Số liệu cập nhật từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, ngày
mùng 3/2 (tức mùng 4 Tết Giáp Ngọ), mật độ phương tiện tham gia giao
thông tăng cao, tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn giao thông và số người
chết vì tai nạn giao thông. Theo thống kê, dù không có vụ tai nạn giao
thông đặc biệt nghiêm trọng, nhưng cả nước đã xảy ra 91 vụ tai nạn giao
thông đường bộ, làm chết 49 người, bị thương 93 người (trong đó có 34 vụ
va chạm, làm bị thương 41 người).
Như vậy, 7 ngày nghỉ
Tết (28/01 - 3/2) đã có 458 vụ tai nạn giao thông xảy ra, làm 212 người
chết và 481 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2013 tăng 131 vụ, giảm
57 người chết, tăng 182 người bị thương. Trong đó, đường bộ xảy ra 452
vụ, làm chết 206 người, bị thương 481 người (trong đó có 205 vụ va chạm,
làm bị thương 225 người). Đường sắt xảy ra 5 vụ làm chết 5 người. Giao
thông đường thủy nội địa bình yên nhất, chỉ xảy ra 1 vụ, làm 1 người
chết.
Trong 7 ngày Tết, lực lượng cảnh sát giao thông
toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 23.290 trường hợp vi phạm trật tự an toàn
giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước 10,3 tỷ đồng; tạm giữ 17 xe ô tô,
trên 5.400 xe mô tô. Riêng ngày mùng 4 Tết, có trên 2.000 trường hợp vi
phạm trật tự an toàn giao thông bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý,
qua đó tạm giữ 951 xe mô tô. 7 ngày qua, đường dây nóng của Ủy ban An
toàn giao thông Quốc gia đã tiếp nhận gần 500 lượt phản ánh, chủ yếu là
tình trạng tăng giá vé quá cao và xe chở vượt số người quy định.
Trong
ngày mùng 4 Tết, đường dây nóng đã nhận được thông tin như hai nhà xe
Anh Thu, Hoàng Mai chạy tuyến Nông Sơn, Quế Sơn từ Quảng Nam đi Sài Gòn
đã tăng giá vé lên 1,1 triệu/lượt, trong khi giá vé ngày thường là 400 -
450 nghìn/vé; tại bến xe Mỹ Đình giá vé xe của một số nhà xe từ Thanh
Hóa, Nghệ An đi Hà Nội tăng gấp đôi… Sau khi tiếp nhận các thông tin
trên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chuyển toàn bộ vấn đề đến
lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý xe và nhà xe vi phạm.
Chu Thanh Vân