Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số rất ít người

Tại tỉnh Kon Tum hiện có hai dân tộc thiểu số rất ít người là Rơ Măm và Brâu. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong đó có Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đời sống của hai dân tộc thiểu số này từng bước được nâng cao, số hộ nghèo dần giảm xuống, qua đó góp phần xây dựng thôn, làng ngày càng phát triển.

Chú thích ảnh
Chính quyền xã Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum) thăm vườn cao su của người dân Rơ Măm. 

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, người Rơ Măm hiện có 178 hộ với 543 nhân khẩu, sinh sống tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Địa hình của làng bằng phẳng, đời sống đồng bào chủ yếu dựa vào thu nhập từ sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng như lúa, sắn, cao su, điều… Tuy nhiên, do kiến thức canh tác, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi còn nhiều hạn chế nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.

Già A Dói - người có uy tín trong cộng đồng người Rơ Măm cho biết, trước đây kinh tế của người dân trong làng rất khó khăn, toàn bộ là hộ nghèo. Khi làm nông nghiệp, bà con chỉ biết chọc tỉa, trồng lúa rẫy, trồng sắn nên năng suất thấp, nhiều gia đình không đủ ăn. Đến năm 2006, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc Rơ Măm bắt đầu biết đến việc canh tác các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê. Cùng với việc phổ biến kiến thức canh tác, năng suất của các loại cây trồng tăng lên, đời sống bà con dần một khá giả.

“Năm 2007, gia đình tôi bắt đầu trồng 3 ha cao su. Được hướng dẫn trồng, chăm sóc và cạo mủ, kinh tế gia đình dần ổn định. Cùng với việc thay đổi phương thức canh tác từ trồng lúa rẫy sang lúa ruộng, gia đình tôi cũng như bà con trong làng đã đủ ăn. Đến năm 2016, gia đình tôi đã thoát được nghèo, phát triển lên được 4 ha cao su, được hỗ trợ để nuôi thêm 2 con bò, 2 con dê và trồng 4 sào lúa nước, gia đình tôi đã khá giả, xóa được đói, giảm được nghèo”, già A Dói vui vẻ nói.

Chú thích ảnh
Già A Dói, người có uy tín trong cộng đồng người Rơ Măm chăm sóc bò được hỗ trợ từ Quyết định 2086/QĐ-TTg. 

Ông A Yer, Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho biết, từ nhiều năm qua, cùng với tỉnh, huyện, xã Mô Rai đã có nhiều chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội cho người Rơ Măm. Cùng với đó, Quyết định 2086/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 đã mang lại nhiều chính sách hỗ trợ người Rơ Măm.

Cụ thể, trong hai năm 2018-2019, tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân làng Le là trên 3,7 tỉ đồng, tập trung vào việc hỗ trợ bò cái sinh sản, trâu, làm chuồng trại và giống cây trồng; đồng thời, hỗ trợ hai bộ cồng chiêng cũng như trang thiết bị trong nhà rông văn hóa để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ đó, đời sống của người Rơ Măm ngày càng phát triển, bộ mặt làng Le và xã Mô Rai ngày một đổi thay.

“Chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai các chính sách, các nội dung hỗ trợ trong Quyết định 2086/QĐ-TTg. Trong đó, chú trọng hỗ trợ về cây giống, chăn nuôi trâu, bò, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Qua đó, giúp được làng Le phát triển kinh tế, giảm từ 44 hộ nghèo năm 2019 đến cuối tháng 10/2020 chỉ còn 31 hộ. Xã sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách để giúp đồng bào Rơ Măm phát triển kinh tế, xóa nghèo”, ông A Yer chia sẻ.

Trong khi đó, người dân tộc thiểu số Brâu hiện có 173 hộ với 558 nhân khẩu, sinh sống toàn bộ tại thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg, người dân tộc Brâu đã được hỗ trợ cây giống cà phê, cao su, bời lời; hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón trồng 49 ha cà phê, 16 ha cao su, trên 32 ha bời lời; được hỗ trợ 167 con bò và kinh phí làm chuồng trại cho các hộ dân chăn nuôi. Đến nay, các diện tích cây trồng đã cho thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tế cao, đàn bò cũng phát triển tương đối tốt.

Chú thích ảnh
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn tại thôn Đăk Mế có trên 70 em học sinh là người Brâu. 

Ông Thao Lợi, Trưởng thôn Đăk Mế cho biết, từ khi có được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đời sống bà con dân tộc Brâu có sự thay đổi rõ rệt. Từ mức thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 15 triệu đồng/người/năm vào năm 2015, đến nay mức thu nhập đã tăng lên 30 triệu đồng/người/năm; hạ tầng giao thông được kiên cố hóa, chuẩn nông thôn mới; 100% trẻ em trong thôn được đến trường; các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu cần bằng men của người Brâu được duy trì và phát triển.

Ông Thao Điểng - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Y chia sẻ, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, là khu vực biên giới, người đồng bào dân tộc thiểu số Brâu tại thôn Đăk Mế cũng thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh. Người dân trong thôn đã thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đấu tranh, tố giác những người có hành vi vi phạm pháp luật. Thôn đã xây dựng một tổ an ninh tự quản hoạt động có hiệu quả, xây dựng được tổ hòa giải, làm tốt công tác giao quân, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ hàng năm.

Ông Thao Điểng cho biết thêm, xã có đề án xây dựng tuyến đường dẫn từ thôn Đăk Mế ra khu sản xuất của người dân để đồng bào thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, qua đó giúp nhân dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động. Năm 2018, người Brâu ở thôn Đăk Mế có 9 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo nhưng đến nay chỉ còn 6 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Điều này thêm một lần khẳng định hiệu quả của các chính sách mà Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã thực hiện.
 
Ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người Brâu, Rơ Măm đến năm 2025. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 157 tỷ đồng; trong đó, đề án hỗ trợ phát triển cho dân tộc Brâu trên 68 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển cho dân tộc Rơ Măm trên 88 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn tại thôn Đăk Mế có trên 70 em học sinh là người Brâu. 

Mục tiêu của đề án là duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của hai dân tộc Brâu, Rơ Măm; giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hai đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người một cách bền vững nhằm giảm sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại thôn Đăk Mế, làng Le, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Đinh Quốc Tuấn nhấn mạnh, trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi tham mưu UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người theo nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, tổ chức thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; phấn đấu xây dựng thôn Đăk Mế và làng Le thành thôn, làng nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các dân tộc tại chỗ.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Tập trung nguồn lực, dành 1.400 tỷ đồng đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Tập trung nguồn lực, dành 1.400 tỷ đồng đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Chiều 9/11, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói: “Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đã có Kết luận số 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 9 về công tác dân tộc trong tình hình mới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN