Tổng hợp COVID-19:

Ngày 10/9 cả nước có 13.321 ca F0, 12.751 ca được công bố khỏi bệnh, hỗ trợ hơn 7.000 túi an sinh cho người dân TP Hồ Chí Minh

Ngày 10/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.321 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 13.306 ca ghi nhận trong nước. Trong 7 ngày qua, trung bình số tử vong ghi nhận mỗi ngày là 302 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.745 ca. Bình Phước hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh hơn 7.000 túi an sinh… là những thông tin nổi bật trong ngày được bạn đọc quan tâm.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho sản phụ ngày 10/9/2021. Ảnh: TTXVN phát

Cả nước có 13.321 ca F0

So với ngày 9/9, số ca nhiễm ghi nhận trong nước ngày 10/9 tăng 907 ca. Số tỉnh, thành có số ca tăng cao là: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1.990 ca, Bình Dương giảm 968 ca, Đồng Nai giảm 57 ca, Long An giảm 91 ca, Tây Ninh tăng 87 ca. Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày ghi nhận 12.523 ca nhiễm mới trong nước.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 589.417 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.991 ca nhiễm). Trong ngày 10/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 12.751 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi là 350.921 ca.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.970 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.775 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 1.124 ca; thở máy không xâm lấn: 112 ca; thở máy xâm lấn: 930 ca; ECMO: 29 ca.  

Theo số liệu tổng hợp do các Sở Y tế công bố, cả nước có 254 ca tử vong; trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (195 ca), Bình Dương (41 ca), Tiền Giang, Đà Nẵng, Đồng Nai (mỗi địa phương 3 ca), Đồng Tháp (2 ca), Bình Thuận, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Nghệ An (mỗi địa phương 1 ca).Có 21 ca tử vong từ trước được bổ sung, trong đó tại Bình Dương (14 ca), Bình Thuận (4 ca), Nghệ An (3 ca).

Trong 7 ngày qua, trung bình số tử vong ghi nhận mỗi ngày là 302 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.745 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).  

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 278.892 xét nghiệm cho 539.875 lượt người; từ 27/4/2021 đến nay đã xét nghiệm 14.391.605,8 mẫu cho 41.975.319 lượt người.

Trong ngày 9/9 có 1.168.812 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 25.926.688 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 21.459.102 liều, tiêm mũi 2 là 4.467.586 liều.

Bộ Y tế kêu gọi người dân thực hiện Thông điệp 5T - “Pháo đài” chống dịch trong tăng cường giãn cách xã hội

Tuân thủ nghiêm 5K: Thực hiện nghiêm giãn cách, “ai ở đâu ở đó”. Cách ly người với người, nhà với nhà, xã với xã; thực hiện nghiêm 5K khi phải ra khỏi nhà.

Thực phẩm đủ tại nhà: Cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để người dân an tâm ở nhà; đảm bảo an sinh xã hội tại nhà, đặc biệt quan tâm tới gia đình có người nhiễm, người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm dễ bị tổn thương...  

Thầy, thuốc đến tận gia: Bảo đảm mọi người dân được chăm sóc y tế; tổ chức trạm y tế lưu động tại các xã/phường để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế; tổ chức quản lý, chăm sóc người nhiễm tại các địa phương áp dụng cách ly, điều trị F0 tại nhà; cung cấp túi thuốc cho người bệnh; sơ cấp cứu ban đầu và phát thuốc điều trị bệnh mãn tính cho nhân dân.

Test COVID tất cả: Thực hiện xét nghiệm toàn bộ người dân, đặc biệt là tại các địa bàn có nguy cơ rất cao, hoặc nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) để sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm, hạn chế lây lan ra cộng đồng và tổ chức chăm sóc người nhiễm phù hợp; hướng dẫn người dân tự xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế hoặc đội ngũ tình nguyện.

Tiêm chủng tại phường, xã: Tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay ở xã, phường, tại trạm y tế hoặc điểm tiêm lưu động, bố trí nhiều điểm tiêm để người dân trong các nhóm đối tượng tiêm chủng được tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm nhất, gần nhà nhất có thể.

Chú thích ảnh
Vận chuyển hàng về TP Hồ Chí Minh. Ảnh: K GỬIH/TTXVN

Bình Phước hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh hơn 7.000 túi an sinh  

Ngày 10/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức lễ xuất quân "Vì miền Nam ruột thịt, vì Thành phố Hồ Chí Minh thân yêu" đợt 2 nhằm chia sẻ khó khăn, chiến thắng đại dịch COVID-19. Lễ xuất quân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước kết nối trực tuyến với điểm cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.  

Trong 9 ngày "hướng về Thành phố Hồ Chí Minh", các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các tôn giáo, nhà hảo tâm và nhân dân trên địa bàn Bình Phước đã quyên góp được 7.026 túi an sinh cùng nhiều tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm các loại với tổng trị giá gần 1,8 tỷ đồng.  

