Nguy cơ xóa quy hoạch nhiều dự án “khủng” ở TP Hồ Chí Minh

Báo cáo mới đây của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh về tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch các khu chức năng đô thị trên địa bàn, một lần nữa lại khiến nhiều người phải “giật mình” vì tiến độ cũng như tính khả thi của những dự án “khủng”.

Khu công nghiệp Xuân Thới Thượng và khu dân cư liền kề (phục vụ khu công nghiệp) tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn có quy mô tổng diện tích 380ha; trong đó khu công nghiệp chiếm 300ha. Năm 2010, dự án được UBND Thành phố chấp thuận Công ty cổ phần Đầu tư -Thương mại DIC làm chủ đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và bố trí các ngành công nghiệp trọng yếu.

Năm 2011, dự án được Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 trong cùng một đồ án nhưng 2 năm sau tách thành 2 loại quy hoạch (khu công nghiệp Xuân Thới Thượng và khu dân cư liền kề). Tuy nhiên đến nay, Sở Quy hoạch và Kiến trúc chưa nhận được hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Xuân Thới Thượng của Công ty DIC nộp lại để thẩm định, trình UBND thành phố duyệt.

Đối với khu dân cư liền kề, năm 2015, Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị UBND Thành phố chọn nhà đầu tư khác do dự án đã quá lâu nhưng vẫn chưa đền bù, giải tỏa để thực hiện theo quy hoạch. Mới đây, trong cuộc họp liên sở vào ngày 4/1, Sở Quy hoạch và Kiến trúc thống nhất ý kiến của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố và UBND huyện Hóc Môn giữ nguyên quỹ đất quy hoạch khu công nghiệp nói trên đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm có ý kiến bằng văn bản chính thức về nội dung liên quan đến chức năng đất nông nghiệp (đất lúa) tại khu vực dự kiến chuyển đổi sang đất công nghiệp phải thực hiện theo quy trình, báo Thủ tướng Chính phủ xem xét, làm cơ sở để Công ty DIC triển khai.

Dự án khu dân cư khác chậm tiến độ là khu dân cư An Phú Hưng tại huyện Hóc Môn. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm (2001 - 2005) TP Hồ Chí Minh; trong đó có dự án Cụm dân cư công nghiệp Tổng Công ty An Phú với quy mô 650 ha, tại huyện Hóc Môn. Trên cơ sở đó, năm 2004, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng Công ty An Phú để tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư tại các xã Tân Hiệp, Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn với diện tích gần 620 ha (không tính phần diện tích kênh rạch, đường do Nhà nước trực tiếp quản lý).

Năm 2007, UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị An Phú Hưng, xã Tân Hiệp và xã Tân Thới Nhì, quy mô quy hoạch là 665 ha. Thế nhưng đến năm 2012, Khu đô thị An Phú Hưng do Tổng Công ty An Phú làm chủ đầu tư chỉ bồi thường được khoảng 2,7% dự án.

Từ đây, UBND Thành phố hủy bỏ quyết định tạm giao đất cho Tổng Công ty An Phú vì công ty chưa triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến năm 2013, UBND Thành phố giao UBND huyện Hóc Môn phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để tổ chức lập 2 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại khu vực xã Tân Hiệp và xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, thay cho đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị An Phú Hưng.

Đồ án đó đã được UBND Thành phố phê duyệt trong năm 2014. Hiện UBND huyện Hóc Môn đang thực hiện công tác xây dựng và phát triển đô thị.

Tương tự, việc chậm tiến độ đã khiến nhiều dự án rơi vào tình trạng “treo”, nguy cơ bị xóa khỏi quy hoạch là rất cao. Đơn cử, dự án Viện trường Y tế Củ Chi tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi (quy mô 105 ha) mặc dù đã được Thành phố chủ trương nghiên cứu từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia.

Mới đây tại cuộc họp liên sở diễn ra ngày 3/3, Sở Y tế Thành phố cho rằng việc quy hoạch khu Viện trường Y tế Củ Chi là không cần thiết. Trên cơ sở đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, sẽ báo cáo, trình UBND Thành phố đề xuất xoá quy hoạch Viện trường Y tế Củ Chi, giao UBND huyện Củ Chi nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch nông thôn xây dựng mới tại khu vực này theo hướng giữ nguyên hiện trạng (phần lớn là đất nông nghiệp và một phần nhỏ đất dân cư nông thôn hiện hữu), nhằm mục đích ổn định cuộc và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Còn tại dự án Khu Đại học Hưng Long, huyện Bình Chánh, vào tháng 11/2015, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức họp tại Ban Quản lý Khu Nam và thống nhất chủ trương lập quy hoạch với diện tích 511 ha, nghiên cứu mục tiêu đầu tư khu đại học này theo phương án di dời trong nội thành hay kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Ngày 11/1, trong cuộc họp liên sở ngành, để đảm bảo việc quy hoạch mang tính khả thi, nhất là trong giai đoạn lập đồ án quy hoạch phân khu để nhà đầu tư tham gia ngay vào trong quá trình đồ án quy hoạch, Ban Quản lý Khu đô thị mới Nam thành phố đã kiến nghị UBND Thành phố có chủ trương cho phép các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm được tiếp cận và cùng tham gia lập quy hoạch phân khu của dự án.

Hiện nay, hồ sơ Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Đại học Hưng Long, huyện Bình Chánh đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã thẩm định xong, đang chuẩn bị trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt theo quy định để làm cơ sở triển khai lập bước đồ án quy hoạch.

Trần Xuân Tình (TTXVN)
Bí thư Hà Nội: Nhiều dự án giao thông vừa hoàn thành đã quá tải
Bí thư Hà Nội: Nhiều dự án giao thông vừa hoàn thành đã quá tải

Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vấn đề hạ tầng giao thông ở Thủ đô hiện không còn dừng ở bất cập mà đang ở mức báo động khi mà nhiều dự án giao thông vừa hoàn thành đã rơi vào quá tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN