Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã sẵn sàng

Từ ngày 2 - 4/12, tại Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ II năm 2020 được tổ chức với sự tham gia của 1.600 đại biểu chính thức và 300 đại biểu khách mời. Đại biểu cao tuổi nhất là 91 tuổi, đại biểu trẻ tuổi nhất là 18 tuổi. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ngày 17/11/2020, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh trao Kỷ niệm chương Vì sự phát triển các dân tộc, tặng các giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, với chủ đề: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”, Đại hội sẽ đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010 - 2020, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, đưa ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.

Đại hội cũng là dịp Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Đây cũng là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo chương trình Đại hội, sáng ngày 3/12, 100 đại biểu đại diện cho 54 dân tộc sẽ tham dự Lễ dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ). Đoàn do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn. Cũng trong sáng 3/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đoàn dâng hương Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội), vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nhà sàn Bác Hồ, thăm Phủ Chủ tịch (gồm toàn bộ đại biểu chính thức, trừ 100 đại biểu tham dự Lễ dâng hương tại Đền Hùng - Phú Thọ).

Chiều ngày 3/12 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia sẽ diễn ra phiên Đại hội trù bị. Vào cuối buổi chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt đại biểu tiêu biểu của các đoàn (gồm 100 đại biểu, đại diện của 54 dân tộc).  

Ngày 4/12, Đại hội sẽ chính thức khai mạc với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tại Đại hội, Ban Tổ chức sẽ tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS Việt Nam thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn 2010 - 2020. Sau khi bế mạc Đại hội, vào tối 4/12 sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật chúc mừng thành công Đại hội với chủ đề “Vững mãi niềm tin theo Đảng” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Đại hội là ngày hội lớn mang tính chính trị, xã hội sâu sắc, kết nối lan tỏa sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, dành được sự quan tâm sâu rộng của đồng bào các dân tộc trên mọi miền của đất nước, tạo bầu không khí phấn khởi trong cộng đồng các dân tộc, thi đua lao động, sản xuất, học tập công tác, lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

V.Tôn/Báo Tin tức
Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số rất ít người
Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số rất ít người

Tại tỉnh Kon Tum hiện có hai dân tộc thiểu số rất ít người là Rơ Măm và Brâu. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong đó có Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đời sống của hai dân tộc thiểu số này từng bước được nâng cao, số hộ nghèo dần giảm xuống, qua đó góp phần xây dựng thôn, làng ngày càng phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN