trong nước thì mới đáp ứng được khoảng 15%. Các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%.
Bộ trưởng khẳng định, kết quả đạt được trong thời gian vừa qua đã góp phần làm giảm dần sự lệ thuộc nguyên liệu, phụ tùng nhập khẩu nước ngoài, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp nói chung và cơ cấu nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân của những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt thấp hơn so với mục tiêu, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đó là do nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế và khó tiếp cận. Chính sách thu hút FDI chưa khuyến khích được việc liên kết của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước (chưa khuyến khích và chưa ràng buộc) nên dẫn đến tình trạng này. Ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí thu hút đầu tư là rất khó, bởi vì vốn lớn nhưng thị trường thì rất hẹp và Việt Nam là nước đi sau, cho nên khả năng cạnh tranh với các nước khác phát triển là khó khăn. Bên cạnh đó, việc phối hợp thực hiện chính sách giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và các doanh nghiệp chưa được tốt.
"Cho nên chính sách thì có nhưng chúng ta không thể tiếp cận được và không thực hiện được", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về giải pháp trong thời gian tới, để đạt mục tiêu đã đề ra, Bộ trưởng cho biết cần phải hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm. Tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương, địa phương để tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ; phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương, địa phương, kể cả đối với doanh nghiệp để có thể thực hiện chính sách thuận lợi; bố trí đủ nguồn lực cho Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2025 và tiếp tục triển khai Chương trình ở giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, theo Bộ trưởng, cần đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng hỗ trợ cho doanh nghiệp và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Chất vấn thêm nội dung trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng Công Thương nêu quan điểm cũng như giải pháp trước việc hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất. Tuy nhiên, năm vừa qua, sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm khá nghiêm trọng về doanh thu, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường đang diễn ra và hiện nay đang gặp hai nút thắt rất lớn về vốn và chi phí. Trong khi đó, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam bao giờ cũng muốn có nhiều doanh nghiệp hỗ trợ "cùng hệ" với họ. Đây là những doanh nghiệp có kinh nghiệm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cũng như tiêu chuẩn về môi trường, đồng thời cũng là những doanh nghiệp có sản phẩm với giá cả cạnh tranh.
Trong khi đó, doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam "sức khỏe" còn yếu, mặc dù có cơ chế nhưng không tiếp cận được. "Cho nên rõ ràng đây là một vấn đề thách thức mà chúng ta cần phải tính", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, muốn giành lại thị phần cho doanh nghiệp hỗ trợ trong nước, điều quan trọng là phải rà soát lại hệ thống pháp luật để làm sao cơ chế, chính sách Nhà nước ban hành ra phải đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp nội địa có thể hấp thụ được, thông qua đó mà lớn lên. Các địa phương cũng phải dành những điều kiện thuận lợi nhất trong điều kiện có thể để giúp cho các doanh nghiệp có được mặt bằng, hạ tầng, sự giúp đỡ về nguồn vốn hoặc đào tạo tạo nguồn nhân lực...
Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng, cần phải sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài và một số luật có liên quan để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam cần phải có cơ chế ràng buộc chứ không phải là khuyến khích. Theo đó, ràng buộc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước và từng bước nội địa hóa ngành sản xuất của mình. Trong quá trình thực hiện các giải pháp này sẽ tiếp tục tổng kết xem còn những giải pháp và kinh nghiệm nào khác hay không.