Nghĩa cử cao đẹp trong công tác đền ơn đáp nghĩa

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa với tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đền ơn đáp nghĩa” là sự kế thừa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là tài sản tinh thần to lớn mang đậm giá trị nhân văn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với nhân dân xã Ái Quốc, Hưng Yên năm 1958. Ảnh: TTXVN


Trước lúc đi xa, Bác đã căn dặn, công tác đền ơn đáp nghĩa rất quan trọng song cần phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Trong Di chúc, Bác dặn dò: Đối với những người dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể “dần dần tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sỹ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương và hợp tác xã phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn ổn định, quyết không để họ bị đói rét...

Thấm nhuần tư tưởng của Người về công tác đền ơn, đáp nghĩa, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn ra sức đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, trở thành nghĩa cử cao đẹp, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng.

Chăm lo đời sống người có công

Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công với nước. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công, tạo điều kiện về việc làm, thu nhập sao cho các đối tượng này có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công”.

Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng các chính sách ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện theo hướng diện ưu đãi ngày càng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từng bước được nâng lên, cao hơn mức lương tối thiểu chung và luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội. Nhiều chủ trương, quan điểm ưu đãi đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, luật pháp, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Các chính sách ưu đãi đối với người có công bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống người có công. Chế độ trợ cấp, ưu đãi hàng tháng được điều chỉnh đồng bộ với tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội đã từng bước cải thiện, ổn định đời sống người có công với cách mạng. Các văn bản pháp luật về ưu đãi người có công đã thể chế hóa được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để chính sách đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận xã hội cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Nguyên văn một đoạn trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN


Hàng năm, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công; thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công…

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sỹ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Cả nước hiện có gần 7.000 công trình ghi công liệt sỹ, trong đó nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình lịch sử văn hóa, có sức thuyết phục lớn về mỹ thuật, đạo đức, giáo dục như: Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Đường 9, Đền Liệt sỹ Bến Dược, Đài tưởng niệm liệt sỹ Thái Nguyên...Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ còn thiếu thông tin, quản lý dữ liệu thông tin hồ sơ liệt sỹ, hỗ trợ nhà ở cho người có công trở thành những vấn đề quan trọng có tính cấp thiết và đã được triển khai xây dựng thành các dự án, đề án mang tầm quốc gia, tạo được sự đồng tình và ủng hộ của toàn xã hội.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, cá nhân đã tích cực vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Xây dựng nhà tình nghĩa, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tổ thương binh tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, “Xã phường làm công tác chăm sóc người có công" và nhiều phong trào thiết thực khác, đã mang lại hiệu quả to lớn.

Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sữa chữa hơn 39.000 ngôi nhà với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Cả nước hiện có 59.000 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước - Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Gần 4.000 mẹ hiện còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. Việc xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công đã trở thành phong trào và được các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa vào kế hoạch phấn đấu của địa phương, cơ sở. Hiện cả nước đã có 96% xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác này.

Cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của bản thân, nhiều thương binh, bệnh binh, người có công đã phát huy truyền thống tốt đẹp, là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Nhiều người đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua, thầy thuốc nhân dân, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân. Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất, tinh thần của thân nhân liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã và đang được nâng lên rõ rệt. Đến nay cả nước đã có 95% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách người có công


Nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội, kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ chính sách cho người có công và tiếp tục hoàn thiện chính sách người có công theo các đối tượng khác nhau, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 23/CT-TTg về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 – 2015 với 7 đối tượng là: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong kháng chiến và thực hiện chính sách ưu đãi người đối với người có công với cách mạng đã được ban hành.

Chăm sóc y tế, kiểm tra sức khỏe cho người có công đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN


Đây là chủ trương hết sức có ý nghĩa cả về mặt xã hội và quản lý nhà nước. Đây cũng là cuộc tổng rà soát quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đến tất cả 11.000 xã, phường, thị trấn trong cả nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, thiết thực kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chức năng, các địa phương đang tích cực triển khai và tăng cường giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Qua đó, kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách người có công.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; ban hành các văn bản hướng dẫn các nội dung chi đặc thù của Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo ứng dụng rộng rãi, đồng bộ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thực hiện chính sách ưu đãi người có công; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm chính sách, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác người có công; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công. Các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, chỉ đạo xử lý nghiêm, triệt để đối với những trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để vụ lợi.


PV
Xứng danh quê hương Bác Hồ
Xứng danh quê hương Bác Hồ

Trong những lần về thăm, làm việc tại Nghệ An, bên cạnh biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn mong muốn Nghệ An phải tạo được bứt phá đi lên, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp như lời căn dặn và mong muốn của Bác Hồ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN