Người dân xã đảo Thổ Châu xem tiểu sử các ứng cử viên trước khi bầu cử. |
Thổ Châu là xã đảo xa nhất của tỉnh Kiên Giang, cách đất liền khoảng 210 km và cách huyện đảo Phú Quốc 120 km. Toàn xã Thổ Châu có 1.650 cử tri, được tổ chức thành 4 đơn vị bầu cử, 5 khu vực bỏ phiếu. Do khoảng cách địa lý xa đất liền, 5 ngày mới có một chuyến tàu ra Thổ Châu, xã đảo đã được Hội đồng bầu cử Quốc gia cho phép tổ chức bầu cử sớm.
Từ 6 giờ ngày 19/5, nhiều cử tri ở đảo đã cầm trên tay lá phiếu, khẩn trương đến địa điểm bầu cử, tham dự lễ khai mạc và bỏ phiếu bầu cử. Phía ngoài cầu cảng, một số ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Thổ Châu và các lực lượng khác đang làm việc tại đảo cũng theo tàu lên bờ bỏ phiếu bầu cử. Tất cả cử tri đều rất phấn khởi, hào hứng. Mọi người đều đọc kỹ thông tin, xem xét kỹ lưỡng danh sách ứng viên được niêm yết để bầu chọn với mong muốn đại biểu trúng cử sẽ có nhiều đóng góp cùng xây dựng xã đảo Thổ Châu phát triển giàu mạnh.
Từ sáng sớm ngày 19/5, gia đình ông Phan Văn Hải ở xã Thổ Châu đã thức dậy sớm hơn mọi ngày để về hội trường xã bỏ phiếu bầu cử. Ông Hải cho biết sẽ lựa chọn những đại biểu ưu tú, có tâm, có tầm. Bà Nguyễn Thị Đào, xã đảo Thổ Châu cho rằng: Đi bầu cử, thực hiện quyền công dân ở nơi được xem là cực Nam của Tổ quốc, bà thấy rất thiêng liêng và tự hào. Bà sẽ bỏ phiếu bầu chọn những người có trình độ, tâm huyết, tích cực chống tham nhũng, giúp đất nước phát triển mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152 đóng trên địa bàn xã Thổ Châu tại điểm bầu cử. |
Nhiều chiến sĩ đang đóng quân trên xã Thổ Châu lần đầu tiên được đi bầu cử cũng chia sẻ, họ rất vinh dự khi được tự tay cầm lá phiếu để bầu cho đại biểu mà mình lựa chọn. Họ mong muốn và tin tưởng sẽ chọn bầu được những đại biểu là người có bản lĩnh vững vàng, trí tuệ cao, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là bảo vệ những vùng biển đảo xa xôi, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Theo ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã Thổ Châu, cùng với quân và dân trên đảo, nhiều ngư dân đang đánh bắt hải sản trên địa bàn đảo Thổ Châu cũng vào xã đảo để bỏ phiếu. Ủy ban bầu cử xã Thổ Châu tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả mọi người được thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Phú Quốc cho biết, với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, quân và dân xã Thổ Châu rất phấn khởi, đồng thuận, sáng suốt để bầu chọn những đại biểu đủ năng lực, trình độ nhằm gánh vác trọng trách vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì đời sống ấm no của nhân dân. Sau khi kết thúc bầu cử ở xã Thổ Châu, toàn bộ số phiếu bầu sẽ được đưa về Hội đồng bầu cử huyện để tổng hợp chung báo cáo về tỉnh trong ngày 22/5.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 152 đóng trên địa bàn xã Thổ Châu nhận phiếu bầu cử. |
Quần đảo Thổ Chu nằm cách đất liền trên 210 km về phía Tây Nam. Quần đảo này được xem là cực Tây Nam của đất nước. Đây là đảo biên giới tiền tiêu phía Tây Nam đất nước, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng. Quần đảo Thổ Chu có 8 hòn đảo, trong đó đảo Thổ Chu lớn nhất với 14 km2, là nơi đặt trung tâm hành chính của xã, các đảo còn lại có diện tích nhỏ hơn, gồm hòn Đá Bạc, hòn Từ, hòn Đá Bàn, hòn Nhạn, hòn Khô và hòn Cao Cát; đặc biệt, hòn Nhạn được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam.
Ngày 27/4/1992, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về xây dựng, phát triển vùng kinh tế mới, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, 6 gia đình với khoảng 30 người đã ra đảo Thổ Chu lập nghiệp. Ngày 24/4/1993, xã đảo Thổ Châu chính thức được thành lập. Đa số cư dân trên đảo là dân chài cùng với cán bộ hành chính xã, cán bộ Hải quân Vùng 5 và lực lượng bộ đội Biên phòng. Đảo Thổ Châu hôm nay đã có nhiều đổi thay, trong đó ngư nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đảo trên 50 chiếc tàu công suất từ 45 CV trở lên; trên đảo có gần chục cơ sở thu mua, chế biến mực quy mô lớn giải quyết việc làm cho 300 lao động tại xã. Hàng năm, xã đảo xuất khẩu hơn 2.000 tấn mực, 4.000 tấn cá, doanh thu hơn 17 tỷ đồng. Cuộc sống của người dân ngày càng được quan tâm, mạng điện thoại di động đã được phủ sóng tới đảo; đường liên ấp được bê tông hóa; 100% hộ dân trên đảo có phương tiện nghe nhìn. Hiện, trên đảo đã có Trạm Y tế xã khang trang, có trường mẫu giáo, có điện sinh hoạt hằng ngày
Ông Nguyễn Trường Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu cho biết, nhân dân xã đảo rất vui mừng trước thông tin Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc, trong đó định hướng cho Thổ Châu phát triển sinh thái rừng và biển. Hiện xã đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng đường quanh đảo, các công trình dân sinh thiết yếu tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Xã tập trung đầu tư tăng sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, phấn đấu đến năm 2020 ngành kinh tế chủ đạo của xã sẽ chuyển dịch theo hướng khai thác thủy sản - du lịch .