Dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn
Trong ngày 18/4, phát biểu tại lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh (KCB) từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tổ chức, Thủ tướng cho biết: “Chúng ta hãy cùng coi đây là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, đó là chuyển đổi số trong ngành Y tế, hướng tới quốc gia số”.
Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã tích cực tham gia trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh COVID-19.
“Nhân đây tôi xin chào những chiến sĩ áo trắng dũng cảm, kiên cường, đi đầu trong phòng chống đại dịch COVID-19 ở nước ta”, Thủ tướng nói.
Từ nhiều năm nay, ngành Y tế đã triển khai một số hoạt động khám bệnh từ xa, phẫu thuật từ xa, bệnh án điện tử. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thực tiễn đòi hỏi các bệnh viện phải có thêm kênh khám bệnh từ xa nhiều hơn nữa, phổ cập hơn nữa, giúp tư vấn KCB, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn, nhất là không cần phải đến bệnh viện khi không cần thiết, giúp giảm tải cho bệnh viện, tránh lây bệnh.
Thủ tướng đồng ý cho rằng Việt Nam cần có nền tảng công nghệ để giúp các cơ quan, tổ chức nhanh chóng đưa các hoạt động của mình lên môi trường số, từ đó phục vụ tốt hơn, kịp thời hơn nhu cầu của người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh việc ra mắt ứng dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng hết sức có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ để tự bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang thực hiện trong phòng chống dịch bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, KCB trực tuyến từ xa thì hiệu quả nhân đôi, nhân ba. Đó là đáp ứng được yêu cầu chống dịch, bảo đảm công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB. Phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, phối hợp xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Các doanh nghiệp công nghệ cần chú ý bảo mật thông tin cá nhân.
Kiên trì nguyên tắc: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch
Trong hai ngày 17 - 18/4 đã có thêm 24 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số ca khỏi bệnh của Việt Nam lên 201, bằng gần 80% tổng số ca mắc. Cũng trong 24 giờ qua, sức khoẻ của 3 bệnh nhân nặng đã có nhiều tiến triển. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) 62.998, trong đó 279 người đang cách ly tập trung tại bệnh viện; 11.338 người đang cách ly tập trung tại cơ sở khác; 51.381 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 17/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh 3 điểm trong công tác chống dịch hiện nay là: Phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội.
Tiếp tục kiên định, quyết liệt tiếp tục tực hiện thật nghiêm, thật tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các hướng dẫn, và luôn bám sát nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vì dịch còn dài nên phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn. Có an toàn mới phát triển được, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. An toàn đầu tiên là trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; tiếp đến là an toàn trong học tập; thứ 3 là đi lại an toàn; thứ 4 là sản xuất - kinh doanh an toàn; thứ 5 là các hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn và cuối cùng là sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch.
Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Phó Thủ tướng cho rằng đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân. Theo đó, dễ thấy nhất là các giải pháp thực hiện chuyển đổi số để tận dụng thời cơ của thời đại số hóa, của cuộc cách mạng 4.0.
Từ việc hội họp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, học trực tuyến đến tư vấn khám bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử... sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Tiếp đến là một số thói quen trong ăn uống, sinh hoạt, thói quen chen lấn, không xếp hàng, ồn ã nơi công cộng, ở các lễ hội xô bồ, vừa thiếu văn minh và cũng không đúng với lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống…
Hơn 13.000 mẫu ở Hạ Lôi âm tính
Tại ổ dịch thuộc thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội hiện nay ghi nhận 13 ca mắc COVID-19. Cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 13.012 mẫu xét nghiệm, trong đó 13.007 mẫu âm tính, 5 mẫu dương tính. Về việc xử lý ổ dịch tại Hạ Lôi, cơ quan chức năng đã cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi kể từ ngày 8/4; bố trí 12 chốt, 66 tổ giám sát kiểm soát chặt chẽ người ra vào thôn.
Ngoài ra, TP Hà Nội tăng cường 15 tổ chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố. Liên quan đến trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 số 262 (ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội) làm việc tại Công ty SamSung, Bắc Ninh, đã rà soát 210 đối tượng tiếp xúc gần (F1) và 1.109 trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2); lấy 277 mẫu xét nghiệm, trong đó có 190 mẫu âm tính, còn lại đang chờ kết quả. 110 trường hợp liên quan đến BN262 tại các tỉnh khác đều cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Để chủ động ứng phó với các tình huống dịch theo tình hình thực tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng, điều chỉnh kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch trên địa bàn, ban hành Phương án cách ly vùng có dịch, Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến ứng phó với dịch COVID-19. Đồng thời, thành lập 315 chốt liên ngành kiểm soát dịch ở các cấp nhằm phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc có yếu tố dịch tễ để khám, sàng lọc.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên tới các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở khám, chữa bệnh và các khu cách ly tập trung. Thực hiện khẩn trương, quyết liệt việc điều tra, giám sát dịch tễ, thực hiện các hình thức cách ly đối với các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp tiếp xúc (trực tiếp, gián tiếp) đối với các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, đặc biệt là bệnh nhân 262, tổ chức cách ly, xét nghiệm kịp thời, sớm khoanh vùng, dập dịch…
BN268 sức khỏe ổn định, thể trạng đang tốt lên
Về bệnh nhân số 268 mắc COVID-19 (Bộ Y tế công bố 6 giờ sáng ngày 16/4), chiều qua, bác sĩ Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang thông tin cho biết, sức khỏe của bệnh nhân số 268 hiện đang được điều trị tại khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn (Hà Giang), ổn định, không sốt, không ho, không khó thở.
Ngành Y tế Hà Giang đang thực hiện cách ly 3 khu vực bao gồm: Thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn; Phòng khám đa khoa Phố Bảng, huyện Đồng Văn (nơi bệnh nhân đến khám đầu tiên vào ngày 8/4/2020) và Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn (nơi người bệnh đến điều trị và thực hiện cách ly tại đây).
Qua rà soát, có 318 người liên quan đến bệnh nhân 268. Tổng số mẫu đã lấy xét nghiệm là 147 mẫu. Tổng số mẫu đã có kết quả xét nghiệm là 22 mẫu, gồm 16 người nhà người bệnh, 6 cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn và Trung tâm y tế huyện Đồng Văn đều cho kết quả âm tính... Ngành Y tế Hà Giang cũng đã phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ các hộ trong thôn Pín Tủng, Phòng khám đa khoa Phố Bảng và BVĐK huyện Đồng Văn.
Trong hai ngày 18 - 19/4, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tổ chức lấy mẫu xác xuất, xét nghiệm nhanh COVID-19 tại một số chợ đầu mối, gồm: Chợ Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân), chợ Long Biên (Ba Đình), chợ đầu mối hoa quả Hoàng Mai, chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín) và một số chợ hải sản để đánh giá mức độ lây nhiễm trên địa bàn thành phố.