Tất cả hàng hóa được sắp xếp trên 14 chuyến xe, chia làm 2 đội để vận chuyển. Đội thứ nhất vận chuyển theo tuyến Quốc lộ 13 và đội thứ hai đi theo tuyến ĐT.741 để vào vùng tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh. Số hàng hóa, nhu yếu phẩm này sẽ được chuyển đến cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh góp phần phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.  

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, tuy dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng với tinh thần tương thân, tương ái, cán bộ, nhân dân trong tỉnh đã chung tay góp phần nhỏ cho địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19.  

Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước tiếp tục kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các tôn giáo, nhà hảo tâm và nhân dân trên địa bàn Bình Phước phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, đóng góp ủng hộ để có nhiều hơn nữa những chuyến hàng đến với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác./.

Tổng đài 1022 Đồng Tháp hỗ trợ đắc lực người dân khó khăn do dịch COVID-19

Để đồng hành với người dân trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 (Tổng đài 1022) tỉnh Đồng Tháp thực hiện tiếp nhận các thông tin về các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm; thông tin về đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương và tỉnh nhưng chưa nhận được hỗ trợ. Qua đó, phát huy vai trò cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp; hỗ trợ đắc lực người dân khó khăn, nhất là trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.

Chú thích ảnh
Sáu tổng đài viên làm việc xuyên suốt, luôn cố gắng xử lý, hỗ trợ kịp thời các trường hợp gặp khó khăn. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Để đáp ứng yêu cầu thông tin của người dân, nhất là thông tin liên quan đến dịch COVID-19, từ tháng 6/2021 đến nay, 6 tổng đài viên làm việc xuyên suốt, luôn cố gắng xử lý, hỗ trợ kịp thời các trường hợp gặp khó khăn. Qua đó, giúp giảm bớt áp lực, gánh nặng và những khó khăn, bất tiện mà người dân đối mặt trong mùa dịch. Theo thống kê, đã có hơn 90% phản ánh, kiến nghị qua Tổng đài đã được trao đổi, phản hồi ngay với người phản ánh.

Các thông tin tiếp nhận chủ yếu liên quan đến COVID-19, nhất là nhu cầu về các gói hỗ trợ của chính quyền; phản ánh về sự bất tiện khi đi lại, lao động, học tập trong điều kiện giãn cách kéo dài; nhu cầu thông tin về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19; đề nghị hỗ trợ nhu yếu phẩm do khó khăn trong mùa dịch… Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin về các trường hợp khác trong xã hội cần hỗ trợ như người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ…

Các thông tin này sẽ được Tổng đài 1022 chuyển đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân 12 huyện, thành phố xử lý, hỗ trợ người dân trong thời gian nhanh nhất. Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, chỉ riêng trong ngày 9/9, Tổng đài 1022 tiếp nhận 430/465 ý kiến liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tổng đài viên đã trả lời trực tiếp 428 ý kiến, chiếm 92,04%.

Trong đó, có 252 ý kiến liên quan đến nhóm đối tượng lao động tự do được hưởng hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các nội dung về điều kiện, thủ tục để được hưởng chính sách; 164 ý kiến về người dân ở tỉnh khác muốn trở về quê, tiêm vaccine; việc di chuyển mua lương thực, tiêu thụ nông sản…; 14 lượt ý kiến của người dân đề nghị được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm do gặp nhiều khó khăn vì dịch kéo dài.

Trước đó, trong tháng 8/2021, Tổng đài đã tiếp nhận, chuyển ngành chức năng xử lý, phản hồi 6.034 ý kiến, tăng 12 lần so với năm 2020 và gấp 9 lần so với 6 tháng đầu năm 2021. Ước tính trung bình mỗi ngày, tổng đài nhận và lập khoảng 200 phiếu ý kiến.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, kết quả hoạt động của Tổng đài 1022 đã thể hiện sự tin tưởng của người dân, góp phần chung tay cùng các ngành, cấp trên địa bàn tỉnh trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19. Qua đó, phát huy vai trò cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp; góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các tổng đài viên tiếp tục vượt qua khó khăn, cố gắng phát huy vai trò mỗi tổng đài viên là một "sứ giả" của tỉnh trong việc kết nối, tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của nhân dân; giữ tinh thần, thái độ ứng xử phù hợp, thân thiện khi tiếp nhận ý kiến của người dân; góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

V.T/Báo Tin tức
Chiến lược ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19 của Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ và đang đi đúng hướng
Chiến lược ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19 của Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ và đang đi đúng hướng

WHO tin tưởng rằng chiến lược ứng phó khẩn cấp vì sức khỏe cộng đồng trong kiểm soát bùng phát dịch COVID-19 hiện nay của Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ và đang đi đúng hướng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN